Khẩu trang được thu gom thông qua chương trình được chia nhỏ thành các sợi thô có thể được tái chế bền vững thành các sản phẩm từ vật liệu an toàn khác cho doanh nghiệp, vật liệu xây dựng và thậm chí cả đồ nội thất.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 nhìn chung đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng khẩu trang dùng một lần.
Trong kỳ trước, chúng tôi đã nói về những lúng túng khi xử lý khẩu trang y tế đã qua sử dụng ở Việt Nam. Thực ra chẳng cứ Việt Nam mà tình trạng khẩu trang đã sử dụng là vấn đề đáng lo trên toàn cầu. Ngay ở các nước phương tây, trong khi có các hướng dẫn rõ ràng về việc xử lý và phân loại chất thải y tế trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, thì các hướng dẫn xử lý khẩu trang y tế ở những nơi công cộng vẫn chưa rõ ràng.
Chẳng hạn ở bang Victoria, Úc thì người dân được khuyên rằng nên xử lý khẩu trang y tế đã qua sử dụng “một cách có trách nhiệm vào thùng rác”, nghĩa là chúng sẽ được trộn với rác thải thông thường. Chính xác là như vậy, bang Victoria yêu cầu "Khẩu trang dùng một lần và khẩu trang y tế không thể tái chế. Sau khi sử dụng, hãy bỏ chúng vào thùng rác".
Điều này trái ngược với thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) được sử dụng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, được xử lý riêng biệt với chất thải thông thường, được vận chuyển đến bãi chôn lấp kín và trong một số trường hợp được thiêu hủy.
Nghĩa là người Úc cũng không biết nên làm gì với khẩu trang sau khi được thu gom. Việc đem tiêu hủy cũng không ổn. Với con số 129 tỉ khẩu trang được dùng mỗi tháng mà đem đốt thì sẽ tạo ra lượng khí thải không nhỏ, trái với nỗ lực của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đối khí hậu toàn cầu.
Nhưng tại Anh thì lại có một câu chuyện đáng học hỏi. Chính phủ Anh cũng giống Úc trong việc khuyến khích người dân vứt khẩu trang qua các thùng rác thông thường, dẫn đến ngày càng có nhiều đồ được vứt bỏ trong các nơi công cộng như công viên, bãi biển và đường phố cao, ảnh hưởng đến cuộc sống và thời gian giải trí của cộng đồng địa phương, gây nguy hiểm cho động vật hoang dã, và cuối cùng là gây hại cho sức khỏe của trái đất.
Trước tình hình đó, hệ thống siêu thị Wilko đã thử nghiệm chương trình thu gom khẩu trang tại cửa hàng của mình để tái chế. Wilko đã tiến hành đợt thử nghiệm đầu tiên kéo dài 3 tháng vào tháng 4 khi áp dụng tại 150 cửa hàng. Chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt và được mở rộng tiếp tục.
Khách hàng có thể gom giữ khẩu trang đã sử dụng tại nhà và khi tiện đi mua sắm có thể mang đến cửa hàng Wilko gần nhất. Tại đây, họ có thể bỏ khẩu trang đã dùng vào thùng thu gom đặc biệt. Sau khi đầy, các thùng này sau đó sẽ được các chuyên gia tái chế ReWorked mang đi.
Khẩu trang được thu gom thông qua chương trình được chia nhỏ thành các sợi thô có thể được tái chế bền vững thành các sản phẩm từ vật liệu an toàn khác cho doanh nghiệp, vật liệu xây dựng và thậm chí cả đồ nội thất.
Giám đốc điều hành của Wilko, Jerome Saint Marc cho biết: “Chúng tôi biết rằng khách hàng của chúng tôi quan tâm đến môi trường và kế hoạch này đã chứng minh một lần nữa cho chúng tôi thấy điều đó như thế nào”.
“Chúng tôi rất vui mừng vì đã đạt được nhiều thành công và khách hàng cũng như các thành viên trong nhóm của chúng tôi đang giúp giảm thiểu xả rác trong cộng đồng, các đối tác của chúng tôi đang giúp tái chế chất thải và chúng tôi có thể mang tất cả lại với nhau trong cửa hàng của chúng tôi. Đó là một chiến thắng nhỏ thực sự tạo nên sự khác biệt trên thế giới”.
Việc thu gom rác nguy hại cho môi trường qua hệ thống siêu thị cũng không phải là chuyện gì xa lạ ở Việt Nam. Tại các hệ thống siêu thị Vin Mart, CoopMart hay Big C vẫn có chương trình thu gom pin đã qua sử dụng để tránh cảnh người dân xả pin độc hại vào thùng rác.
Do vậy, nếu chúng ta có chương trình thu gom khẩu trang đã qua sử dụng với những hướng dẫn cụ thể thì sẽ có nhiều người dân hưởng ứng. Điều này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho xử lý rác thải, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID trong cộng đồng.
Ngoài ra, đã đến lúc các doanh nghiệp cần nghiên cứu công nghệ tái chế khẩu trang thành vật liệu xây dựng trong bối cảnh nhu cầu xây dựng của Việt Nam lên cao.
Kỳ tiếp: Tận dụng rác thải từ khẩu trang để xây những con đường
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”