Tôi nhìn vào bản đồ miền Nam Thái Lan và chắc cũng như mọi người, choáng váng vì số lượng đảo lẫn các bãi biển ở Thái. Cuối cùng, tôi chọn đến Krabi.
Krabi, thế giới dưới hồ nước màu xanh
Trời Krabi hôm ấy nắng khét lẹt lúc tôi lái chiếc xe máy thuê chạy 55km bên lề trái đường để đến Emerald Pool. “Sa Morakot”, một cái tên khác như cách người Thái vẫn gọi, hay “Hồ Ngọc Lục Bảo,” là cái tên mà chỉ nghe thôi đã thấy một trời màu xanh mát mắt hiện ra. Emerald Pool là một hồ nước tự nhiên, bao quanh bởi đá được hình thành giữa khu bảo tồn thiên nhiên Khao Phra Bang Khram. Men theo lối mòn dưới những tàng cây giữa rừng, màu xanh lục bảo mát mắt của hồ nước dễ dàng làm dịu lại cơn nóng đang bốc lên đến tận đầu giữa một ngày hè nắng cháy. Được cung cấp bởi nguồn nước suối trực tiếp chảy xuống từ thượng nguồn trên núi, nước trong hồ mát dịu, trong lành. Đây là nơi mà bạn có thể thỏa thích bơi hay ngồi dưới những ghềnh nước nhỏ và tha hồ để dòng nước mát-xa vai và cổ mình. Mặc dù không nằm trong những danh sách “must see” (phải ghé thăm), “top” (tốt nhất) của Thái, nhưng Emerald Pool rất được người bản địa thích thú kéo đến vào những dịp cuối tuần, khiến hồ nước rất đông đúc vào giấc trưa chiều.
Khu vực xung quanh Sa Morakot không chỉ có những hồ nước. Nếu có thời gian, hãy dành thời gian khám phá mảng rừng ẩn chứa nhiều loài chim quý hiếm xung quanh, trong lúc nghe nước suối chảy róc rách dưới chân. Ba đường mòn dài từ tám trăm mét đến gần 3km “Main Forest Road”, “Thung Tieo-Sa Morakot” hay “The Tina Joliffe Nature Trail” là nơi yêu thích của những người thích đi bộ xuyên rừng và ngắm nhìn các loài chim.
Nhưng viên ngọc của nơi này không phải những hồ nước hay đường mòn trên. Đừng vội để màu xanh lục bảo của Emerald Pool mê hoặc mà quên mất đi lên phía thượng nguồn. “Blue Pool” (Hồ nước xanh) được thiên nhiên “giấu kín” nằm chếch lên phía thượng nguồn hơn một cây số, nơi bạn phải băng qua một dải đường mòn, nửa được lát gỗ, nửa đường đất, bên dưới những tán cây rừng rậm rạp.
Trong lúc Emerald Pool đông đúc vì người, Blue Pool lại thưa thớt vài bóng khách du lịch. Tôi chờ cho nhóm người cuối cùng rời đi, rồi tới ngồi trên một rễ cây xù xì vươn nhánh ăn sâu xuống tận đáy nước, thử chạm tay xuống mặt gương hồ tĩnh lặng. Mặt hồ vẽ những vòng tròn nước vô tận rồi tan biến như chưa từng hiện hữu. Màu thiên thanh của nước giữa hồ dường như đang vươn ra mãi để chạm vào những tán cây xanh rì đang ngả rạp xuống mặt nước. Tôi tự hỏi thế giới nước dưới lòng hồ này đã tĩnh tại trong bao lâu rồi? Ngoại trừ những bong bóng nước vẫn liên tục sinh ra từ dưới đáy, những thân cây ngã đổ, vẽ những đường ngoằn ngoèo trên lớp cát trắng như tơ trời dưới đáy, chúng đã ở đó bao lâu rồi? Màu nước xanh mê hoặc kia đã ở đó bao lâu rồi? Và cả tiếng chim lảnh lót đâu đó giữa những lùm cây quanh đây, chúng đã ở đó bao lâu rồi?
Một luồng nắng rọi xuống hồ Blue Pool kéo tôi ra khỏi nỗi mơ màng mỗi khi ngồi yên lặng một mình ở nơi nào đó. Màu nước hồ như mời gọi dù không ai được phép tắm ở đây (dĩ nhiên không ai muốn bỏ mạng vì lớp cát lún hiện diện khắp nơi quanh hồ). Kể từ hồi đặt chân đến công viên quốc gia Yellowstone ở Mỹ, tôi đã quá quen với những lòng hồ sặc sỡ đủ màu. Nhưng Blue Pool vẫn làm tôi mê mẩn với cảm giác được ngồi giữa khung cảnh rừng ngát xanh, và những nhánh cây mơn mởn kia là ranh giới phân chia giữa thế giới thực của bầu trời và thế giới huyền ảo của lòng hồ màu thiên thanh. Vì, rất có thể, nếu không có chúng, tôi sẽ chẳng còn biết đâu là thế giới thực nơi mình đang sống nữa.
Ao Nang, bơi cùng lân tinh
Nửa tiếng, 50 baht, chiếc tuk tuk từ trung tâm Krabi thả tôi xuống giữa con đường chính nhìn thẳng ra biển của thị trấn du lịch Ao Nang. Tôi phóng tầm mắt ra ngoài khơi chân trời lổn nhổn những chấm nhỏ là thuyền đánh cá lẫn trong thuyền đi tour. Dưới chân tôi là cát vàng, loại cát bạn vẫn tìm thấy ở một bãi biển “đẹp trung bình” nào đó, còn hai bên bãi cát thì bị đóng khung bởi hai mũi đá vôi. Không, không ai đến Ao Nang để tắm biển ở đây. Cùng lắm là một chỗ tốt để hun cho làn da thêm nâu một chút mà thôi (đó là nếu bạn chịu khó đi xa, ngủ quên luôn trên bãi cát, hoặc chịu được tiếng ồn ào của động cơ trên những chiếc thuyền đuôi dài truyền thống đang liên tục tấp vào và rời đi khỏi bãi biển). Trên con đường vòng sát biển, không có cửa để tìm thấy một xe đẩy bán rong đồ ăn đường phố. Ngược lại, các thể loại nhà hàng Ấn, Thái, Âu (đôi khi bạn có thể tìm thấy vài nhà hàng có đủ tất cả các loại ẩm thực này) san sát cạnh nhau chộn rộn chào mời, cửa hàng tiện lợi, quán bar và nhiều nhất là nhà tour biển hiệu sáng trưng mỗi tối, mỗi nơi một giá, có trời mới biết đâu là giá thực.
Tôi hỏi đến nơi thứ bảy thì tìm được một hostel khả dĩ vừa vặn cho túi tiền của mình. Đi biển một mình không phải là một ý hay nếu chọn đến những nơi đã quá “phát triển” như Ao Nang, nơi mọi tiện nghi đều có sẵn, mọi loại tour đều là “tất cả trong một” và đều có thể mua thông qua bất cứ đại lý nào, nơi muốn chơi gì cũng được, miễn là rủng rỉnh túi tiền. Nhưng người ta vẫn tới Ao Nang hẳn phải vì những lý do khác, dù đây là điểm đến được liệt vào hạng đắt đỏ (và tôi cũng thấy mình đang đứng đây trước một cô nàng chuyển giới vui tính thao thao bất tuyệt về các loại tour: tour bốn đảo, tour bảy đảo, tour hoàng hôn, tour ngắm lân tinh trên biển,…). Tôi nói rồi, không ai đến Ao Nang để tắm biển ở Ao Nang. Nơi này, có chăng là một trung tâm để người ta di chuyển đến những bãi biển đẹp như Railay, Ko Hong, Ko Poda và Ko Gai dễ dàng bởi “đội thuyền đuôi dài” đậu sẵn dưới bãi. Còn nếu muốn đi xa hơn để khám phá các đảo nhỏ, đừng lo, mọi loại tour đã lên sẵn rồi, chỉ cần kiên nhẫn đi loanh quanh “dọ giá” mà thôi.
Rồi tôi cũng thấy mình lên một chiếc thuyền cùng với đâu đó độ hơn hai chục người khác, Á, Âu, Mỹ đủ cả để đi tour vòng quanh bảy hòn đảo ngoài khơi Ao Nang. Một chuyến đi đầy ắp những hoạt động thú vị: tắm biển, lặn ngắm cá và san hô ở Koh Si, leo lên vách đá rồi nhảy ùm xuống biển ở Koh Tan Ming, đi trên con đường cát nổi giữa biển nối liền hai đảo nhỏở hòn Tup, ngắm hoàng hôn rơi trên biển Andaman và ăn tối trên bãi cát ở đảo Poda, xem màn trình diễn múa lửa và cuối cùng, không thể bỏ qua, là nhảy xuống nước bơi giữa một biển lân tinh phát sáng ở gần bãi biển nơi có hang Phra Nang. Hang động này nổi tiếng với miếu thờ nữ thần Phra Nang được cho là đem lại những chuyến đánh bắt cá đầy thuyền cho ngư dân, và sự phồn thịnh, con cái đầy đàn cho người thờ cúng. Nhưng thứ làm cho người ta bối rối, ngơ ngác, (hơi?) mắc cỡ, xen lẫn tò mò là hàng loạt những khối dương vật bằng gỗ đủ mọi kích cỡ sơn phết nhiều màu được thờ cúng trong hang. Ngư dân Thái tin rằng việc dâng lên cho nữ thần tượng trưng cho khả năng sinh sản biểu tượng sinh dục sẽ giúp họ đánh bắt nhiều cá hơn.
Ở cuối chuyến đi lúc dừng lại gần Phra Nang, đèn trên thuyền được tắt hết để mắt chúng tôi quen với mặt biển tối đen, và cũng là để dễ dàng nhận ra những con lân tinh dưới nước. Tất cả mọi người trên tàu đều ngóng chờ suốt cả chuyến đi, để đến giờ phút được bơi giữa hàng hà những con lân tinh bé li ti phát sáng. Tím, trắng, xanh, trông chúng hệt như những vì sao rơi trên biển mỗi khi chúng tôi quẫy tung làn nước bên dưới. Thế là cuối cùng sau mọi xô bồở Ao Nang, tôi cũng có một ngày tưng bừng ngoài khơi. Dù thỉnh thoảng vẫn thở dài ngao ngán với các chiêu trò chặt chém của đất nước “thiên đường du lịch” này, tôi vẫn phải thừa nhận người Thái làm du lịch giỏi. Thị thực dễ dàng cho hầu hết các quốc tịch, hạ tầng du lịch phát triển tốt, thông tin quá dễ dàng để tìm kiếm, giá cả vừa vặn mọi loại túi tiền và dịch vụ chuyên nghiệp… chẳng khó hiểu khi người ta cứ muốn đi Thái hoài không biết chán.
Đinh Hằng/ DNSGCT