Sự gia tăng đột biến của các ca mắc COVID-19 đã khiến hệ thống y tế Indonesia rơi vào tình trạng quá tải, các bệnh viện hết chỗ, nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự cách ly và điều trị tại nhà.

Indonesia: Mối lo gia tăng bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nhà

TTXVN | 23/07/2021, 08:23

Sự gia tăng đột biến của các ca mắc COVID-19 đã khiến hệ thống y tế Indonesia rơi vào tình trạng quá tải, các bệnh viện hết chỗ, nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự cách ly và điều trị tại nhà.

Ca mắc tăng vọt, bệnh viện quá tải

Theo hãng tin CNA, Rudi Zafar, 31 tuổi, cảm thấy khó thở, anh gần như không thể đi nổi vào cuối tháng 6 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Zafar đã đến các bệnh viện ở Bekasi, ngoại ô thủ đô Jakarta, Indonesia để tìm nơi điều trị. Nhưng hầu hết các trung tâm y tế đều kín giường và không thể nhận bệnh nhân.

Nồng độ ôxy trong máu của Zafar đã giảm xuống còn 90%, trong khi tỉ lệ này ở người bình thường dao động ở mức 95-100%, nhưng anh vẫn không được nhập viện. Người hàng xóm cho Zafar mượn bình ôxy dùng tạm, nhưng tình trạng vẫn không tiến triển.

“Tôi vẫn cảm thấy rất khó thở. Nồng độ ôxy trong máu của tôi tiếp tục giảm còn 85%”, Zafar nói.

Zafar là một trong số nhiều người ở Indonesia đã được chẩn đoán mắc COVID-19 nhưng không thể nhập viện điều trị do tình trạng quá tải. Khi số bệnh nhân nhiễm virus tại nước này đạt mức kỷ lục, nhiều nơi ghi nhận mức tăng hơn 200%, các bệnh viện đã không còn giường bệnh.

Với trên 2,9 triệu ca mắc COVID-19 và vượt ngưỡng 77.500 ca tử vong cho đến nay, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ trở thành tâm dịch COVID-19 ở châu Á. Hôm 21/7, nước này ghi nhận thêm 33.772 ca nhiễm mới và số ca tử vong cao kỷ lục 1.383 trường hợp.

Các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại số liệu thực tế có thể cao hơn con số chính thức. Họ nói rằng nhiều trường hợp mắc bệnh không được ghi nhận và báo cáo đúng cách. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm và truy vết ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới vẫn còn hạn chế.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 bên ngoài khu cấp cứu tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Trong phiên điều trần tại Quốc hội, Tiến sĩ Lia Partakusuma, Tổng thư ký Hiệp hội các bệnh viện ở Indonesia, cho biết các cơ sở điều trị ở nước này gần như đã kín chỗ, đặc biệt là ở đảo Java, nơi tỉ lệ lấp đầy giường của nhiều bệnh viện đã lên tới 90%.

Ca mắc COVID-19 tại nước này được cho là bùng phát sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri hồi giữa tháng 5. Vào dịp này, nhiều người đã về quê và tụ tập tại các điểm du lịch, bất chấp lệnh cấm đi lại. Sự gia tăng này đã trở thành một gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia, hệ thống mà ngay cả trước đại dịch cũng yếu hơn so với các nước láng giềng.

Trước đại dịch, dữ liệu Ngân hàng Thế giới cho thấy Indonesia chỉ có 1,2 giường bệnh/1.000 người trong khi Malaysia và Singapore lần lượt có 1,9 và 2,4 giường bệnh/1.000 người.

Cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà

Trong động thái nhằm giảm áp lực lên hệ thống y tế, Chính phủ Indonesia đã liên tục khuyến cáo bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ không nên đến bệnh viện, chỉ những người đáp ứng các tiêu chí cụ thể mới nên đến cơ quan y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Budi Gunadi Sadikin nói rõ các tiêu chí này gồm người có bệnh lý nền, nồng độ ôxy dưới 95% và bị khó thở.

Tuy nhiên, khi các bệnh viện quá tải, ngay cả những người đáp ứng các tiêu chí trên cũng không được bệnh viện tiếp nhận. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự cách ly tại nhà. 

Để đảm bảo những bệnh nhân này vẫn được chăm sóc y tế, chính phủ đã triển khai dịch vụ y tế trực tuyến miễn phí cho những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ. 

Theo đó, những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại các cơ sở được liên kết với Bộ Y tế sẽ nhận được tin nhắn WhatsApp, cung cấp đường dẫn đến dịch vụ y tế trực tuyến. Họ sẽ được cấp thuốc miễn phí. Chính phủ Indonesia cho biết, dịch vụ này đã được triển khai tại Jakarta và sẽ được mở rộng sang các khu vực khác.

Dù nhiều bệnh nhân cảm thấy biện pháp rất hữu ích, nhưng một số phàn nàn rằng họ không nhận được tin nhắn WhatsApp từ Bộ Y tế. Cũng có một số người nói rằng vài ngày sau khi nhận kết quả dương tính, họ mới nhận được tin nhắn WhatsApp, điều này đã quá muộn.

Chú thích ảnh
Người dân chờ mua ôxy tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Bà Mdm Kartini, 54 tuổi, gần đây đã trải qua "cuộc chiến" tìm kiếm giường bệnh cho 5 thành viên mắc COVID-19 trong gia đình mình. Họ phải cách ly tại nhà vì không có giường bệnh và không xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Sau khi biết về tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình Kartini, trung tâm y tế địa phương đã cho họ số điện thoại của bác sĩ. 

“Chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ. Cô ấy đã trả lời một vài lần nhưng sau đó cô ấy cũng mắc COVID-19 và không thể hỗ trợ nữa”, bà Kartini nói.

Sau cuộc tìm kiếm giường bệnh không ngừng nghỉ, cuối cùng gia đình bà Kartini đã tìm thấy một bệnh viện cho cháu trai. “Điều này giống như việc bạn được nhận tiền thưởng và tăng lương”, Kartini nhẹ nhõm nói.

Nhưng sau đó, nồng độ oxy của chị gái bà Kartini đã giảm xuống còn 76%. Sau nhiều nỗ lực tìm bệnh viện nhưng vô ích, gia đình đã tự chăm sóc cho cô tại nhà. Tình trạng của chị gái Kartini ngày càng xấu đi và cuối cùng cô đã qua đời tại nhà.

“Tự cách ly tại nhà không có nghĩa là bạn sẽ an toàn. Nếu một bệnh nhân phải tự cách ly và điều trị tại nhà, chính quyền hoặc cơ quan y tế phải theo dõi tình trạng của họ mỗi ngày. Không phải ai cũng có đủ khả năng để thuê dịch vụ chăm sóc tại nhà, vì vậy phải có cơ chế từ chính phủ về cách theo dõi bệnh nhân hàng ngày”, Kartini nói và cho biết mình kêu gọi điều này không phải cho người thân đã mất mà cho cả những bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ. 

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 bên ngoài một bệnh viện ở Bekasi, ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Mối lo gia tăng bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nhà 

Theo các tổ chức phi chính phủ, việc tự cách ly tại nhà, không được chăm sóc y tế và theo dõi thích hợp đã dẫn đến sự gia tăng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nhà. Trung tâm Sáng kiến Phát triển Chiến lược Indonesia (CISDI) báo cáo rằng tại Tây Java, trên 400 bệnh nhân COVID-19 đã chết trong tuần đầu tiên của tháng 7 khi đang cách ly tại nhà.

Người sáng lập CISDI Diah Saminarsih cho biết tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm 12.7: "Tổng số bệnh nhân chết khi tự cách ly tại nhà trong bảy ngày qua là 446 người".

Chú thích ảnh
Một phụ nữ bật khóc bên mộ người thân tại Nghĩa trang Rorotan, nơi chôn cất riêng cho những người tử vong vì COVID-19, ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Tổ chức giám sát LaporCovid-19 cũng đã ghi nhận 740 ca tử vong tại nhà từ tháng 6 đến ngày 21.7 ở 16 tỉnh của Indonesia. Tất cả những người đã tử vong đều là bệnh nhân mắc COVID-19.

“Đây chỉ thống kê mà chúng tôi đã tìm thấy. Việc phát hiện số ca tử vong này giống như tìm kiếm thi thể hoặc nạn nhân của một trận lở đất. Tất cả đều bị chôn vùi, vì vậy chúng tôi phải thực hiện một số công việc tìm kiếm trước tiên”, LaporCovid-19 tiết lộ.

Fariz Hibban, điều phối viên theo dõi dữ liệu của LaporCOVID-19, cho biết trong số những ca tử vong tại nhà, có những bệnh nhân là người cao tuổi và vài ngày sau hàng xóm mới phát hiện ra họ đã chết.

Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia không có dữ liệu cụ thể về số lượng bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nhà. Trưởng bộ phận Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh thuộc Sở Y tế Jakarta Dwi Oktavia cho biết trong vài tuần qua, thành phố đã chôn cất khoảng 300 người tử vong do COVID-19 mỗi ngày. Con số này bao gồm 30-40 trường hợp tử vong tại nhà.

“Đây là tình trạng mà chúng tôi đã chứng kiến trong vài ngày qua. Có thể không phải tất cả những người tử vong đều đã xét nghiệm SARS-CoV-2, nhưng sau khi chết, bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ hỏi những người thân trong gia đình để biết về tiền sử bệnh tật của người quá cố. Vì vậy, nếu chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân tử vong do COVID-19, chúng tôi sẽ chôn cất thi thể theo quy trình COVID-19”, bà Oktavia nói.

Do đó, điều quan trọng là khi một người mắc bệnh, cần phải thông báo ngay cho người đứng đầu đơn vị khu phố ở địa phương.

Anh Zafar, người cuối cùng đã được nhập viện để điều trị COVID-19 và xuất viện khoảng 2 tuần sau đó, gửi tới một thông điệp: “Đừng coi nhẹ COVID-19. Hãy tuân thủ các quy định về y tế. Đừng coi thường căn bệnh này như thể bạn không tin nó tồn tại”.

“Trước đây, tôi không tin COVID-19 tồn tại, nhưng sau khi mắc bệnh, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Virus có trong người tôi, ảnh chụp X-quang cho thấy phổi của tôi màu trắng. Đừng coi thường nó, hãy tuân thủ các quy định phòng dịch và giữ khoảng cách an toàn”, Zafar nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Indonesia: Mối lo gia tăng bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nhà