Theo Thông tư 02/2019 do Bộ NN-PTNT vừa ban hành về danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi, không liệt kê nhiều loại thức ăn chăn nuôi mà nhiều đời nay người dân vẫn sử dụng để nuôi gà, vịt, lợn.
Cụ thể, danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam của Thông tư số 02 có hiệu lực từ 11.2.2019 liệt kê thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, thức ăn có nguồn gốc từ động vật; sữa và sản phẩm từ sữa; sản phẩm dầu, mỡ.
Thức ăn có nguồn gốc từ thực vật chỉ bao gồm: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại; thức ăn thô như cỏ khô, cỏ tươi, rơm, vỏ trấu; phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc; mía; các loại củ: khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ, và các loại bã…
Danh mục này không đề cập tới nhiều loại nguyên liệu mà người dân, trong tập quán vẫn sử dụng cho việc chăn nuôi. Chẳng hạn, cho thỏ ăn khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống; cho lợn ănbèo tây, thân chuối… Rồi đào trùn quế để nuôi gà, nuôi cá.
Quy định này có thể hiểu những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm lưu hành.
Bình luận về quy định này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định,Thông tư 02.2019 của Bộ NN-PTNT rất bất hợp lýbởi đang áp dụng phương pháp quản lý “chọn cho”, tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Trong khi đó, theo lý giải của ông Đức, thức ăn chăn nuôi theo tập quán là thứ người dân vẫn sử dụng từ trước đến nay, không cần bất kỳ một cơ quan nhà nước nào cho phép cả. Nếu việc sử dụng thức ăn chăn nuôi theo tập quán của người dân có vấn đề gì ảnh hưởng đến xã hội thì Nhà nước chỉ nên hạn chế hoặc cấm đúng loại thức ăn đó thôi.
“Rất khó hiểu vì sao Bộ NN-PTNT lại ban hành danh mục những thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành. Vậy chẳng lẽ toàn bộ trí tuệ xã hội bị đóng khung trong hiểu biết của nhà làm luật?”, ông Đức bình luận.
“Trong trường hợp này, tôi cho rằng, thay vì danh mục các sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành, ban soạn thảo chỉ cần đưa ra danh mục thức ăn chăn nuối cấm được phép lưu hành. Như vậy, với danh mục cấm này, người dân sẽ chỉ phải tránh những thức ăn bị cấm, còn lại họ sẽ được thoải mái sử dụng”, ông Đức nói
Đáng chú ý, vị chuyên gia pháp chế này còn chỉ ra một điểm bất thường của Thông tư 02/2019. Đó là dự thảo thông tư được đăng trên website của Bộ NN-PTNT từ ngày 10.1.2019, sau 60 ngày, tức 11.3.2019 mới hết hạn lấy ý kiến, vậy mà 11.2.2019 Bộ đã ký ban hành.
Ông Đức cũng nêu ví dụ, liệu bán bèo cho lợn ăn sẽ bị phạt theo Nghị định 64/2018/NĐ-CP? Tại Nghị định này, Điều 9.2 quy định xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi mua bán thức ăn chăn nuôi chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo ông Đức, để một loại thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam có 2 cách. Cách thứ nhất là phải làm thủ tục đăng ký lưu hành tại Bộ NN-PTNT theo Điều 12 của Nghị định 39/2017/NĐ-CP. Cách thứ hai là nằm trong Danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán do Bộ NN-PTNT quy định tại Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT.
“Bèo không nằm trong Thông tư 02, cũng chưa bao giờ được đăng ký tại Bộ NN-PTNT. Như vậy, theo các văn bản trên, nếu tôi vớt bèo ở ao nhà, rồi bán cho ông hàng xóm làm thức ăn cho lợn của ông ta, thì tôi bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Lam Thanh