Nguyễn Chánh Thi đưa một trung đội thuộc Lữ đoàn nhảy dù đóng giữ Bưu điện Sài Gòn và ra lệnh cắt tất cả hệ thống điện thoại và điện tín ở đó từ lúc trời chưa sáng…

Kỳ 28: Thống tướng Lê Văn Tỵ nói "không" với Nguyễn Chánh Thi và tổng thống Diệm

Một Thế Giới | 07/06/2015, 06:58

Nguyễn Chánh Thi đưa một trung đội thuộc Lữ đoàn nhảy dù đóng giữ Bưu điện Sài Gòn và ra lệnh cắt tất cả hệ thống điện thoại và điện tín ở đó từ lúc trời chưa sáng…

Tuy nhiên hệ thống phát sóng đặc biệt nằm trong dinh Độc Lập vẫn hoạt động bình thường, giúp Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu liên lạc ra ngoài, để một mặt “thương lượng ảo” với phe đảo chánh, mặt khác đưa lời hiệu triệu cứu nguy như sau (NCT, sđd. Kỳ 25, tr. 131):

“Đây là tổng thống Việt Nam Cộng hòa ra lệnh cho Bộ chỉ huy các quân khu:

“Đêm nay (11.11.1960) hồi 3 giờ sáng, một số sĩ quan trung cấp đã bội phản và phỉnh gạt binh sĩ để mưu đảo chánh tại thủ đô. Hiện giờ Bộ Tổng tham mưu và Quân khu thủ đô đã tạm thời gián đoạn liên lạc...

“Vậy các tư lệnh Quân khu phải bình tĩnh và tự vệ cẩn mật để chờ lệnh của sĩ quan liên lạc Phủ tổng thống.

“Đại tá Trần Thiện Khiêm, quân khu 5, phải cho đoàn thiết giáp Mỹ Tho lấy một tiểu đoàn lên ngay đậu tại Phú Lâm chờ lệnh !”.

Toàn văn hiệu triệu trên do chính tổng thống Diệm trực tiếp đọc, ghi âm và phát sóng cứ 5 phút một lần trên đài phát thanh “bảo mật”.

Để ứng phó, Nguyễn Chánh Thi tạm rời khỏi vùng giao tranh đến gặp đại tướng Lê Văn Tỵ (vị thống tướng đầu tiên và duy nhất của Quân lực VNCH) ở nhà riêng trên đường Cường Để, mời tham gia đại cuộc. Tới nơi, toán lính phòng vệ “dáng cao lớn khỏe mạnh” án ngữ trước cổng với sắc mặt lạnh lùng, như chừng muốn uy hiếp tinh thần trung tá Vương Văn Đông (trong Ủy ban cách mạng) đang chờ Thi ở đó. Thi “ra lệnh cho toán lính hạ khí giới để đi vào cùng với Vương Văn Đông và sĩ quan tùy viên”. Đại tướng Lê Văn Tỵ đã “đón tiếp chúng tôi niềm nở hơn lúc nào hết” và tán thành cuộc vây đánh dinh Độc Lập:

- “Tôi hết sức sung sướng khi nghe quân đội nổi dậy đánh đổ cái chính quyền mục nát này để cứu dân, cứu nước”.

Câu ấy của đại tướng Tỵ tương tự với phát biểu của trung tướng Dương Văn Minh trước đó nửa giờ (khi Nguyễn Chánh Thi đến gặp ông Minh, cũng tại nhà riêng). Ông Minh nói:

“Tôi rất vui mừng khi thấy các anh làm được công việc lịch sử này cho dân nhờ…”

Đại tướng Tỵ đã sốt sắng ra xe cùng Nguyễn Chánh Thi đến Bộ Tổng tham mưu gặp Ủy ban cách mạng bàn định hướng “giải quyết vấn đề”, mà theo tướng Tỵ - cần phải ngưng bắn để thương thảo giữa phe đảo chánh và anh em ông Diệm. Tướng Tỵ cũng nói “không” trước các giải pháp dẫn đến đổ máu giữa hai bên.

Riêng ông Thi, đã không đồng ý “điều đình”, mà nhất quyết chủ trương đánh dứt điểm dinh Độc Lập, bắt sống hai ông Diệm - Nhu. Nhưng đa số thành viên của Ủy ban cách mạng muốn hòa giải, thương lượng. Nên lúc 4 giờ 45 phút sáng hôm sau 12.11.1960, Đài phát thanh Sài Gòn đã truyền đi “Nhật lệnh 3 điểm” của Tổng tham mưu trưởng VNCH Lê Văn Tỵ, nguyên văn (NCT, sđd. tr. 144):

“Sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ Quân đội VNCH !

“Giữa lúc cuộc chính biến nghiêm trọng diễn ra tại thủ đô, hôm nay tôi đã hội đàm với tổng thống Ngô Đình Diệm và đã đi đến những sự thỏa thuận sau đây để duy trì đoàn kết của Quân đội.

1. Tổng thống đồng ý giải tán chính phủ hiện tại sau khi đã thảo luận về vấn đề quốc sự với Ủy ban cách mạng.

2. Với sự đồng ý của Ủy ban cách mạng, tổng thống ủy thác cho một số sĩ quan trong Quân đội VNCH trách nhiệm thành lập một chánh phủ quân nhân lâm thời. Chánh phủ này tiếp tục cuộc chiến đấu chống Cộng sản để bảo vệ tổ quốc.

3. Ngay sau khi nhận được lệnh này, tất cả các đơn vị phải lập tức ngưng bắn, tiếp tục hoạt động trở lại (bình thường) và phải luôn luôn bình tĩnh đề cao cảnh giác đề phòng sự phá hoại của Việt cộng.

KBC 4002, ngày 12 tháng 11 năm 1960

Đại tướng Lê Văn Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng QĐ VNCH”.

Nhật lệnh dứt, nhạc quân hành trổi lên.

Tiếp đến Đài phát thanh đưa lời kêu gọi của tổng thống Diệm gởi quốc dân đồng bào (NCT, sđd. tr. 145):

“Quốc dân đồng bào !

“Tiếp theo cuộc gây hấn tại thủ đô, để cho Quân đội chúng ta được toàn vẹn trong cuộc chiến đấu chống Cộng, tôi - tổng thống VNCH - đã quyết định giải tán chính phủ hiện thời. Tôi kêu gọi các tướng lãnh của Quân đội VNCH thành lập một chính phủ lâm thời để có thể chiến đấu tiếp tục chống Cộng và bảo vệ xứ sở. Đồng thời tôi muốn phối hợp với Ủy ban cách mạng thành lập một chính phủ liên hiệp để tránh đổ máu và trấn an dân chúng.

“Tôi ra lệnh Hội đồng các tướng lãnh tìm tất cả các phương pháp thích nghi để chấm dứt mọi cuộc tuyên truyền xuyên tạc và ngừng bắn”.

Nhật lệnh của thống tướng Lê Văn Tỵ và lời kêu gọi của tổng thống Ngô Đình Diệm được tiếp tục phát đi phát lại suốt buổi, kể từ 5 giờ sáng 12.11.1960.

Đa số thành viên Ủy ban cách mạng mặt mày rạng rỡ, ngỡ rằng đảo chánh đang chạm “đích đến” của cuộc đua chính trị lần này. Riêng Nguyễn Chánh Thi “vẫn giữ thái độ điềm nhiên”. Là vì, như ông nói: “mục đích của tôi không phải chỉ có chừng ấy. Tôi không hề nghĩ đến việc giải tán chính phủ này, hay lập chính phủ khác. Tôi cũng không bao giờ có dự định giữ “ghế” này, hay nắm quyền kia trong chính phủ. Tôi muốn lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, là muốn cởi bỏ cho đồng bào những xiềng xích áp bức, độc hại, đồng thời phải xóa sạch những bất công quá quắt, đầy rẫy hiện đang lũng đoạn tinh thần chiến đấu của binh sĩ” (NCT, sđd. tr. 146). Đang lúc đó, lực lượng cứu nguy nhà Ngô của đại tá Trần Thiện Khiêm, trung tá Huỳnh Văn Cao và trung tá Nguyễn Văn Chuân đang xiết chặt dần vòng vây Lữ đoàn dù “anh cả đỏ”… (còn nữa).

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 28: Thống tướng Lê Văn Tỵ nói "không" với Nguyễn Chánh Thi và tổng thống Diệm