Ai cũng thừa hiểu, dù cà phê hay hột tiêu thì họ cũng nhằm đưa ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng. Chỉ có điều, đây không phải sự tham lam, gian lận thuần túy, mà là tội ác. Cực kỳ ác độc. Họ sẽ thu được những đồng tiền bẩn, còn người tiêu dùng nhận được cái chết.

Kẻ ác độc cần nhận bản án tương xứng

26/04/2018, 11:26

Ai cũng thừa hiểu, dù cà phê hay hột tiêu thì họ cũng nhằm đưa ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng. Chỉ có điều, đây không phải sự tham lam, gian lận thuần túy, mà là tội ác. Cực kỳ ác độc. Họ sẽ thu được những đồng tiền bẩn, còn người tiêu dùng nhận được cái chết.

Công an đã tịch thu hàng chục tấn phế phẩm cà phê được nhuộm pin từ cơ sở bà Loan - Ảnh: Báo TT

Sau cả tuần rất linh tinh rắc rối, gây nhiều dư luận ý kiến trái chiều, cuối cùng thì vụ “cà phê pin” cũng được đẩy lên tận thủ tướng. Mà xứ này rất lạ, chuyện gì cũng cứ muốn thủ tướng phải ra tay, phải quyết, trong khi người đứng đầu chính phủ bận trăm công nghìn việc đại sự quốc gia. Ấy là tôi đang nhắc tới vụ cà phê bẩn ở Đắk Nông.

Nhân tiện đây, cả vụ 3 cây to quá khổ được vận chuyển trên quốc lộ cũng na ná thế. Điều tra lòng vòng, chuyền qua chuyền lại, ủn đẩy trách nhiệm cho nhau. Có vẻ như pháp luật hơi bị khó xử trong những trường hợp vậy. Đúng ra thì chỉ cần vận điều A điều B của luật này luật nọ là xong, nhưng ngành chức năng, cơ quan thực thi pháp luật hình như rất giỏi chuyền bóng, câu giờ, rốt cục Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phải đích thân chỉ đạo làm ra nhẽ sai phạm vụ 3 cái gốc cây ấy. Rất mất thì giờ. Phí phạm vai trò của nhà lãnh đạo tầm quốc gia.

Lỗi “đá nhầm sân” không phải ở thủ tướng hoặc phó thủ tướng mà là cấp dưới. Rồi còn phải mất nhiều công, nhiều thời gian để bàn về cái bộ máy công quyền kém hiệu quả. Không thể kéo dài mãi tình trạng “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, “bình chân như vại” của những cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật. Nhân dân giao quyền hành cho họ làm việc chứ không phải cứ mỗi tí lại “xin ý kiến thủ tướng”.

Quay trở lại chuyện cà phê bẩn ở Đắk Nông. Lực lượng chức năng đã bắt quả tang cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan trộn bột pin đèn với phế phẩm hạt cà phê, số lượng hàng chục tấn. Bắt tận tay, day tận mặt, đố cãi. Vậy nhưng suốt một tuần, bà chủ cơ sở này cứ quanh co kiểu “chúng tôi không làm cà phê bẩn, chúng tôi ngu gì mà trộn chất độc vào cà phê cho người ta uống, chúng tôi biết pin độc hại chứ”, v.v.. Chỉ cần đặt câu hỏi “vậy thì bà trộn thứ ấy để làm gì?” là ra ngay, nhưng chả hiểu tại sao, chẳng nhẽ có uẩn khúc chi đó, mà cơ quan pháp luật cứ lúng túng mãi. Tất nhiên khi Thủ tướng đã ban mệnh lệnh thì sự lằng nhằng phải chấm dứt. Cuối cùng phát lộ sự thật: trộn bột pin màu đen vào phụ phẩm hạt cà phê và đá sỏi vụn không phải để làm cà phê, mà là làm… hột tiêu giả. Ai cũng thừa hiểu, dù cà phê hay hột tiêu thì họ cũng nhằm đưa ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng. Chỉ có điều, đây không phải sự tham lam, gian lận thuần túy, mà là tội ác. Cực kỳ ác độc. Coi thường sinh mạng con người. Họ sẽ thu được những đồng tiền bẩn, còn người tiêu dùng nhận được cái chết.

Hầu như ai cũng biết pin là thứ hàng hóa cần thiết cho sinh hoạt, nhưng nguyên liệu làm ra pin rất độc hại. Các nhà sản xuất pin, ác quy thường nhắc nhở khách hàng cẩn thận khi sử dụng, ghi rõ trên bao bì lưu ý sản phẩm này sau khi dùng cần được thu gom bỏ vào những nơi nhất định, không được bỏ chung với các loại rác thải khác. Giới y học từng cảnh báo những tác hại cực kỳ nguy hiểm của pin bởi nó chứa nhiều kim loại nặng, nhất là những chất độc như thủy ngân, asen, chì, măng gan… Chỉ nghe cũng rùng mình. Ngay cả những kẻ điên rồ nhất cũng không dám nghĩ tới việc đập pin ra lấy phế liệu bỏ vào đồ ăn thức uống cho con người. Tuy nhiên, kẻ điên rồ không làm, nhưng kẻ độc ác, mất nhân tính, hám tiền vẫn cứ làm. Trong suy nghĩ nguội lạnh của chúng chắc chỉ tồn tại ý định “ai chết thì chết, miễn ta có tiền”.

Lâu nay trong đời sống vẫn nghe truyền tai nhau chuyện người ta bỏ pin vào nồi luộc bánh chưng, luộc bắp ngô cho mau chín, cho bánh xanh đẹp, tiết kiệm thời gian, củi lửa. Nghe thế nhưng rồi tặc lưỡi kệ chúng nó, mình tránh chúng ra. Cũng như đám đông từng tặc lưỡi uống cà phê bột bắp, cà phê đậu nành, ăn đậu phụ thạch cao, ăn hạt tiêu hột đu đủ, bánh phở formol… Dễ dãi quá, nên quân gian chúng được đằng chân lân đằng đầu, đến mức không ngần ngại trộn bột pin đèn mà chúng biết là cực kỳ độc hại vào những thức con người sẽ bỏ vào mồm. Phải xem như hành vi giết người. Đó là chưa đề cập đến việc chúng đã phá hoại ghê gớm nền sản xuất, mà trong vụ “cà phê pin, tiêu pin” này giá trị hàng hóa của hạt cà phê, hạt tiêu bị sụt giảm, chất lượng bị nghi ngờ, thậm chí bị tẩy chay, đẩy hàng vạn, hàng triệu người liên quan vào cảnh bị liên lụy, khốn cùng.

Ai đó từng than rằng con người với nhau ác không thể tả, hình như càng ngày càng ác. Có lẽ đúng phần nào. Chúng chối rằng đâu có làm cà phê độc hại cho người ta uống, vậy thì làm ra thứ hột tiêu cực độc ấy để đổ xuống cống chắc. Pháp luật không lôi đám tội đồ thủ độc này ra xử thật nặng làm gương, rồi có ngày chính mỗi người chúng ta cũng sẽ bị chúng hạ độc.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kẻ ác độc cần nhận bản án tương xứng