GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM) đã tham dự Hội thảo thường niên về những vấn đề nổi bật của nền kinh tế châu Á tại Trường Đại học Keio (Tokyo, Nhật Bản) do Hội Kinh tế châu Á (AEP) tổ chức trong 2 ngày 3 và 4.9.
Hội thảo tập trung vào những chủ đề quan trọng như các chính sách cấp thiết của các chính phủ châu Á để đối phó với vấn đề giá nhiên liệu và lương thực tăng cao; đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh Nga - Uckraina; chính sách kinh tế của các nước châu Á khi căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt; các vấn đề tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhằm khám phá những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia châu Á và thảo luận về chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư Wing Woo, Đại học California Davis, cho rằng vị thế toàn cầu của các nước châu Á ngày càng cao. Tuy nhiên, các nước châu Á đang bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề đang diễn ra như căng thẳng kinh tế và các vấn đề khác. Do vậy, các nước châu Á, đặc biệt là các khối liên kết như ASEAN cần có các chính sách nhanh chóng để thích ứng và ứng phó với các vấn đề toàn cầu đó. Hội thảo lần này sẽ thảo luận những vấn đề thực tiễn và gợi ý các chính sách kinh tế cho các quốc gia châu Á với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Tại hội thảo, GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM) đã thảo luận về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng, kể từ khi mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài và là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng FDI cao trong khu vực.
FDI mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Khu vực FDI cũng đóng vai trò dẫn dắt trong hoạt động xuất nhập khẩu, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn vẫn là sản xuất công nghiệp. Trong tương lai, Việt Nam cần hướng tới thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và tập trung vào việc lan tỏa lợi ích cho cả vùng và khu vực.
Giáo sư Fukunari Kimura (Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản), nhà kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đã trình bày bài tham luận với chủ đề căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu hiện nay và chính sách kinh tế của các nước ASEAN. Ông phân tích chi tiết các tác động của căng thẳng địa chính trị đến nền kinh tế, đặc biệt là căng thẳng Mỹ - Trung và gợi ý đề xuất các chính sách cho các nước ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu về sự tác động của công nghệ, đặc biệt là AI và blockchain, trong việc định hình tương lai của nền kinh tế châu Á, với các bài trình bày về những ứng dụng thực tiễn của công nghệ này trong các ngành công nghiệp chủ chốt; phân tích mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia châu Á và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các quan hệ đối tác kinh tế chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển chung; đưa ra các chính sách công hiệu quả đã và đang được triển khai tại các quốc gia Châu Á, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm hữu ích cho các quốc gia khác trong khu vực.