Emteq Labs muốn giúp những người đeo kính thông minh nhìn vào bên trong để hiểu rõ hơn về sức khỏe của chính họ.
Nhịp đập khoa học

Kính thông minh AI đo cảm xúc đầu tiên trên thế giới, giúp kiểm soát các tình trạng thần kinh

Sơn Vân 22:57 15/10/2024

Emteq Labs muốn giúp những người đeo kính thông minh nhìn vào bên trong để hiểu rõ hơn về sức khỏe của chính họ.

Kính thông minh đang làm khuynh đảo thế giới công nghệ, cho phép khách hàng tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và camera để ghi lại thế giới xung quanh họ.

Emteq Labs, công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh, hôm 15.10 công bố đã phát triển ra "kính đo cảm xúc đầu tiên trên thế giới" có tên Sense.

Sense sử dụng nền tảng hỗ trợ bởi AI, cung cấp "những hiểu biết chất lượng phòng thí nghiệm trong cuộc sống thực và theo thời gian thực", Emteq Labs cho biết trong một thông cáo báo chí.

Steen Strand, tân Giám đốc điều hành Emteq Labs, trước đây lãnh đạo bộ phận phần cứng tại Snap - công ty đang cạnh tranh trong lĩnh vực kính thông minh với mẫu Spectacles.

Hiện tại, Emteq Labs đang tìm kiếm các đối tác thương mại, nên những chiếc kính đo cảm xúc này chưa dành cho người tiêu dùng.

Steen Strand và Tiến sĩ Charles Nduka, người sáng lập kiêm Giám đốc khoa học tại Emteq Labs, nói với trang Insider rằng họ hy vọng những thông tin chi tiết từ Sense có thể giúp những người đang vật lộn với những vấn đề như bệnh tâm lý hoặc béo phì.

"Với hầu hết các loại kính thông minh, các cảm biến sẽ hướng ra ngoài, trong khi dữ liệu chúng tôi thu thập được sẽ tập trung vào người đeo. Với những gì không thể đo lường thì bạn không thể cải thiện được", Charles Nduka cho hay.

Đeo kính Sense trong một buổi trình diễn cho trang Insider, Steen Strand chỉ ra cách kính sử dụng các cảm biến không tiếp xúc để phân tích dữ liệu khuôn mặt theo thời gian thực, chẳng hạn nhướng mày, mỉm cười hoặc cau mày. Tương tự như đồng hồ thông minh hoặc nhẫn thông minh, kính Sense có thể theo dõi hoạt động thể chất.

Cảm biến không tiếp xúc là loại cảm biến có khả năng phát hiện sự hiện diện hoặc thay đổi của một vật thể mà không cần có sự tiếp xúc vật lý trực tiếp. Thay vào đó, cảm biến này sử dụng các trường năng lượng như điện từ, quang học hoặc siêu âm để phát hiện và đo lường các đặc tính của vật thể.

Kính Sense còn có một camera hướng xuống giúp chụp ảnh thực phẩm để theo dõi bữa ăn. Dữ liệu đó được phân tích và chuyển đến ứng dụng Sense và ảnh sẽ bị xóa, Steen Strand nói.

Mục tiêu là biến việc ghi lại các bữa ăn trở nên dễ dàng và tự động hơn, không cần người dùng phải chủ động làm việc này, theo Steen Strand. Nhờ vậy mà người dùng có thể tuân thủ chặt chẽ hơn các mục tiêu sức khỏe hoặc chế độ ăn uống mà họ theo đuổi, vì quá trình theo dõi thực phẩm sẽ trở nên ít phức tạp và rườm rà hơn.

“Với ứng dụng về chế độ ăn uống, chúng tôi đang hoàn thiện quy trình. Chúng tôi biết bạn đang ăn gì, cách bạn ăn và hoạt động thể chất cũng như việc tập thể dục của bạn”, ông nói.

Ngoài ra, Steen Strand nghĩ rằng kính Sense cũng có thể được sử dụng để kiểm soát các tình trạng thần kinh, chẳng hạn chứng tự kỷ hoặc bệnh Parkinson.

"Chúng tôi muốn tìm ra những nhu cầu nào mang lại lợi ích thực sự cho người dùng đủ để thuyết phục họ rằng việc đeo kính mang lại giá trị và lợi ích", ông nói về những khách hàng tiềm năng.

kinh-thong-minh-ai-do-cam-xuc-dau-tien-tren-the-gioi-giup-kiem-soat-cac-tinh-trang-than-kinh-2-.jpg
kinh-thong-minh-ai-do-cam-xuc-dau-tien-tren-the-gioi-giup-kiem-soat-cac-tinh-trang-than-kinh.jpg
Sense đi kèm với một ứng dụng để theo dõi và phân tích dữ liệu - Ảnh: Emteq Labs

Meta Platforms, đối thủ lớn nhất của Emteq Labs, gần đây công bố các bản cập nhật cho kính thông minh Ray-Ban và giới thiệu nguyên mẫu kính AR mang tên Orion.

Tại hội nghị Connect cuối tháng 9, Meta Platforms đã giới thiệu phiên bản mới nhất của kính thông minh Ray-Ban. Không giống kính thực tế hỗn hợp Apple Vision Pro, đây không phải là kỳ tích kỹ thuật và không cố gắng trở thành một thiết bị AR thực sự. Thế nhưng, kính thông minh Ray-Ban thu hút được người tiêu dùng nhờ sự kết hợp giữa thiết kế bóng bẩy, các tính năng hữu ích và tiếp thị hiệu quả.

Ban đầu không được quan tâm nhiều nhưng kính thông minh Meta Ray-Ban đã gây sự chú ý vào năm ngoái sau khi được Meta Platforms bổ sung trợ lý AI. Công ty mẹ Facebook đã công bố những cải tiến về AI cho kính Meta Ray-Ban trong năm nay, chẳng hạn giúp người dùng có thể quét mã QR và phát nhạc từ Spotify để phản hồi gợi ý bằng giọng nói.

Cuối năm nay, Meta Platforms có kế hoạch bổ sung khả năng tạo video và dịch ngôn ngữ theo thời gian thực giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, tiếng Ý hoặc tiếng Tây Ban Nha cho kính Meta Ray-Ban.

Tại hội nghị Connect, Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) đã trò chuyện trực tiếp với võ sĩ MMA Brandon Moreno (Mexico) để trình diễn công cụ ngôn ngữ, trong đó chiếc kính có thể dịch từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha và ngược lại.

Điểm nhấn tại hội nghị Connect là việc Meta Platforms trình diễn nguyên mẫu kính AR mang tên Orion. Thiết bị này vẫn chưa sẵn sàng cho người tiêu dùng, nhưng vẫn có thể là thứ gần nhất mà chúng ta từng thấy về cặp kính AR thực tế. Orion cung cấp trường nhìn với phạm vi ấn tượng là 70 độ (không chênh lệch nhiều so với Vision Pro) và dựa vào hình thức điều khiển bằng mắt lẫn tay thanh lịch. Ý tưởng cuối cùng là thay thế smartphone bằng thứ gì đó mà bạn có thể thoải mái đeo trên mặt cả ngày.

"Đây là thế giới vật lý với các hình ảnh ba chiều (3D) được phủ lên trên đó. Hiện tại, tôi nghĩ cách đúng đắn để nhìn nhận Orion là như một cỗ máy thời gian. Những chiếc kính này tồn tại, chúng thật tuyệt vời và là cái nhìn thoáng qua về tương lai mà tôi nghĩ sẽ rất thú vị", Mark Zuckerberg nói sau khi rút Orion ra khỏi hộp kim loại.

Mark Zuckerberg tiết lộ đã bắt đầu tập hợp nhóm "những người giỏi nhất thế giới" cách đây khoảng một thập kỷ để chế tạo kính AR này. Mark Zuckerberg nói thêm rằng những thách thức về mặt kỹ thuật để chế tạo Orion là "điên rồ".

Kính Orion làm bằng hợp kim magie và được cung cấp sức mạnh bởi silicon tùy chỉnh do Meta Platforms thiết kế. Người dùng sẽ có thể tương tác với kính Orion thông qua theo dõi bằng tay, giọng nói và giao diện thần kinh dựa trên cổ tay. Mark Zuckerberg cho biết Meta Platforms có kế hoạch làm cho kính Orion nhỏ hơn, đẹp hơn và chi phí thấp hơn trước khi phát hành cho người tiêu dùng sau này.

Tỷ phú 40 tuổi người Mỹ định vị công nghệ AR như một kiệt tác khi chuyển hướng công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới sang xây dựng các hệ thống metaverse nhập vai vào năm 2021. Tuy nhiên, việc cung cấp sản phẩm đã bị cản trở bởi chi phí phát triển cao và các rào cản công nghệ.

Paolo Pescatore, nhà phân tích tại hãng PP Foresight, nói không có nghi ngờ gì về tham vọng của Meta Platforms trong việc tạo ra các sản phẩm VR và AR trở nên phổ biến với giá cả phải chăng nhất có thể. Thế nhưng, ông nói thêm rằng người dùng "vẫn e ngại với AI" và cần được thuyết phục.

Meta Platforms đặt mục tiêu giao chiếc kính AR thương mại đầu tiên đến tay người tiêu dùng vào năm 2027, thời điểm mà những đột phá về mặt kỹ thuật sẽ giúp giảm chi phí sản xuất.

Mark Zuckerberg không trình diễn trực tiếp khả năng của kính Orion trong hội nghị Connect, thay vào đó ông phát một video cho thấy nhiều người phản ứng như thế nào với thiết bị này khi họ dùng thử. Video cho thấy vài hình ảnh thoáng qua về tin nhắn văn bản, hình ảnh được hiển thị qua kính và Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) là cái tên nổi bật trong số những người thử nghiệm.

Jensen Huang đã gọi trọng lượng 100 gram của kính Orion là "vấn đề lớn" nhưng khen ngợi nhiều khía cạnh khác nhau của công nghệ này.

"Khả năng theo dõi tốt, độ sáng tốt, độ tương phản màu sắc tốt, trường nhìn tuyệt vời", Giám đốc điều hành Nvidia nói trong video được trình chiếu tại hội nghị Connect.

Bài liên quan
Kính thông minh AI thành cơn sốt công nghệ mới nhất của các hãng Trung Quốc
Kính sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng tiện ích thông minh mới nhất với các hãng công nghệ Trung Quốc đang chạy đua để kiếm lợi nhuận từ sự phấn khích của người tiêu dùng, khi kết hợp AI tạo sinh với thiết bị đeo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kính thông minh AI đo cảm xúc đầu tiên trên thế giới, giúp kiểm soát các tình trạng thần kinh