Điều đầu tiên đó là bạn phải hiểu về học bổng này. Đây là điều hết sức quan trọng trước khi nộp hồ sơ là mình cần hiểu về bản chất về mục đích của học bổng này không chỉ là dành cho bạn, mà dành cho Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
Theo kinh nghiệm của những cựu du học sinh thì điều này như kim chỉ nam trong suốt quá trình xét tuyển hồ sơ của bạn. Nên các bạn nên nhớ lấy nó, và khi trình bày thì cần kiểm tra xem hồ sơ của mình đã giúp người đọc trả lời được câu hỏi về sự đóng góp của bạn chưa?
Một số câu hỏi thường gặp:
Có phải các học bổng chính phủ khác thường yêu cầu 2 năm kinh nghiệm, còn học bổng New Zealand thì không yêu cầu 2 năm không?
Câu trở lời là không phải thế. Trong chương trình có ghi rõ, nếu bạn nào dưới 25 tuổi, không đủ 2 năm kinh nghiệm thì bạn vẫn được quyền nộp hồ sơ và được xem xét hoặc đánh giá nếu như bạn có thành tích học tập cao ở bậc đại học – bằng giỏi, rồi là xếp hạng, … Còn đối với người đã đi làm rồi, hay học bậc thạc sĩ thì kinh nghiệm làm việc là số 1.
Vậy thì điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là nếu bạn đang trẻ, mới ra trường, mà muốn đi học luôn, thì đây là một học bổng phù hợp với bạn.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì thế mà ỷ lại, nộp một hồ sơ trống trơn chỉ có mấy năm đi học. Bạn nên kể ra những kinh nghiệm, hoạt động giúp bù đắp sự thiếu hụt kinh nghiệm đi làm của mình. Vì nơi cung cấp học bổng sẽ không muốn cho bạn học bổng nếu như bạn chỉ là một sinh viên thụ động, không có hoạt động ngoại khóa. Nếu như khi còn trẻ mà bạn không có hoạt động ngoại khóa, không có hoạt động cộng đồng thì khó có thể tin là về sau bạn sẽ tham gia các hoạt động này.
Tôi phải chọn trường như thế nào?
Tùy tiêu chí mà bạn ưu tiên thôi. Nhìn chung thì mọi người có các tiêu chí như: thế mạnh của trường/ của ngành; môi trường sống của thành phố theo học, các tụ điểm ăn chơi, …
Tôi có phải có giấy nhập học của trường trước khi nộp hồ sơ cho học bổng không?
Cái này là có thể có như trong hướng dẫn của học bổng. Và giấy nhập học phải là vô điều kiện. Tuy nhiên, nếu vì bạn chưa đủ điểm IELTS thì bạn có thể xin trường lời đề nghị có điều kiện để kịp nộp học bổng, sau đó tất nhiên là bạn phải thi lại cho đủ điểm để đạt lời đề nghị vô điều kiện. Xin lưu ý là nếu không đủ điểm IELTS và/hoặc không được lời đề nghị vô điều kiện của trường thì đừng mong là nhận được học bổng, các bạn sẽ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển hồ sơ.
Lưu ý với các bạn định nộp hồ sơ vào Victoria University of Wellington (VUW) là: Nếu các bạn nộp hồ sơ vào VUW, các bạn có một lợi thế về thời gian xét hồ sơ. Theo thông tin chính thức từ đại diện trường VUW ở Việt Nam, nếu như các bạn sinh viên Việt Nam nộp hồ sơ vào VUW và nộp hồ sơ cho học bổng New Zealand ASEAN Scholars Awards này, các bạn hãy viết rõ điều đó trên tiêu đề email của mình, thì hồ sơ của các bạn sẽ được duyệt trong vòng 24 giờ (thay vì 4 tuần như thường lệ).
GPA của tớ phải bao nhiêu và IELTS phải mấy “chấm” thì mới được học bổng?
Trong tiêu chí học bổng không nêu rõ GPA phải là bao nhiêu, nhưng có ghi “ top students in university”. Cho nên nếu như bạn có điểm GPA cao thì đó sẽ là một lợi thế.
Xin lưu ý, theo như chị điều phối viên thì đối với sinh viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm, GPA có thể được tính tới 30% cơ hội nhận học bổng của bạn. Vì sao? Đơn giản vì bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thì GPA là cái gần như duy nhất khẳng định bạn sẽ thành công.
Nếu bạn không có GPA cao thì sao? Thì bạn sẽ phải bù đắp nó bằng việc thể hiện kinh nghiệm của bản thân, sự khác biệt của cá nhân thông qua các quan điểm, tầm nhìn của mình trong thời gian 5-10 năm nữa,…
Và xin lưu ý, GPA cao hay thấp có tính tương đối. Vì sao? Vì một số trường cho điểm cao hơn hẳn, dễ hơn hẳn ví dụ như đại học Ngoại thương ai cũng bằng giỏi còn một số trường khác ví dụ Học viên Ngoại giao chấm khó hơn. Đây là nhận định của bên chương trình học bổng cũng như của một số bạn sinh viên nói chung trong buổi trao đổi thông tin. Nếu như bạn đến từ một trường mà GPA của ai cũng cao, thì đơn vị xét học bổng sẽ không tính yếu tố này là yếu tố quyết định học bổng cho bạn nữa. Ngược lại, bạn đến từ một trường GPA rất khó khăn, thì việc điểm của bạn đạt mức tương đối sẽ lại là điểm cộng.
Tóm lại, không có mức điểm sàn cho GPA để được học bổng. Nhưng nếu có GPA cao thì nhìn chung là một lợi thế. Còn nếu bạn không có điểm GPA cao lắm, thì cũng đừng nản mà hãy cố gắng ghi điểm ở những tiêu chí khác.
Tôi có thể nộp hồ sơ học các ngành nào?
Những ngành mà học bổng đã nêu. Tuy nhiên, có một lưu ý quan trọng là, các ngành như kinh tế và tài chính có tỷ lệ chọi rất cao, cao hơn hẳn các ngành khác. Còn các ngành khác như, mỹ thuật/ hội họa, dược,… thì rất ít người nộp hồ sơ. Cho nên các bạn nào đang học ngành này mà ấp ủ vượt biên, thì hãy chuẩn bị tinh thần đổ bộ đi. Cơ hội của các bạn là rất nhiều (trích từ phát biểu của điều phối viên chương trình).
Các bạn đang học về hội họa, nghệ thuật nên đặc biệt lưu ý. Các bạn sẽ rất thích New Zealand ở điểm này vì ở đây nghệ thuật và văn hóa của người Maori thực sự rất hấp dẫn. Cho dù nó có bị thương mại hóa một phần nào đó, nhưng nó thực sự vẫn là một văn hóa sống, bạn sẽ thấy nó thường trực trong đời sống hàng ngày ở đây.
Ngành tôi học BA với ngành học MA không liên quan, tôi có được nộp hồ sơ không?
Miễn là trường chấp nhận bạn vào học, thì coi như câu hỏi này đã được trả lời. Nếu như bạn đã nhận giấy nhập học của trường, thì hãy chuẩn bị trả lời câu hỏi này trong quá trình xét tuyển và vòng phỏng vấn học bổng: Vì sao bạn lại chuyển hướng học sang ngành khác.
Trần Ngọc Diệp (cựu du học sinh New Zealand ASEAN Scholars Awards)