Những kẻ lữ hành đi trước luôn kháo nhau trên các diễn đàn du lịch quốc tế: Nhật Bản đẹp nhất hai mùa trong năm. Vào mùa xuân, hãy đi ngược từ hòn đảo Okinawa lên tận Hokkaido (Bắc Hải Đạo) để có được một mùa hoa anh đào trọn vẹn khi thời tiết ấm dần lên. Còn mùa thu, hãy đi ngược từ Hokkaido về lại Okinawa để ngắm nhìn những lá phong đổi màu rồi vàng bay theo gió heo may.
Hoa anh đào ngày nay được trồng khá nhiều nơi, từ Trung Á lên tận châu Âu và quay ngược về châu Đại Dương, nhưng cuộc đời còn gì thú vị hơn khi được đặt chân đến quê hương của hoa anh đào, ngắm nhìn chúng từ từ hé nở những cánh mong manh trắng toát đánh thức vạn vật bừng tỉnh sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Khi ấy mới thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa tại sao người Nhật chọn loài hoa ấy làm biểu tượng cho đất nước mình và in nó trên tấm visa màu tím xanh nhạt. Cảm giác lâng lâng không diễn tả được thành lời khi tôi nhận được visa Nhật nhập cảnh một lần với thời hạn mười lăm ngày.
Khi những cánh hoa anh đào bung cánh, người Nhật được nghỉ khoảng mười ngày để tái tạo sức lao động, nhưng tôi đưa ra hành trình sáu ngày để Tsubota có thời gian riêng tư hoặc được nghỉ ngơi vào những ngày còn lại trong kỳ nghỉ của mình. Mặt khác, tôi biết giá cả sinh hoạt ở Nhật khá đắt đỏ, nhất là ở Tokyo nên chuyến đi chừng một tuần là vừa túi tiền của tôi. Khi trở thành những người bạn thật sự của nhau, tôi thích cách chơi “hợp tác xã” theo kiểu người Mỹ khi cả hai cùng bỏ tiền cho một chuyến đi chung, nhưng trong thư điện tử, Tsubota cứ nhất quyết bảo hãy để anh lo. Tôi chỉ yêu cầu Tsubota cố gắng đưa tôi đến những nơi nào thật sự thấm đẫm văn hóa Nhật nhưng cũng tiện lợi cho cung đường di chuyển. Chúng tôi đi chơi theo kiểu ngẫu hứng của tuổi trẻ bằng xe ô tô riêng và tôi cũng chẳng nhớ lắm trong mùa hoa anh đào đầu tiên trên xứ Phù Tang, mình đã được đi những nẻo đường nào do Tsubota đã tự lên tất cả lịch trình. Mang máng trong ký ức của tôi, dường như đó là cung đường Tokyo - Hakone - Kyoto - Nara và Osaka.
Kể từ khi Mạc phủ Tokugawa(2) lên nắm quyền, Tokyo có tên gọi là “Edo” có nghĩa là “Cửa sông”. Từ một làng chài nhỏ bé cạnh bên cửa sông Sumida (có nghĩa là sông Đại) vào giữa thế kỷ 15, Edo nhanh chóng trở thành một trung tâm quyền lực với bức tường thành vững chãi được xây dựng để bảo vệ đô thị sầm uất với hơn một triệu cư dân sinh sống bên trong. Edo từng là một thành phố nhộn nhịp người mua kẻ bán bậc nhất thế giới vào đầu thế kỷ 18. Những thương gia đến đây thường gọi Edo bằng cái tên mỹ miều khác: Thành phố nổi của thế giới. Khi chế độ Mạc phủ bị lật đổ, Thiên hoàng Meiji (Minh Trị) chính thức dời đô từ Kyoto về “Cửa sông” và đặt tên lại là Tokyo mà theo Hán âm có nghĩa là “Đông Kinh” vào năm 1869.
Năm tháng đi qua, lâu đài Edo cổ kính, chợ cá truyền thống Tsukiji, cùng chiếc cầu Nihonbashi hay một km Zero ở quận trung tâm Chūō ở Tokyo ngày nay giúp tôi hiểu được Đông Kinh từng có một thuở vàng son như thế nào để Thiên hoàng Meiji phải cân nhắc và dời đô về đây. Dòng sông Nihonbashi chỉ dài độ 4,8 km nhưng đóng vai trò quan trọng của quận Chūō khi là nơi hợp nhất hai dòng sông Kanda và Sumida từ vịnh Tokyo để tàu giao thương có thể len lỏi vào lòng phố mua bán hay trao đổi hải sản. Cây cầu gỗ Nihonbashi được hoàn tất vào năm 1603 để nối giao thương hai bờ Bắc - Đông của thành phố. Từ tấm bảng km Zero bằng đồng đặt ngay trung tâm quận Chūō, tôi có thể hiểu một Chūō sầm uất của Tokyo ược mở rộng diện tích như thế nào để giao thương mà khi nhắc đến bảng tin chứng khoán ngày nay, các chuyên gia luôn nhắc đến thị trường Tokyo bên cạnh New York và London. Xuôi về hướng đông là vịnh Tokyo và ngược lên phương bắc là Akihabara - nơi được gọi là trung tâm mua sắm các mặt hàng điện tử với giá cả hợp lý nhất khi đến Nhật. Về hướng tây là Otemachi và Yaesu, trong khi về hướng nam là Ginza nổi tiếng là nơi phát hiện ra “mỏ bạc” của nước Nhật vào năm 1612 và hiện nay đã trở thành trung tâm mua sắm hàng hiệu bậc nhất ở Tokyo với những cửa hàng sang trọng đến từ các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, hay những quán cà phê, nhà hàng dành cho tầng lớp thượng lưu.
Chúng tôi chọn chiếc ghế đá trong công viên nhỏ Kitanomaru đối diện với thành Edo để ngồi. Công viên được trang trí tuyệt đẹp với những cây thông được cắt tỉa khéo léo thành cây bonsai cùng những cây đèn đá đậm chất Phù Tang được đặt dọc theo lối đi. Từ đây, tôi có thể liếc mắt ngắm nhìn cây cầu Seimon Ishibashi đang rủ bóng soi mình xuống hào nước sâu lăn tăn sóng nhỏ và được bảo vệ bởi những lính canh đồng phục. Tôi cũng có thể đưa mắt nhìn xa xa, nơi tòa nhà hiện đại Tokagakudo phục vụ cho những buổi hòa nhạc được xây dựng vào ngày 06/03/1963 nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh hoàng hậu Kojun. Tsubota cho biết nơi đây từng đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một Tokyo xanh đỏ đèn quảng cáo như ngày hôm nay.
Lần theo trục xoay chuyển của thời gian, đi qua các mùa để tiếp cận Nhật Bản, tập du kí của Nguyễn Chí Linh không chỉ đưa người đọc đến với những địa danh nổi tiếng mà còn đào sâu vào lịch sử, văn hóa để kể cho người đọc câu chuyện của một đất nước. Kèm theo đó, là lời giải cho câu hỏi chung của rất nhiều người: Vì sao nước Nhật, người Nhật lại được cả thế giới kính trọng?
Trích sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang
(2) Mạc phủ Tokugawa hay còn gọi là Mạc phủ Edo, Mạc phủ Đức Xuyên hay Mạc phủ Giang Hộ, là chính quyền Mạc phủ do Tokugawa Ieyasu (Đức Xuyên Gia Khang) thành lập và trị vì từ năm 1603 ến năm 1868 bởi các Chinh di Đại tướng quân nhà Tokugawa.