Mao Trạch Đông chỉ thị để đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Hoàng Hoa tìm cách biện minh trí trá về “chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa” (năm 1974), song dư luận thế giới từ lâu đã ghi nhận tiếng nói khẳng định “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” trên diễn đàn Hội nghị quốc tế San Francisco (năm 1951)!

Kỳ 41: Hoàng Sa trên diễn đàn quốc tế San Francisco

10/08/2015, 11:20

Mao Trạch Đông chỉ thị để đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Hoàng Hoa tìm cách biện minh trí trá về “chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa” (năm 1974), song dư luận thế giới từ lâu đã ghi nhận tiếng nói khẳng định “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” trên diễn đàn Hội nghị quốc tế San Francisco (năm 1951)!

Hội nghị San Francisco bàn đến việc “nước Nhật khước từ mọi chủ quyền và đòi hỏi đối với tất cả các lãnh thổ mà họ chiếm bằng vũ lực trong đệ nhị thế chiến (1939 – 1945), trong đó có các đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Tại diễn đàn trên, ngày 7.9.1951: “Thủ tướng Trần Văn Hữu kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng (trong chính phủ Quốc gia do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng - GH) và là trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị San Francisco long trọng tuyên bố xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này, trước sự hiện diện của 51 quốc gia, mà không có quốc gia nào minh thị phản đối, kể cả Trung Hoa” (tài liệu VNCH đã dẫn tr.51).

Gần đây, toàn văn tuyên bố chính thức trên in lại trong cuốn Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam (sau đây viết tắt: “Bằng chứng lịch sử”, nhiều tác giả, NXB Trẻ - TP. HCM, tái bản lần thứ tư, quý IV – 2013, 360 trang) dài hơn 4 trang, có đoạn: “Chúng tôi tới đây để yêu cầu được chữ ký của 51 quốc gia hội viên của hội nghị này mà tái lập lại một đời sống quốc gia xứng đáng và tự hào” (tr.105). Nhân đó “cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” (tr.107).

Nguyên văn chữ Pháp đoạn văn quan trọng trên như sau: “Et comme il faut franchement profiler de toutes occasions pour élouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les iles Spratly et Paracel qui de tout temps ont fait partie du Viet Nam”. Cf “Conférence de San Francisco”, France – Asie, p 66-67 (Novembre – Decembre 1951), p 505.

Bản dịch tiếng Anh trong tài liệu VNCH: “…As we must frankly profit from all the opportunities offered to us to stifle the germs of discord, we affirm our right to the Spratly and Paracel Islands, which have always belonged to Vietnam” (tr.51)

Ngày 16.3.1974 (chưa đầy hai tháng sau ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa), Trung tâm thông tin Paris của VNCH đến tư thất của cựu thủ tướng Trần Văn Hữu ở Pháp phỏng vấn. Cựu thủ tướng xác nhận:

- “Chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã được công khai tuyên bố nơi Hội nghị hòa bình với Nhật năm 1951 vào tháng chín dương lịch tại San Francisco. Lúc ấy là lần đầu tiên mà Việt Nam vào hàng 50 cường quốc có quyền định đoạt vấn đề quốc tế (…). Với tánh cách Chủ tịch phái đoàn đại diện cho toàn cõi Việt Nam, trong một bài diễn văn đọc ngày bế mạc hội nghị, tôi long trọng tuyên bố xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên cả quần đảo Hoàng Sa. 50 phái đoàn cường quốc im lặng nghe lời tuyên bố của phái đoàn Việt Nam (…) hoàn toàn công nhận, không gặp một quốc gia nào phản đối”.

Được hỏi CHND Trung Hoa không có mặt tại Hội nghị San Francisco 1951, vậy tuyên bố đó có “giá trị đối kháng” với họ hay không? Cựu thủ tướng Trần Văn Hữu trả lời: vẫn có giá trị - vì lẽ:

- “Nếu đứng về phương diện “tạo ra chủ quyền mới” thì lời tuyên bố đó có thể chỉ đối kháng với những Chính phủ hiện diện mà thôi. Nhưng đứng về phương diện “xác nhận chủ quyền đã có (effet déclaratif)” thì lời tuyên bố đó có hiệu lực đối kháng với tất cả mọi người (effet “erga omnis”) kể cả người vắng mặt. Vì đó chỉ là xác định lại, nhắc lại quyền lợi cũ mà thôi. Vì vậy, tuyên bố của VNCH tại San Francisco vẫn có hiệu lực đối với Trung Cộng” (tài liệu VNCH, tr.51-52).

Cuốn “Bằng chứng lịch sử” dẫn trên cũng ghi: “vào năm 1951 tại Hội nghị San Francisco có một đề nghị bổ sung bản dự thảo hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại hội nghị, Trưởng đoàn quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào. Năm 1956, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Sài Gòn, và nhà cầm quyền Sài Gòn đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng” (Hải Biên – Vấn đề biển Đông dưới ánh sáng pháp luật quốc tế, sđd tr.287). “Sự kiện San Francisco” còn được nhắc đến ở các trang 278, 336 đến 338 của cuốn “Bằng chứng lịch sử”.

Ngày 26.1.1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố về vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ – đến ngày 14.2.1974, lại tuyên bố khẳng định: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Ngày 11.11.1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc “khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Tháng 3.1979, Bộ Ngoại giao CHXHCN VN công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới Việt - Trung, trong đó tố cáo Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19 và 20.1.1974. Sang tháng sau (4.1979), hải quân Việt Nam đụng độ với tàu chiến Trung Quốc trên vùng biển Đông. (còn nữa)…
Giao Hưởng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 41: Hoàng Sa trên diễn đàn quốc tế San Francisco