Một kế hoạch xã hội hóa trường đại học Phạm Văn Đồng đang được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thực hiện trong sự lo âu của ban giám hiệu và nhân viên trường này. Sau ‘cú’ sáp nhập bệnh viện TP.Quảng Ngãi vào bệnh viện tỉnh, dư luận đang tỏ ra băn khoăn trước các đề án xã hội hóa các cơ sở công ở tỉnh này.
'Nhân tố' công ty Nguyễn Hoàng
Đại học Phạm Văn Đồng, trường đại học thuộc tỉnh Quảng Ngãi đang được chính quyền địa phương lên kế hoạch xã hội hóa.
Vào tháng 8.2017, tỉnh Quảng Ngãi từng làm dư luận xôn xao khi thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dược phẩm Sài Gòn nghiên cứu, khảo sát để đầu tư trường này theo hướng xã hội hóa.
Vào tháng 10.2017, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn đốc thúc cho Công ty CP đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng xây dựng dự án thành phố giáo dục với quy mô hơn 9,3 hecta nằm cạnh trường Phạm Văn Đồng với mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Đáng nói, ông Căng hoan nghênh và thống nhất cho công ty này lập đề xuất đầu tư phát triển trường Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa và được xem như là giai đoạn 2 của dự án thành phố giáo dục.
Ông Căng yêu cầu Sở KH-ĐT phối hợp với các sở ngành nghiên cứu đề nghị của công ty Nguyễn Hoàng, ‘hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi’ cho công ty này nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng.
Trên cơ sở đề xuất phát triển trường Phạm Văn Đồng của 2 công ty Nguyễn Hoàng và Dược phẩm Sài Gòn, ông Căng đề nghị Sở KH-ĐT lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, phương án đầu tư tối ưu… để tham mưu UBND tỉnh xem xét cho ý kiến trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định.
Công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thể hiện 'nhân tố' Nguyễn Hoàng được 'quan tâm' trong phương án xã hội hóa
Như vậy, với công văn này của ông Căng cho thấy tỉnh này đã có phương án cho 2 công ty nhảy vào xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng và sau đó sẽ lựa chọn 1 công ty có năng lực. Trong đó, dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng hoan nghênh công ty Nguyễn Hoàng xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng như giai đoạn 2 của dự án thành phố giáo dục.
Nhiều người nhận định, việc Nguyễn Hoàng ‘thâu tóm’ trường Phạm Văn Đồng là dễ dàng bởi sau đó tỉnh Quảng Ngãi liên tục có nhiều công văn hỗ trợ cho công ty này khảo sát trường Phạm Văn Đồng và yêu cầu hiệu trưởng trường này quán triệt đến cấp dưới ‘hợp tác’.
Liên tục các công văn sau đó trong năm 2018, giới chức chính quyền Quảng Ngãi ‘cơ bản thống nhất’ xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng do công ty Nguyễn Hoàng đề xuất.
Bất an và tâm tư
Việc tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành các bước để xã hội hóa trường đại học Phạm Văn Đồng khiến cán bộ công nhân viên trường này tỏ ra bất an.
Trường này được thành lập vào tháng 9.2007 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi và trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi. Đây là trường đại học địa phương đầu tiên trong cả nước được công nhận cơ sở giáo dục đạt chất lượng. Hiện trường có 21 đơn vị trực thuộc với 9 khoa đào tạo.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng cho biết: Hiện trường có 191 giảng viên trong tổng biên chế 245 người. Đến nay, trường đã đào tạo gần 20.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường; trong đó, đã và đang đào tạo gần 300 lưu học sinh Lào.
Tiến sĩNguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng đang rất lo lắng
“Học sinh, sinh viên của trường chủ yếu là con em ở nông thôn và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, chiếm khoảng gần 70%. Đây là nguồn cung cấp nhân lực tại chỗ cho tỉnh Quảng Ngãi”, ông Vũ nói và khẳng định chỉ mới gặp mặt đại diện công ty Nguyễn Hoàng mộtlần tại nhà trường; ngoài ra chưa lần nào thấy việc công ty này vào khảo sát, đánh giá và nhà trường cũng chưa có ý kiến gì.
“Xã hội hóa là chủ trương đúng, nhưng đừng lợi dụng cái xã hội hóa đó để biến thành tư nhân hóa. Việc xây dựng đề án đổi mới hoạt động và xã hội hóa của trường phải do nhà trường xây dựng chứ không phải do công ty bên ngoài đề xuất xây dựng”, TS. Vũ cho hay.
Cũng theo ông Vũ, trong khi nhà trường còn thiếu nhiều cơ sở như hội trường, công xưởng thực hành, nhà thi đấu… thì nguồn vốn giai đoạn trung hạn đến năm 2020 vẫn không được bố trí. Do đó, ông cho rằng nếu được thì cho trường xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư xã hội hóa những hạng mục này mới đúng ý nghĩa của nó.
Một không khí ngột ngạt đang bao trùm lên ngôi trường này. Theo tiến sĩVũ, thông tin trường bị xã hội hóa khiến tư tưởng của cán bộ công nhân viên cũng như việc tuyển sinh bị ảnh hưởng.
“Tư tưởng anh em bị dao động. Vừa rồi có 2 tiến sĩđã xin nghỉ việc tại trường đó là TS. Lê Hoàng Duy, trưởng Khoa hóa sinh môi trường và TS. Nguyễn Thanh Hải, Tổ trưởng tổ quản lý giáo dục”.
Đại học Phạm Văn Đồng là trường đại học địa phương đầu tiên trong cả nước được công nhận cơ sở giáo dục đạt chất lượng
Cũng theo ông Vũ khẳng định, sau khi tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch lập tổ công tác xã hội hóa trường Phạm Văn Đồng, trong công văn đề xuất thành viên không có đại diện của trường này. Chỉ sau khi cuộc họp báo cuối năm của UBND tỉnh này tổ chức, mới có công văn gửi xuống trường cử đại diện tham gia.
Cùng chung tâm trạng lo lắng như các cán bộ của trường, thầy Phạm Đình Chinh, giảng viên Trung tâm đào tạo thường xuyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh trường ĐH Phạm Văn Đồng khẳng định: “Chúng tôi không phải muốn giữ lại bằng mọi giá mà muốn biết rõ ràng việc xã hội hóa như thế nào, nó có mang lại điều tốt đẹp hay không bởi truyền thống của trường được xây dựng nên và gắn với tên tuổi của bác Phạm Văn Đồng”.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng