Máy in 3D đang đưa việc xây dựng nhà ở Mỹ lên một tầm cao mới.
Chiếc máy in khổng lồ nặng hơn 12 tấn đang tạo ra ngôi nhà hai tầng in 3D đầu tiên ở Mỹ. Cỗ máy kêu đều đều khi nó đẩy các lớp bê tông ra để xây dựng ngôi nhà rộng khoảng 371,61 mét vuông ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ.
Kiến trúc sư Leslie Lok, đồng sáng lập studio thiết kế Hannah và là người thiết kế ngôi nhà, cho biết việc xây dựng sẽ mất tổng cộng 330 giờ in ấn (gần 14 ngày).
“Bạn thực sự có thể tìm thấy rất nhiều tòa nhà in 3D ở nhiều bang. Ngoài máy in, tất nhiên có những thách thức khác như cấu trúc và hậu cần khi chúng tôi in một tòa nhà tầng hai”, bà Leslie Lok nói.
Leslie Lok ho biết căn nhà ba phòng ngủ với khung gỗ đã hoàn thành được một nửa và đang được bán cho một gia đình muốn giấu tên. Dự án là sự hợp tác kéo dài 2 năm của Hannah, Peri 3D Construction và Cive (công ty kỹ thuật xây dựng).
Hikmat Zerbe, trưởng bộ phận kỹ thuật kết cấu của Cive, hy vọng một ngày nào đó kỹ thuật đổi mới này có thể giúp xây dựng những ngôi nhà cho nhiều hộ gia đình nhanh hơn và rẻ hơn.
Ngoài ra, bê tông có thể chịu được giông tố, bão lớn cùng thời tiết khắc nghiệt khác ở bang Texas vốn đang ngày càng xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Vì máy in thực hiện tất cả công việc nặng nhọc nên cần ít nhân công hơn tại công trường.
“Với xây dựng truyền thống, bạn biết các quy tắc, trò chơi, các đặc tính của vật liệu. Còn với in 3D, mọi thứ đều mới. Vật liệu này là mới, dù bê tông nói chung là vật liệu cũ, nhưng bê tông in 3D là một cái gì đó mới”, Hikmat Zerbe nói.
Hồi tháng 7.2020, máy in 3D lớn nhất châu Âu đã có thể giúp xây ngôi nhà hai tầng 90 mét vuông trong thời gian ngắn, tiết kiệm đáng kể vật liệu và chi phí. Cụ thể hơn, công ty xây dựng Kamp C sử dụng máy in 3D lớn nhất châu Âu để xây toàn bộ căn nhà hai tầng. Thời điểm đó, Kamp C cho biết đó là ngôi nhà lớn nhất xây liền mạch bằng máy in cố định.
Máy in 3D kích thước 10 x 10 mét mang tên BOD2, do công ty COBOD (Đan Mạch) phát triển. Nó hoạt động theo cơ chế tương tự các máy in 3D nhỏ. Tuy nhiên, BOD2 sử dụng một loại bê tông tổng hợp đặc biệt để tạo nên từng lớp tường. Phương pháp này mang lại những ưu điểm lớn so với cách xây dựng truyền thống như tốc độ nhanh, vật liệu được sử dụng một cách thông minh và chi phí giảm.
"Sức chịu nén của vật liệu mới cao gấp ba lần so với loại gạch xây nhanh truyền thống. Ngoài các sợi trong bê tông, lượng lưới thép gia cố cũng được hạn chế. Công nghệ in 3D cũng khiến việc sử dụng cốp pha là không cần thiết, giúp tiết kiệm tới khoảng 60% vật liệu, thời gian và chi phí", theo Marijke Aerts, quản lý dự án.
Ngôi nhà hai tầng với diện tích hơn 90 mét vuông chủ yếu phục vụ mục đích thử nghiệm, không phải làm nhà ở thực tế. Song nó đủ rộng và thậm chí trang bị một số tiện nghi như pin năng lượng mặt trời hay hệ thống sưởi dưới sàn.
"Việc xây ngôi nhà này là một lời khẳng định. Nó chứng tỏ tính khả thi và tiềm năng của phương pháp in 3D trong ngành công nghiệp xây dựng", Emiel Ascione, chuyên gia tại Kamp C, nhận định.