Phạm Xuân Ẩn là một trong những điệp viên hoàn hảo và có tư chất “bình đẳng giác” cao đẹp - vì ông không xem đối thủ của mình mãi mãi là những “kẻ thù không đội trời chung” mà là những “kẻ thù anh em” có thể ngồi đối ẩm trò chuyện bên nhau sau cuộc cờ tàn...

Kỳ 11: Phạm Xuân Ẩn với những “kẻ thù anh em“

Một Thế Giới | 04/05/2015, 10:14

Phạm Xuân Ẩn là một trong những điệp viên hoàn hảo và có tư chất “bình đẳng giác” cao đẹp - vì ông không xem đối thủ của mình mãi mãi là những “kẻ thù không đội trời chung” mà là những “kẻ thù anh em” có thể ngồi đối ẩm trò chuyện bên nhau sau cuộc cờ tàn...

Dẫn chứng trường hợp Cao Giao ở Đài Phát thanh Catinat:
Cao Giao (sau 30.4.1975) bị ghép tội “gián điệp CIA” và bắt biệt giam 4 tháng (từ 6.1978), tiếp đó chuyển đến khám Chí Hòa chung phòng với 72 tù nhân khác. Ở ngoài, Phạm Xuân Ẩn vẫn thường xuyên đến thăm gia đình Cao Giao, mang theo thực phẩm thuốc men để trợ giúp. Ẩn nói: “tôi cố gắng hết sức mình để chăm sóc gia đình Cao Giao trong khi ông ấy đang ở trong tù”. Mãn hạn, Cao Giao nói gì? Nói rằng:
- “Phạm Xuân Ẩn là một kẻ lý tưởng hóa bị vỡ mộng và (bị) lừa dối”!

Đáp lại, Phạm Xuân Ẩn ôn tồn bảo đại khái chủ nghĩa Cộng sản tuy không thành, nhưng vẫn là “giấc mộng đẹp”.  Khi biết Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo cho Cộng sản Việt Nam “Cao Giao cũng bỏ qua cho Phạm Xuân Ẩn, bởi vì (như Cao nói): “chúng tôi là người Việt Nam” anh em. (Larry Berman - Điệp viên hoàn hảo - NXB Thông Tấn 2007, tr.401).

Trường hợp khác : Theo Larry Berman (sđd tr.398), Nguyễn Xuân Phong (bạn Phạm Xuân Ẩn) từng nằm trong nội các chính quyền Sài Gòn “giữ chức  Bộ trưởng phụ trách đàm phán ở Paris” - đã quyết định về lại Sài Gòn vào giai đoạn hấp hối của chính quyền VNCH (25.4). Ông Phong chấp nhận mọi rủi ro đang chờ đợi, chỉ vì ông không thể bỏ cha mẹ già yếu của mình chưa được di tản. Cũng chính vì chữ hiếu mà ông Phong cám ơn và từ chối lời mời của đại sứ Mỹ Graham Martin để không phải ra đi một mình (bỏ lại song thân).

Khi Quân giải phóng tiến chiếm Sài Gòn, Nguyễn Xuân Phong đã ra trình diện chính quyền cách mạng theo mệnh lệnh của tướng Trần Văn Trà rằng: tất cả các quan chức của chế độ cũ từ cấp đứng đầu ngành, các sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang từ cấp trung tá trở lên phải ra trình diện để đi học tập cải tạo tập trung 30 ngày, từ tháng 5 đến hết tháng 6 (1975). Các viên chức và sĩ quan quân đội còn lại sẽ học tập cải tạo thời gian 7 ngày tại địa phương nơi họ cư trú”. Và: “cứ mỗi ngày trôi qua, bạn bè của Phạm Xuân Ẩn lại biến mất dần để đi học tập”.

Rồi “sau khi đã kết thúc 30 ngày, Nguyễn Xuân Phong và bao người khác vẫn chưa được trở về nhà, mặc dù lệnh của tướng Trần Văn Trà là chỉ tập trung học tập thời gian 30 ngày. Sở dĩ có thay đổi này vì một số cán bộ từ Hà Nội mới vào miền Nam đã xem xét lại  mệnh lệnh của tướng Trần Văn Trà, cho dù ông Trà không tán thành. Nguyễn Xuân Phong nhớ lại: “Chúng tôi được giảng giải rằng, chúng tôi có lỗi lầm là chống lại Tổ quốc (người ta không dùng cụm từ “những kẻ phản bội tổ quốc”) - nhưng chúng tôi được giải thích cho hiểu một cách rõ ràng rằng chúng tôi đã có tội tiếp tay cho Mỹ - đế quốc xâm lược kiểu mới, dẫn đến sự chết chóc và hủy hoại đối với người Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Chúng tôi không được biết liệu có bị đưa ra xử trước tòa án hay không, hay là nếu xử án thì xử trên cơ sở nào, hoặc tội như vậy thì bị tù trong bao lâu, hay là thời gian giam giữ chúng tôi được xác định như thế nào, theo từng cá nhân hay tập thể”. Không biết!

“Cuộc hành trình đi vào thế giới “không biết” của Nguyễn Xuân Phong bắt đầu từ nhà tù Thủ Đức tháng 6.1975. Tại đây, Phong phải chung phòng giam với 20 người khác. Sau vài tuần, các tù nhân được lệnh ra tập trung ngoài sân, bị xích từng đôi một rồi đưa lên một chiếc xe tải quân sự để ra phi trường. Sau đó, họ được chở đến sân bay Gia Lâm, rồi chuyển tiếp đến Trại A15 vẫn được coi là cơ sở phụ của “Hilton Hà Nội”. Trại này cách Hà Nội 50 km và trước kia từng là nơi giam giữ nhiều tù binh Mỹ. Nguyễn Xuân Phong và 1.200 bạn tù phải ở trong trại đó cho đến khi nào được phép trở về. Đối với trường hợp của Nguyễn Xuân Phong, ngày được trở về là tháng 12.1979; còn nhiều người khác, ngày trở về là 10 hoặc thậm chí 15 năm sau”. (Larry Berman, sđd. tr.398)

Từ ngày ra tù (1979) đến suốt 20 năm sau (Nguyễn Xuân Phong kể): “Phạm Xuân Ẩn và tôi thường gặp nhau mỗi tuần vài lần. Hầu hết những lần gặp nhau đó, chúng tôi ngồi uống cà phê bên đường phố Đồng Khởi (đường Tự Do cũ) để thư giãn và cũng để quên đi quá khứ. Thậm chí, các nhân viên an ninh (chế độ mới) chụp ảnh chúng tôi, họ cố gắng tìm hiểu xem chúng tôi đang trao đổi gì !” (Larry Berman, sđd. tr.411).

Với mối tương giao rộng rãi, Phạm Xuân Ẩn làm bạn với các nhân vật như Cao Giao và Nguyễn Xuân Phong kể trên và nhiều tướng lĩnh VNCH khác, cùng các nhà báo nổi danh đương thời như David Halberstam hoặc Sheehan, kể cả người đứng đầu của cơ quan tình báo Mỹ CIA như William Colby (sau 1975, Colby đã hai lần sang Việt Nam và cả hai lần đều đề nghị được gặp Phạm Xuân Ẩn). Nhờ mối giao tiếp đặc biệt trên, Phạm Xuân Ẩn đã nắm được những “tin tức đầu nguồn” từ Tòa đại sứ Mỹ, Phủ Tổng thống, Phủ Thủ tướng, Bộ Tổng tham mưu Quân đội VNCH, Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Phủ Đặc ủy trung ương tình báo của chính quyền Sài Gòn, nắm cả bản báo cáo bí mật của Viện Nghiên cứu Chiến lược quân đội (VNCH) do tướng Nguyễn Xuân Triển làm giám đốc Viện (chỉ đạo biên soạn và đúc kết) với xác định có tầm sinh tử rằng: “Ban Mê Thuột là điểm yếu của Tây Nguyên trong hệ thống phòng thủ chiến thuật của quân đội Sài Gòn nên rất dễ bị tấn công và chọc thủng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao các báo cáo đại thể như trên (của Phạm Xuân Ẩn). Nhưng đến 30.4, Phạm Xuân Ẩn vẫn “chưa nói được” về thân phận mình, để - như lời ông - vẫn phải “sống trong cô đơn và ngờ vực”. Mãi vài tuần sau, một đặc vụ của cách mạng phái đến gặp ông để nói một câu gọn lỏn:

- “Phạm Xuân Ẩn, ông thì OK !” (?) - (còn nữa)
Giao Hưởng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 11: Phạm Xuân Ẩn với những “kẻ thù anh em“