Sau hơn một năm xung đột dai dẳng, Israel và Hezbollah đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt các hành động thù địch đẫm máu tại khu vực biên giới Lebanon-Israel.
Quốc tế

Israel và Hezbollah ngừng bắn: Khởi đầu mới hay chỉ là lặng im trước bão?

Hoàng Vũ 27/11/2024 10:01

Sau hơn một năm xung đột dai dẳng, Israel và Hezbollah đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt các hành động thù địch đẫm máu tại khu vực biên giới Lebanon-Israel.

Theo Washington Post, thỏa thuận ngừng bắn được Mỹ và Pháp làm trung gian, không chỉ đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tàn khốc mà còn mở ra nhiều câu hỏi về tính bền vững và những tác động chiến lược của nó trong khu vực.

Điều kiện và kỳ vọng

Thỏa thuận này có hiệu lực từ 4 giờ sáng ngày 27.11 (giờ địa phương) với yêu cầu Hezbollah – lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn – rút quân về phía bắc sông Litani. Đổi lại, Israel cam kết rút quân khỏi miền nam Lebanon trong vòng 60 ngày theo từng giai đoạn. Quân đội Lebanon và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (UNIFIL) sẽ được triển khai để kiểm soát khu vực này và đảm bảo Hezbollah không tái xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khi phát biểu công bố thỏa thuận đã nhấn mạnh: “Lệnh ngừng bắn này được thiết kế để chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch và tạo điều kiện cho người dân ở cả hai bên biên giới được an toàn trở về nhà”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng ca ngợi đây là “thành quả của những nỗ lực ngoại giao kéo dài nhiều tháng”.

xe-tang-2424.png
Binh lính Israel gần biên giới với Lebanon ở miền bắc Israel vào thứ ba - Ảnh: Getty

Dù vậy, lệnh ngừng bắn không phải không có những điều kiện ngầm. Israel tuyên bố sẽ duy trì quyền hành động quân sự nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận hoặc tái vũ trang. Hezbollah cũng tuyên bố sẽ theo dõi sát sao các động thái từ Israel, đồng thời cảnh báo không chấp nhận bất kỳ sự vi phạm nào.

Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh giao tranh giữa Israel và Hezbollah đã bước vào giai đoạn khốc liệt. Những tuần gần đây, Israel tiến hành hàng loạt cuộc không kích vào các mục tiêu Hezbollah tại Lebanon, bao gồm các trung tâm chỉ huy và kho vũ khí. Trong ngày 26.11, các cuộc tấn công của Israel đã khiến thủ đô Beirut và nhiều khu vực lân cận rơi vào hỗn loạn, với hàng chục người thương vong.

Trong khi đó, Hezbollah, từ miền Nam Lebanon, đã bắn hàng nghìn quả rocket và tên lửa vào lãnh thổ Israel trong suốt cuộc xung đột. Theo Bộ Y tế Lebanon, hơn 3.800 người đã thiệt mạng tại Lebanon, trong đó phần lớn là dân thường, bao gồm phụ nữ và trẻ em. Phía Israel cũng chịu tổn thất nặng nề, với 82 binh sĩ và 47 thường dân thiệt mạng.

Các cuộc không kích đã tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tại Lebanon, trong đó có nhiều bệnh viện và cơ sở dân sự. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số nhân viên y tế tử vong tại Lebanon trong cuộc chiến này thậm chí còn cao hơn so với các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza.

Động lực và toan tính của các bên

Thỏa thuận ngừng bắn được coi là một bước đi chiến lược của cả hai bên, đặc biệt trong bối cảnh Israel đang phải đối mặt với áp lực quốc tế và nội bộ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh rằng, việc ngừng bắn giúp Israel tập trung nguồn lực vào các mối đe dọa lớn hơn như Iran và Hamas ở Gaza. Ông cũng thừa nhận rằng chiến dịch kéo dài hơn một năm đã làm kiệt quệ lực lượng quân sự và cần thời gian để tái thiết kho vũ khí.

Đối với Hezbollah, nhóm này không còn lựa chọn nào khác ngoài đồng ý với thỏa thuận. Sự leo thang quân sự của Israel đã khiến lực lượng này mất đi nhiều thủ lĩnh cấp cao, phá hủy phần lớn kho tên lửa và rocket. Việc duy trì xung đột có thể làm suy yếu thêm năng lực quân sự và sự ủng hộ từ các đồng minh khu vực.

Tuy nhiên, cả hai bên đều cho thấy sự thận trọng. Israel nhấn mạnh quyền "tự vệ" theo luật pháp quốc tế nếu thỏa thuận bị vi phạm. Hezbollah cũng tỏ ra hoài nghi về cam kết của Israel và đặt câu hỏi liệu đây có phải là một bước đi tạm thời nhằm củng cố lợi thế quân sự.

Mỹ và Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thỏa thuận. Chính quyền Biden coi đây là cơ hội để khôi phục ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza vẫn đang bế tắc. Pháp, với mối quan hệ lịch sử với Lebanon, cũng tìm cách củng cố vai trò của mình trong các vấn đề khu vực.

Việc Mỹ và Pháp cam kết tham gia giám sát thực thi thỏa thuận thông qua UNIFIL là một bước đi nhằm đảm bảo tính khả thi của ngừng bắn. Tuy nhiên, sự vắng mặt của lực lượng chiến đấu Mỹ trên thực địa cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng đối phó với các hành vi vi phạm tiềm tàng từ cả hai phía.

Thách thức còn lại

Mặc dù lệnh ngừng bắn là một tín hiệu tích cực, nhưng việc thực thi thỏa thuận sẽ không hề dễ dàng. Khu vực biên giới Israel-Lebanon từng là điểm nóng xung đột trong nhiều thập kỷ và vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn bạo lực. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, việc triển khai lực lượng Lebanon để kiểm soát miền Nam nước này có thể đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự hiện diện ngầm của các chiến binh Hezbollah.

Thêm vào đó, sự can dự của các bên thứ 3 như Iran và các lực lượng dân quân ủy nhiệm có thể làm phức tạp hóa tình hình. Hezbollah, vốn được Iran hậu thuẫn, có thể sử dụng thỏa thuận này như một khoảng lặng chiến thuật để tái thiết lực lượng. Về phía Israel, việc tiếp tục duy trì các cuộc tấn công ở Gaza có thể làm gia tăng áp lực quân sự và làm mất cân đối nguồn lực.

Ngoài ra, sự phản đối từ các phe phái cực hữu trong nội bộ Israel, bao gồm Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir, có thể gây khó khăn cho chính phủ Netanyahu trong việc duy trì sự đồng thuận. Các quan chức địa phương ở miền Bắc Israel cũng đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận, cho rằng nó không đủ mạnh để đảm bảo an ninh lâu dài.

Bài liên quan
Tổng thống Biden hay ông Trump: Ai là người đứng sau thành công của thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas?
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhanh chóng ghi nhận công lao cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, dù thỏa thuận này được chính quyền của Tổng thống Joe Biden làm trung gian.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Israel và Hezbollah ngừng bắn: Khởi đầu mới hay chỉ là lặng im trước bão?