1tg - Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng nên tách bạch khoản phí công đoàn ra. Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế, không phải trực tiếp đóng thêm khoản phí này. Việc chi cho các tổ chức công đoàn sẽ dùng ngân sách, tương tự như việc chi cho các tổ chức chính trị - xã hội khác như Hội phụ nữ, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc…

‘Kinh phí hoạt động của hệ thống công đoàn nên do ngân sách đảm nhận’

Lam Thanh | 08/10/2020, 17:33

1tg - Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng nên tách bạch khoản phí công đoàn ra. Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế, không phải trực tiếp đóng thêm khoản phí này. Việc chi cho các tổ chức công đoàn sẽ dùng ngân sách, tương tự như việc chi cho các tổ chức chính trị - xã hội khác như Hội phụ nữ, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc…

8 hiệp hội, ngành hàng vừa kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% thay vì mức 2% như hiện tại.

cong-doan.jpg
Nhiều hiệp hội kiến nghị giảm phí công đoàn - Ảnh: Internet

Hiện theo quy định, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Mới đây, kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội và các bộ ngành, 8 hiệp hội, ngành hàng đề nghị giảm tỷ lệ trích này xuống còn tối đa 1% và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.

Các hiệp hội lập luận rằng hiện không có sự đồng nhất giữa Luật Ngân sách nhà nước và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn. Tổng Liên đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, do vậy, kinh phí hoạt động của hệ thống công đoàn thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước. Trong khi đó, người sử dụng lao động đang phải đóng kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn. Các hiệp hội nhận định, ngay từ tên gọi, người sử dụng lao động không có trách nhiệm với khoản thu này.

Ngoài ra, các hiệp hội nhìn nhận, thông qua phí công đoàn, doanh nghiệp đang chịu thuế hai lần khi doanh nghiệp đã gián tiếp đóng kinh phí công đoàn thông qua ngân sách khi đóng thuế. Việc trích nộp thêm 2% kinh phí công đoàn đồng nghĩa đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, các hiệp hội nhận xét, tỷ lệ nộp kinh phí công đoàn phải dựa trên điều kiện kinh tế xã hội, sự thay đổi của cơ sở tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội qua thời gian. Hiện mức lương tối thiểu vùng, quy mô lao động tại các doanh nghiệp đều tăng, khiến quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm trở nên rất lớn. Quỹ này dự báo tiếp tục phình to khi lương tối thiểu còn tăng trong các năm tới.

Với các lập luận này, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, Luật Công đoàn cần sửa đổi và quy định mức nộp kinh phí tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Chính phủ có quyền quyết định tỷ lệ đóng này theo từng thời kỳ, tùy theo tình hình kinh tế xã hội. Cách thức quy định này đã từng được áp dụng trong một số luật, ví dụ quy định về tỉ lệ đóng bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.

Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng nên tách bạch khoản kinh phí công đoàn ra. Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế, không phải trực tiếp đóng thêm khoản phí này. Việc chi cho các tổ chức công đoàn sẽ dùng ngân sách, tương tự như việc chi cho các tổ chức chính trị - xã hội khác như Hội phụ nữ, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc…

Theo ông Minh, ở nhiều nước trên thế giới, khoản phí công đoàn này cũng coi như một loại thuế cho an sinh xã hội, tương tự như chúng ta đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển về cho Nhà nước. Đối với các khoản này, Nhà nước cơ bản là giữ hộ cho người dân để về già người dân có lương hưu hoặc khi ốm đau thì họ được hỗ trợ điều trị. Về bản chất, khoản này thuộc về người lao động, còn nhà nước giữ hộ.

Còn với phí công đoàn ở Việt Nam, chuyên gia này cho rằng bản chất lại khác. “Anh trích tiền lương ra để nuôi bộ máy công đoàn và khoản này không thuộc về người lao động. Ta không biết là tổ chức kia có giúp được cho tất cả người lao động hay không, có thể giúp được, cũng có thể không và không có nghĩa tất cả mọi người đều được hưởng mức tương ứng với mức họ đóng góp. Như vậy, không nên bắt họ phải đóng khoản mà họ không chắc sẽ được hưởng”.

Như vậy, ông Minh cho rằng cần phải tách bạch khoản này ra. Nếu người lao động tham gia công đoàn cơ sở thì họ có thể đóng một khoản phí, nhưng nếu họ không tham gia thì họ không cần phải đóng, chứ không phải bắt buộc.

“Kiểu như nếu bạn là hội viên một hội nào đó thì bạn phải đóng hội phí, còn không phải thành viên thì không cần phải đóng. Do đó, kinh phí hoạt động của công đoàn nên từ nguồn ngân sách và một phần phí của hội viên ở trong đó”, ông Minh nói.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn cho biết đã nắm được đề xuất của 8 hiệp hội doanh nghiệp nhưng ông cho biết, Tổng liên đoàn vẫn muốn giữ lại quy định với mức đóng kinh phí công đoàn là 2% quỹ tiền lương. Phần kinh phí này là nguồn thu chủ yếu cho các cấp công đoàn hoạt động, thực hiện tốt chức năng của tổ chức và chăm lo cho người lao động.

Trước đó, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thể hiện tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ năm 2013-2019) là 100.354 tỉ đồng. Tổng thu trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần, trong đó kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần.

Theo các hiệp hội, số liệu nêu trên cho thấy việc tăng trưởng mạnh của quỹ công đoàn theo mức thu 2% phí công đoàn, các cấp công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được.

Kết quả kiểm toán cho thấy tổng thu tài chính công đoàn là trên 20.000 tỉ đồng, trong đó thu từ khối đơn vị sản xuất, kinh doanh chiếm 69%. Dù vậy, số chưa thu được qua các năm còn lớn, chiếm 22% tổng thu kinh phí và đoàn phí.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới nguồn tài chính công đoàn để phục vụ các hoạt động phong trào, chăm lo cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến tính hiệu lực của Điều 26 Luật Công đoàn.

Đặc biệt, tỷ lệ thu khác/tổng chi tại công đoàn cơ sở là 11,1%, công đoàn cấp trên cơ sở là 15,1%, liên đoàn lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 37,4%, và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là 220,8%. Các con số cho thấy chỉ tính riêng thu khác tại Tổng liên đoàn đã đáp ứng 2,2 lần tổng chi trong năm. Mức độ tích lũy như vậy là quá lớn.

Tình trạng này dẫn tới bất cập trong khi cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tài chính công đoàn tích lũy, nên hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động, thậm chí một số công đoàn cơ sở mất cân đối thu - chi.

Ngược lại, các công đoàn cấp trên cơ sở, liên đoàn lao động, Tổng liên đoàn lao động lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn nhằm tăng thu khác, đầu tư, cho vay.

Cũng theo kết quả kiểm toán, số dư tích lũy tài chính công đoàn đến ngày 31.12.2019 là gần 29.000 tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp LĐLĐ tỉnh/TP và tương đương (chiếm 36% của toàn ngành). Việc sử dụng quỹ tích lũy chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả. Các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy nhưng không lập dự toán, không được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Kinh phí hoạt động của hệ thống công đoàn nên do ngân sách đảm nhận’