Ngày cuối năm này, tôi đón Tết một mình. Khi đứng trước bàn thờ gia tiên, lòng tôi se thắt lại trong nỗi buồn không tỏ thành lời. Tôi nhớ ông nội và ba tôi vô cùng.
Hai thế hệ ông - cha của tôi, là hai lớp người chìm đắm trong chiến tranh và ly tán. Hai đời người quá nhiều đau thương và dâu bể khôn lường. Ông nội và ba tôi, một cách nào đó, dù vô tình, đã truyền thừa cho tôi một tâm thế luôn đi tìm sự thanh bình của kiếp nhân sinh.
Tôi có tìm được không? Đã tìm được chưa? Tôi không chắc! Nhưng có một điều tôi biết chắc là nhờ có ông và ba tôi, tôi luôn giữ được lòng độ lượng và biết vui với cái mình có, không cưỡng cầu và không mong đợi những thứ phù hoa hư ảo.
Mỗi năm, trong những ngày giáp Tết, bao giờ tôi cũng nhớ ông nội và ba tôi một cách xót xa. Và tôi nhớ cả màu nắng vàng thơm của chốn quê nhà. Hơn một lần tôi đã viết: ..."Sống trong thế giới không ngừng biến động hôm nay, làm sao chúng ta lại có thể không cần đến một Quê nhà? Làm sao chúng ta có thể không để tâm hồn hướng về một chốn QUÊ HƯƠNG THANH BÌNH?
Nếu tôi nhớ không nhầm, thì trong những di sản văn học thời Lý-Trần, cái chốn quê nhà đó cũng đã từng được nhắc đến. Câu thơ của vị vua đầu nhà Trần: “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách. Nhật viễn gia hương vạn lý trình” chính là muốn nói đến cái quê hương tâm linh, cái quê chung của nhân loại, mà nếu con người cứ mải mê trên những nẻo đường phù hoa thì lối về sẽ lại càng xa vạn dặm.
Không biết tự bao giờ, tâm hồn tôi đã đồng hoá QUÊ NHÀ với một màu nắng. Chỉ biết rằng, trong những quãng đời mà tinh thần phải chịu nhiều nỗi trầm luân, trong những hồi đắng cay, lạc lõng nhất vì sự đảo lộn của xã hội và sự lọc lừa của nhân thế, thì tâm hồn tôi vẫn luôn được cứu vớt bởi một màu nắng ở chốn quê nhà.
Năm tôi lên bảy, một ngày giáp Tết, ông nội tôi dẫn tôi đi chợ Quảng Huế. Và ông đặc biệt thưởng cho tôi một món quà, vô cùng quý giá với tôi lúc bấy giờ, là một con gà trống đất rực rỡ, không những oai vệ như một chú gà trống vẫn thường cất tiếng gáy vang trong đời thực, mà còn có thể cho tôi kê miệng thổi lên những tiếng toe toe vang vọng. Đã bao nhiêu năm tháng qua đi, cho tới mãi giờ phút này, khi tôi đã gần đi trọn một kiếp nhân sinh, tôi vẫn như còn thấy lại, rõ mồn một, hình ảnh chú bé lên bảy ngày ấy, rời chợ lúc gần trưa, trên đường trở về nhà, vừa nhảy chân sáo bên cạnh ông nội, vừa thổi vào con gà trống đất toe toe, toe toe, trong cái nắng vào xuân vàng rực.
Rồi ở tuổi mười lăm, tôi đã để cho cái màu nắng diệu kỳ kia quyến rũ. Một buổi trưa, trong những ngày giáp Tết, đi chơi về muộn, tôi không vào nhà, mà ngồi lại trên bậc thềm trước mái hiên, khi cả nhà đã ngủ trưa. Tôi ngồi im lặng và nhìn ra những luống cải tần ô của mẹ tôi, nơi có những con bướm vàng bay về lượn trên những vồng cải hoa vàng.
Lúc ấy, trời đang nắng dịu. Trong một giây phút bất chợt, tôi bị choáng ngợp bởi màu nắng vàng lụa, mềm như tơ kia.
Rồi đột nhiên, lòng tôi trào lên một cảm xúc dạt dào khó tả. Tôi vừa thấy lòng bâng khuâng rạo rực một tình yêu bồng bột đắm say, như vừa chạm tới được cánh cửa của một thế giới mới, cái thế giới trước đó tôi chưa từng biết; đồng thời, lòng tôi cũng vừa như có một nỗi buồn không thể gọi tên. Cảm xúc ấy dạt dào, mãnh liệt đến độ làm tôi bàng hoàng. Tôi ngồi bất động giờ lâu, tâm hồn vừa bị xáo động mãnh liệt, tưởng như bị ném vào một cõi xa lạ hoàn toàn, mà lại vừa thấy ngập tràn một niềm vui vô cớ, một thứ hạnh phúc thanh thản vô bờ.
Phải chăng cái giây phút ấy chính là thời điểm khởi đầu cho những suy niệm về lẽ đời, về phận người, trong tôi? Tôi cũng không biết nữa! Nhưng nhiều năm tháng về sau, khi đã lưu lạc tha phương, đã xa hẳn mái nhà, vuông sân có những luống cải hoa vàng của mẹ, ở phố cổ Hội An, cái buổi trưa tràn trề cảm xúc của tuổi mới lớn ấy đã chìm sâu, sâu mãi vào tận những góc mông lung, tăm tối nào đó của ký ức, tưởng đã quên hẳn, quên mãi, bỗng nhiên một ngày nọ, nỗi cảm xúc xưa đột ngột sống lại, mãnh liệt và ray rứt. Và từ đó, tôi không bao giờ còn quên được màu nắng năm xưa ở chốn quê nhà.
Rồi mỗi năm, cứ đến những ngày giáp Tết, dù lưu lạc nơi đâu, lòng tôi vẫn sống lại dạt dào màu nắng cũ, vẫn như còn ngửi được cái mùi hương nồng nàn quyện trong gió của ánh nắng vàng nhẹ như tơ kia. Phải chăng đó chính là sự hoà trộn diệu kỳ của cả hương đất và hương lòng?".
Tết năm nay, tôi đón Tết một mình, lại càng nhớ màu nắng vàng hanh của chốn quê nhà. Cuộc đời này dẫu có bao nhiêu điều bất toàn thì trước sau vẫn còn lại trong tôi một màu nắng cứu rỗi, màu nắng của tâm linh thanh tịnh và của hương đất quê nhà.
TẦN HOÀI DẠ VŨ