Được nhắc đến như ‘Nữ hoàng ảnh chân dung’, Cindy Sherman là một trong những nghệ sĩ táo bạo và xuất chúng nhất của nền nhiếp ảnh đương đại. Trước ống kính, bà hóa trang thành vô số mẫu người, thể hiện nhiều diện mạo - sắc thái. Mỗi tác phẩm chỉ nhằm biểu thị thứ nhân dáng cụ thể nào đó, hay còn ẩn hiện ý nghĩa thú vị hơn?

Kỳ lạ, quyến rũ và gai góc từ những bức ảnh của Cindy Sherman

nhu y | 15/08/2019, 07:35

Được nhắc đến như ‘Nữ hoàng ảnh chân dung’, Cindy Sherman là một trong những nghệ sĩ táo bạo và xuất chúng nhất của nền nhiếp ảnh đương đại. Trước ống kính, bà hóa trang thành vô số mẫu người, thể hiện nhiều diện mạo - sắc thái. Mỗi tác phẩm chỉ nhằm biểu thị thứ nhân dáng cụ thể nào đó, hay còn ẩn hiện ý nghĩa thú vị hơn?

Xuyên suốt sự nghiệp nhiếp ảnh ấn tượng, Cindy Sherman đã tạo ra hàng trăm nhân vật. Trong những shot ảnh, bà hóa thân vào muôn kiểu ‘vai diễn’: một diva Hollywood, một gã hề vẻ mặt rùng rợn, một nhân viên soát vé tàu, một phụ nữ trung lưu với gương mặt thẩm mỹ cứng đờ, một người mẫu ảnh bìa gợi cảm,..

Sherman tận dụng đạo cụ sân khấu, bộ phận cơ thể giả, tóc giả và trang phục, cùng lượng lớn phụ kiện trang điểm. Trên từng bức chân dung, bà phản ánh đa dạng dấu ấn văn hóa nghệ thuật: điện ảnh, truyền hình, mỹ thuật, thời trang, quảng cáo, thậm chí phim giải trí người lớn.

Nữ nghệ sĩ nổi tiếng với phong cách làm việc độc lập. Bà đảm đương mọi vai trò trong một dự án ảnh, kể cả vị trí người mẫu. Thế nhưng, đừng vội gọp những tác phẩm của Sherman vào thể loại ‘selfie’ (ảnh chân dung tự chụp).

“Quan trọng nhất ở đây, tôi nghĩ, chúng ta nên nhận ra rằng ảnh chụp bởi Sherman không có gì tương đồng với kiểu ảnh selfie đại trà”, Paul Moorhouse - giám tuyển sự kiện triển lãm tổng hợp quy mô về nữ nhiếp ảnh gia, đang diễn ra tại gallery Chân dung Quốc gia, thủ đô London, Anh - cho biết.

“Ấn tượng sai lệch này khiến một số người nhanh chóng lên án những gì bà thực hiện. Họ có thể nghĩ: ‘Ồ, những bức ảnh mô tả khía cạnh khác nhau trong con người Sherman và không gì hơn’. Thế nhưng điều đó không đúng”, Moorhouse phân tích.

“Chúng quả thật do Sherman chụp. Công chúng đôi khi lầm tưởng có nhiều hơn một nghệ sĩ giả trang trên ảnh, nhưng đây chỉ là một người, hóa thân thành phong phú loại hình nhân vật, để dựng nên một ấn tượng bề ngoài hão huyền”.

Được tổ chức chỉnh chu - lôi cuốn, triển lãm mới vinh danh Sherman giới thiệu hơn 190 tác phẩm, phác họa hành trình nghệ thuật kỳ lạ kéo dài 40 năm của nữ nghệ sĩ, khi bà nỗ lực khám phá mối quan hệ phức tạp giữa ảo ảnh ‘bề ngoài’ và ý niệm ‘hiện thực’.

Tại sự kiện triển lãm, dự án bứt phá của Sherman, “Untitled Film Stills” (Những cảnh cắt không đề từ phim) chụp từ năm 1977-80, lần đầu tiên được trưng bày đầy đủ. Series 69 bức ảnh trắng đen, phần lớn lấy bối cảnh ngoài trời, có chủ thể chính là nữ nhiếp ảnh gia. Bà hóa trang để ‘vào vai’ loạt nhân vật kinh điển trong nhiều dòng phim khác nhau, từ phim tình cảm nóng bỏng hạng B kiểu Mỹ, thể loại noir (phim chính kịch tội phạm ghi dấu ở Hollywood thập niên 1920-40) đến trào lưu phim hiện thực Ý.

Bối cảnh cùng nhân vật chính trong khung hình gợi nhắc người xem đến những tác phẩm màn bạc nổi tiếng một thời của ‘bậc thầy’ điện ảnh như Hitckcock, Rossellini hay Godard.

“Untitled Films Stills” ‘đánh dấu’ một ngoại lệ dị biệt trong chủ trương làm nghệ thuật của Sherman. Về sau, bà gần như lánh xa khỏi phong cách ảnh ngoại cảnh. Thay vào đó, Sherman ưa chuộng chụp bên trong studio riêng và gần như luôn sử dụng phim màu.

Triển lãm cũng bao gồm tuyển tập ảnh đời thường chưa từng công bố về Sherman trong những năm theo học tại đại học Buffalo (New York). Bên cạnh đó là dự án ảnh hoàn toàn mới, “Untitled #602”, bà hợp tác thực hiện cùng nhà thiết kế thời trang danh tiếng Stella McCartney (con gái danh ca huyền thoại Paul McCartney).

Toàn bộ ảnh Sherman chụp không có đề tựa. Phần tên chỉ là những con số đánh dấu theo chiều hướng tăng dần. Và ngoài một đoạn giới thiệu súc tích dành cho từng series, triển lãm không đưa thêm bất kì lý giải hay phê bình nào đối với mỗi bức ảnh, nhằm khuyến khích khách thăm quan đưa ra xét đoán của riêng họ.

“Bản thân Sherman chưa từng nêu lên luận điểm cá nhân khi chụp ảnh”, Moorhouse nói. “Bà ấy là tuýp người sáng tạo một ‘ảo ảnh’ diện mạo, thứ hoàn toàn không phản ánh cá tính thật của người nghệ sĩ. Bà ấy không bao giờ nói với bạn bức ảnh mang mục đích gì. Nếu có mở lời, Sherman thường nói chúng không chứa đựng thông điệp gì cả. Tuy nhiên tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu bạn cho rằng chuyện chỉ có thế”.

“Tôi nghĩ ý nghĩa tiềm ẩn đáng suy ngẫm nằm ở cách chúng ta phản ứng thế nào về những diện mạo con người chúng ta vẫn đối diện mỗi ngày”.

“Bà ấy đang nghiên cứu một kiểu trãi nghiệm xã hội đặc thù. Sự thật là chúng ta không ngừng bị chi phối bởi ấn tượng bề ngoài. Khi đứng trước những người lắm lúc bạn hoàn toàn không biết chút gì về họ, tự bạn phải cố hiểu thêm về họ đơn giản thông qua hình ảnh họ thể hiện trước mắt bạn. Yếu tố diện mạo muôn hình vạn trạng nơi những tác phẩm của Sherman xuất phát từ một khía cạnh rất đời thực”.
Minh chứng lý thú cho nhận định trên tìm thấy trong series ảnh thời trang năm 1976, Sherman hoàn tất ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Bà tạo ra một chuỗi ảnh bộ-ba dựa trên những bìa tạp chí ăn khách, với bức đầu là ảnh gốc, bức giữa cho thấy Sherman trong sắc thái, phục trang tương tự như người mẫu gốc, và bức cuối là Sherman mang nét giễu nhại bản gốc.

Giữa thập niên 1980, Sherman thực hiện dự án quảng bá cho một cửa hàng thời trang tại New York với những tấm ảnh gây hoang mang hơn là đẹp mắt.

“Dự án quảng cáo nhằm tôn vinh một số thương hiệu lớn Sherman được mời dùng thử, Jean Paul Gaultier và Comme des Garçons. Dĩ nhiên bà ấy không tạo ra những bức ảnh mang tính tôn vinh. Thay vì đề cao mẫu trang phục bằng vẻ cuốn hút, thời thượng, bà khiến hình ảnh người mặc chúng trông luộm thuộm và bấn loạn. Một dấu ấn hoàn toàn đối nghịch với khái niệm thời trang”.

Bấy giờ, Sherman giải thích, bà cảm thấy “chán ghét trước việc mỗi người luôn muốn diện trang phục đẹp đẽ”, và cho biết đơn thuần “muốn chế giễu ngành thời trang”. Đáng ngạc nhiên là không ít nhãn hàng chấp nhận lời ‘nhạo báng’ ấy và vẫn tiếp tục công tác cùng bà.

Tính đa sắc thái Sherman xây dựng nơi nghệ thuật nhiếp ảnh có thể được bộc lộ thống nhất (ít nhất trong khuôn khổ triển lãm tại London) qua một câu thoại trích từ một bộ phim của Hitchcock: “Hãy kể tôi nghe tất cả những gì anh thấy, và hãy nói tôi biết anh nghĩ gì về chúng”.

Lời thoại nằm trong tác phẩm phim giật gân ‘Rear Window’ công chiếu năm 1954, kể về một nhiếp ảnh gia phải ngồi xe lăn do bị thương ở chân, người trong lúc dưỡng bệnh đã ‘giết thời gian’ bằng cách lén lút quan sát và chụp ảnh những hàng xóm xung quanh.

“Sherman từng nói chính ‘Rear Window’ đã tạo ảnh hưởng lớn đến bà, khi bà còn rất trẻ”, Moorhouse tiết lộ.

“Tôi nghĩ câu thoại ấy có thể tóm lược toàn bộ khối gia tài nghệ thuật của Sherman. Qua ảnh, bà đưa ra một ‘thử thách’, mời gọi người xem nhìn và ngẫm. Những chân dung con người luôn bí ẩn và dẫu chúng không đính kèm sự diễn giải nào, chúng vẫn thôi thúc chúng ta quan sát, để tự chúng ta đưa ra cảm nghĩ riêng”.

*Triển lãm “Cindy Sherman” đang diễn ra tại gallery Chân dung Quốc gia London, từ đây đến ngày 15.9.2019.

Như Ý (tin, ảnh: CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ lạ, quyến rũ và gai góc từ những bức ảnh của Cindy Sherman