Ngày 15.3, tại Hậu Giang, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau.

Hơn 27.000 tỉ đồng cho dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau

Kỳ Việt | 15/03/2022, 21:21

Ngày 15.3, tại Hậu Giang, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau.

Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (giai đoạn 1) có quy mô 4 làn xe hạn chế, mặt cắt ngang 17m, tổng chiều dài khoảng 109,5km, tổng mức đầu tư hơn 27.000 tỉ đồng.

Điểm đầu cao tốc này tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào quốc lộ 91 - đường Nam Sông Hậu, TP.Cần Thơ); điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Dự án gồm 2 dự án thành phần: đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư 9.769 tỉ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn 17.485 tỉ đồng. Thời gian thực hiện: dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành cơ bản năm 2025.

Về tiến độ thực hiện lập dự án, đến nay đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất, vật liệu và công tác thỏa thuận (hướng tuyến, cầu cống, đường gom…) với các tỉnh dự án đi qua.

ban-dung.jpg
Hội nghị về việc thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua các tỉnh ĐBSCL - Ảnh: Kỳ Việt

Đã báo cáo đầu kỳ từ tháng 2.2022 và dự kiến báo cáo giữa kỳ trước ngày 26.3.2022. Các công tác đánh giá tác động môi trường, khung chính sách… đã hoàn thành thực hiện tham vấn cộng đồng, đạt tiến độ yêu cầu.

Công tác lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) đợt 1. Đã hoàn thành tổng cộng 36,5km, trong đó, Cần Thơ 2,4km tuyến nối, Hậu Giang 16,5km, Bạc Liêu 6,3km, Kiên Giang 5,3km và Cà Mau 6km.

Về tiến độ thực hiện công tác GPMB, đến nay các tỉnh/thành đã giao các đơn vị cụ thể thực hiện, làm cơ sở để tiếp nhận hồ sơ, mốc GPMB đợt 1 từ ngày 15.3 và triển khai các bước tiếp theo. Ngày 14.3 đã bàn giao hiện trường 9km từ Km28+00 - Km37+00 thuộc tỉnh Hậu Giang.

Để triển khai dự án theo tiến độ yêu cầu cấp bách, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện GPMB, triển khai ngay và quyết liệt, trong đó kế hoạch gần nhất là thông báo thu hồi đất trước ngày 20.3.2022.

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng dự án có vai trò rất quan trọng, kết nối các trung tâm kinh tế, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ qua nhiều địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của toàn vùng ĐBSCL.

ky-ket-dung.jpg
Bàn giao hồ sơ thiết kế và cắm cọc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam, đoạn qua các tỉnh ĐBSCL - Ảnh: Kỳ Việt

Hậu Giang đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có cập nhật dự án này vào quy hoạch, đồng thời đã thành lập ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo.

Tỉnh đã giao Sở TN-MT cung cấp số liệu diện tích chuyển đất trồng lúa 2 vụ, đã gửi về Ban QLDA Mỹ Thuận; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư để thực hiện công tác bồi thường, tái định cư; giao các huyện có dự án đi qua phối hợp tối đa thực hiện tốt công tác GPMB…

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị Bộ GTVT bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng các khu tái định cư vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án, đưa vào các khung chính sách để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề nghị Bộ GTVT xem xét cho ứng trước một phần kinh phí bồi thường tái định cư để địa phương chủ động triển khai thực hiện; chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận sớm bàn giao các cột mốc, lập văn phòng đại diện để tiện trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án, phân công cán bộ trực tiếp theo dõi sát dự án để phản ánh kịp thời các khó khăn vướng mắc của các địa phương…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay, với tính chất của dự án cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu triển khai đảm bảo tiến độ đến năm 2025 cơ bản hoàn thành.

Ông Lâm yêu cầu các công đoạn như hoàn thành hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất; lập, thẩm định, phê duyệt khu chính sách GPMB; đánh giá tác động môi trường; lấy ý kiến cộng đồng… Tất cả phải xong trước ngày 30.6.2022 để dự án đầu tư được phê duyệt.

Theo ông Lâm, dự án cơ bản tránh được các khu dân cư, chủ yếu đi qua vùng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn là việc xử lý nền đất yếu đòi hỏi nhiều thời gian, cần lựa chọn giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó là nhu cầu lớn về vật liệu… “Tiến độ rất gấp, công việc rất nhiều, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết các hồ sơ liên quan, tạo điểu kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ chung”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, kế hoạch tiếp theo là sẽ báo cáo giữa kỳ dự kiến trước ngày 26.3.2022; báo cáo cuối kỳ trước ngày 30.4.2022; lập hồ sơ thiết kế, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, cắm cọc ngoài thực địa và bàn giao cho địa phương, đợt 2 dự kiến bàn giao cơ bản các đoạn còn lại từ ngày 30.4.2022, đợt 3 là các nút giao trên tuyến trước ngày 30.6.2022.

Các địa phương triển khai, đảm bảo GPMB và bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20.11.2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023. Lập, thẩm tra, phê duyệt khung chính sách GPMB dự kiến hoàn thành ngày 15.5.2022. Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự kiến hoàn thành ngày 15.5.2022. Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán dự kiến ngày 15.10.2022. Lựa chọn nhà thầu xây lắp, khởi công dự kiến ngày 20.11.2022.

Thi công xây dựng dự kiến hoàn thành ngày 19.11.2025.

Bài liên quan
Bộ GTVT yêu cầu rà soát, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ
Bộ GTVT vừa gửi văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc cùng các tổng công ty rà soát, tổng hợp báo cáo các dự án dừng thi công, chậm tiến độ, đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 27.000 tỉ đồng cho dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau