Chiều nay 23.4, Thứ trưởng bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã chủ trì buổi họp cùng 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế về hiện tượng cá chết hàng loạt trong nữa tháng nay để tìm ra nguyên nhân và giải pháp.
Theo Thứ trưởng bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, cuộc họp báo được tổ chứcsau chỉđạo của Thủ tướng về khắc phục hậu quả,ghi nhận thiệt hại củangư dân docá chếthàng loạt từ Hà Tĩnh vào đến tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Phần lớn đại diện các tỉnh thành đều cho biết hiện tượng cá chết hiện nay đã có dấu hiệu dừng lại. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết đã chủ động và phát hiện cá chết từ ngày 14.4 đến ngày 17.4. Sở đã chủ động chỉ đạo các đơn vị vào cuộc, sớm có những văn bản thông báo cho UBND các huyện, xã không lấy nước biển nuôi tôm, cá. Lãnh đạo Sở này kiến nghị các Bộ cần có giải pháp để xử lý môi trường; cần phải giải thích rõ nguyên nhân cá chết tự nhiên hay nhân tạo và sớm có thông tin. Về lâu dài, phải có những trạm quan trắc để kiểm soát vùng biển ở các điểm nhạy cảm để kiểm soát việc xả thải gây ô nhiễm.
Đồng quan điểm với Quảng Trị, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng cho rằng cần nhanh chóng làm sao tìm được nguyên nhân cá chết hàng loạt, giải pháp và cách khắc phục.
Đặc biệt, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định: “Cá chết do chất độc có khả năng do người dân xả thải ra hoặc tàu xả thải từ biển. Ngày 18.4, ở Thừa Thiên-Huế nhận được tin có tàu cá của ngư dân TQ trôi dạt trên biển xin vào tránh trú ở địa phương. Tàu đó nói là tàu thu mua hải sản nhưng trên tàu không có gì hết, chỉ có 3 người. Nhưng cũng trước đó có thông tin ở Quảng Bình bắt giữ 5 tàu và 28 thuyền viên nước ngoài sau đó thả ra. Nên chúng ta cần xem xét tàu hoạt động từ thời gian từ ngày 1.4-20.4 trên vùng biển các tỉnh miền Trung.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản cho rằng các Bộ nên có cơ quan kiểm định các sản phẩm cá ở trong khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, nếu nó an toàn thì công bố rộng rãi cho bà con yên tâm để dùng sản phẩm.
“Chúng tôi vừa đi thực địa và phân tích mẫu bệnh phẩm, nếu quan sát bên ngoài và nội tạng cá thì không phát hiện được cá chết do nhiễm độc. Nên các địa phương cần hướng bà con hướng ngư trường khai thác xa hơn ngư trường vừa gặp sự cố”, ông Cẩn nói.
Thứ trưởng bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Qua kiểm tra cá chết ở các tỉnh, không có tác nhân gây bệnh hay dịch bệnh nên loại bỏ yếu tố này. Thứ hai, về những chỉ tiêu môi trường theo quy chuẩn nuôi trồng thủy sản thì nó không vượt ngưỡng nên cũng loại yếu tố này. Vậy thì chỉ còn nguyên nhân do dộc tố, nên cần xem xét các loại như tảo độc, xả thải hay kim loại nặng”.
Ông Tám đặt vấn đề các tỉnh cần bàn việc chỉ đạo sản xuất như thế nào, đến bao giờ khuyến cáo ngư dân tiếp tục khai thác, có phải đợi đến khi tìm được nguyên nhân cá chết hay không vì vấn đề độc tố không đơn giản để tìm ra nhanh được. Thứ hai nữa là vấn đề tiêu thụ, làm sao ổn định tâm lý tránh gây hoang mang và tiếp tục tiêu thụ những sản phẩm an toàn?
Lê Đình Dũng