Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công thương Long An cho biết: "Sau dịch COVID-19 đến nay, người trồng thanh long ở ĐBSCL không còn mặn mà với loại cây này nữa. Kim ngạch xuất khẩu thanh long giảm khiến người trồng lao đao. Trong khi đó, chi phí đầu tư lớn, giá nhân công tăng, giá bán không ổn định... khiến người trồng thanh long đang dần rời xa loại cây từng cho 'sản phẩm số 1' trong xuất khẩu nông sản".
Người trồng thanh long mất phương hướng
Trong thời gian qua, giá bán quả thanh long xuống thấp. Từ sau dịch COVID-19, các vườn thanh long xuống cấp, nhiều vườn cây quá lứa, già cỗi… khiến thu nhập của người trồng thanh long ở Long An, Tiền Giang bấp bênh. Một số người đã phá bỏ thanh long để trồng loại cây khác.
Còn nhớ, năm 2010, giá trị xuất khẩu của thanh long chỉ có 57 triệu USD, nhưng đến năm 2017 loại "trái cây vua" này mang về cho Việt Nam trên 1 tỉ USD. Thế nhưng, thời gian gần đây sức hút của loại trái cây này ngày một giảm khi thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc giảm dần nhu cầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, so với thời điểm trước dịch COVID-19, diện tích thanh long của địa phương hiện đã giảm khoảng 4.000ha (từ khoảng 12.000ha giảm xuống còn hơn 8.000ha).
Ông Nguyễn Phước Lập (Hợp tác xã Bình Quới, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) trồng 6.500m2 thanh long hơn 10 năm nay, nhưng giờ ông đã đốn hết vườn thanh long.
Ông Lập cho biết: "Tôi gắn bó với thanh long hơn 10 năm. Chán thanh long thì phá bỏ do thu nhập kém nhưng chưa biết phải trồng lại cây gì cho hiệu quả. Ở Long An hiện nay tình trạng phá bỏ vườn thanh long già cỗi, không hiệu quả khá nhiều, nhưng người nông dân mất phương hướng, không biết trồng cây gì tiếp theo".
Theo ông Lập, vùng chuyên canh thanh long một thời "hoàng kim" nay trở thành vùng trồng cây da beo. Cũng do "mất phương hướng", nhiều người chuyển sang trồng dừa, rau màu, sầu riêng, cây ăn quả khác. Đó là tình hình chung của những người từng gắn bó với cây thanh long ở Long An, Tiền Giang hiện nay. Hai tỉnh này một thời có diện tích trồng thanh long lớn ở ĐBSCL.
Trung Quốc giảm nhập khẩu thanh long
Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy thị trường Trung Quốc đang ngày càng ít quan tâm đối với trái thanh long Việt Nam. Điều này khiến loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam xuất khẩu ngày một sa sút.
Theo đó, vào năm 2020, thanh long có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong ngành cây ăn trái của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,13 tỉ USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất với 1,035 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 91% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Mặt hàng thanh long Việt Nam bắt đầu xuống dốc tại thị trường Trung Quốc trong 5 năm qua. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt 1,04 tỉ USD; năm 2021 đạt gần 926 triệu USD, giảm 10,6% so với năm 2020. Thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục "trượt dài" khi giá trị kim ngạch giảm sâu ở những năm tiếp theo. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam chỉ đạt 298,4 triệu USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 203,35 triệu USD.
Phân tích những nguyên nhân khiến thanh long Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm sút, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho rằng: "Cuối năm 2023 diện tích thanh long Trung Quốc đã tăng lên 67.000ha, sản lượng hơn 1,6 triệu tấn, trong khi đó Việt Nam từ 65.000ha (2020) nay đã giảm xuống còn khoảng 55.000ha, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn. Như vậy, với sản lượng thanh long Trung Quốc đạt 1,5 - 1,6 triệu tấn thì họ giảm nhập khẩu thanh long của ta là chuyện bình thường".
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, thanh long Việt Nam bị dội hàng từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Vì lúc này Trung Quốc thu hoạch rộ thanh long của họ.
Thanh long của Trung Quốc chỉ có trái 3 tháng trong năm, do khí hậu ôn đới, còn thanh long Việt Nam có trái 4 mùa. Trái thanh long Việt Nam ngon hơn trái cây này ở vùng ôn đới của Trung Quốc. Đó là lợi thế của thanh long Việt Nam.
Tuy nhiên, cái bất lợi của thanh long Việt Nam hiện nay là giá cả bấp bênh; chi phí cho kỹ thuật, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giá công lao động đều tăng cao. Những vườn thanh long trồng hơn 10 năm đến nay cây đã già cỗi, chất lượng trái giảm. Đó là những lý do khiến người nông dân dần từ bỏ cây thanh long.
Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết, hiện nay nhiều người dân ở Long An, Tiền Giang phá bỏ vườn thanh long, tuy nhiên sắp tới họ trồng cây gì, hình thành vườn chuyên canh gì thì chưa có định hướng rõ ràng.