Sau nhiều ngày làm quen, chúng tôi được một số “sư phụ” đã giải nghệ truyền bí kíp để tranh thủ lòng hảo tâm của mọi người.

'Kỹ nghệ' ăn xin: 'Tầm sư học đạo'

Người Lao Động | 01/11/2016, 06:51

Sau nhiều ngày làm quen, chúng tôi được một số “sư phụ” đã giải nghệ truyền bí kíp để tranh thủ lòng hảo tâm của mọi người.

Qua lời giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm gặp T.V.D (25 tuổi). Theo “giang hồ” đồn đại, trước kia D. từng tham gia một nhóm giả dạng tàn tật lê lết khắp các tuyến đường ở TP.HCM để ăn xin.

Đồ nghề rất đơn giản

D. cho biết năm 2014, anh ta được một số người rủ từ quê vào TP.HCM lập nghiệp bằng công việc làm “cái bang”. “Khi nghe gợi ý theo nghề này, lúc đầu tôi ngại lắm. Nhưng sau đó, thấy cũng hái ra tiền nên theo học ngót một năm mới hành nghề được” - D. nói.

Sau một lúc nghe thuyết phục và thấy sự tha thiết “học nghề” của tôi, D. gật đầu, đồng thời khẳng định sẽ giúp “đệ tử” trở thành một “cái bang” thực thụ. Sau khi truyền đạt xong phần lý thuyết, D. dạy: “Cái này phải chơi đồ cũ, chứ đồ mới là bể liền”. Sau đó, “sư phụ” dẫn chúng tôi ra chợ chuyên bán đồ cũ ở quận 11 mua 1 áo sơ mi dài tay, 1 quần tây bạc màu và 1 chiếc nón tai bèo cũ với tổng giá chỉ 150.000 đồng. Nhập môn, “sư phụ” cho biết địa bàn hoạt động phải tập trung ở các tuyến đường lớn, xa lộ hoặc khu chợ đông người mua bán.

Sau khi có những thứ cần thiết, D. lấy một cục than củi bôi lên nón tai bèo và dùng dao lam rạch tạo thành những vết sần sùi, rồi giải thích: “Đội nón tai bèo vừa che được mặt không cho ai thấy vừa tránh nắng”. Tiếp đến, D. yêu cầu tôi ngồi bệt xuống để lấy băng gạc quấn 4 vị trí trên người, gồm: cùi chỏ tay trái, cổ tay, xương chậu và cổ chân.

“Mục đích dùng băng quấn lên những vị trí này nhằm hạn chế bị tổn thương khi bò lết. Nhiều người không biết, chỉ cần nằm xuống đất di chuyển chừng 20m là da trầy, chảy máu ngay” - D. giải thích.

Đâu vào đó, D. lấy một ít thuốc đỏ bôi lên băng gạc ngay cổ chân giống như đang bị thương và yêu cầu tôi ra bãi đất gần nhà lăn lộn 3 vòng cho nhuần nhuyễn. Thấy tôi luống cuống, D. nạt: “Người tàn tật khi di chuyển phải dùng lực ở hông và cổ tay chứ không ai dùng lực chân. Nếu lấy sức ở chân, người ta phát hiện mình giả tật ngay. Phải dùng tay và hông đẩy cùng lúc, cách này ít tốn sức mà giống bị tàn tật”.

Để minh chứng, D. nằm xuống làm mẫu, cánh tay trái cong lại thành hình chữ U để lên mặt đường và gồng sức trườn người về phía trước. Chỉ trong vòng 10 giây, D. di chuyển được 4m. Tiếp đó, D. yêu cầu tôi thử bò nhiều lần nữa để kiểm tra. “Giống rồi đấy, nhưng cần khổ luyện thêm cách bò như thế nào cho nhuần nhuyễn hơn nữa là có thể “lượm” tiền được rồi” - D. phán.

Trả lời thắc mắc vì sao nhiều người bị loét tay, loét chân ngồi ăn xin năm này qua tháng nọ nhưng vết thương vẫn bình thường, D. khẳng định tất cả là giả. Cụ thể, những vết thương được làm bằng sáp có bán đầy ở chợ Bình Tây, tạo hình và bôi máu gà lên. “Để được như thế, trình độ phải cao hơn, còn chú mày cứ làm như anh chỉ là được rồi” - D. nói.

Không được lắm chuyện!

Trong vai người thất nghiệp, tôi tìm đến một con hẻm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) để học nghề. Cứ tầm khoảng 11 giờ 30 phút đến 13 giờ là các sư giả hành nghề lại đến con hẻm này để “lột xác” trước khi về nhà. Sau nhiều ngày làm quen, tôi được một “sư thầy” nhận làm đệ tử với học phí là một ly cà phê và 2 chai nước suối.

“Sư thầy” cho biết trước đây có làm công đức tại một ngôi chùa ở tỉnh Đồng Nai, sau đó không làm nữa. Khi rời chùa, ông được một sư thầy cho chiếc áo nhà sư để làm kỷ niệm nên giờ mới có “hành trang” để vào nghề. “Sư thầy” giới thiệu tên Khuyên, quê Thái Bình và không có vợ, con. Khi chúng tôi hỏi có thể mua đồ này ở đâu thì “sư thầy” chỉ: “Nghe nói ở quận 5 có bán, giá khoảng 300.000 đồng”.

“Nghề này cũng khó thầy nhỉ?” - tôi hỏi. Lập tức, “sư thầy” gằn giọng: “Nói nhỏ thôi, đừng lắm chuyện, người ta nghe”. Sau khi đe nẹt tôi về cái tội tò mò, “sư thầy” cho biết trước hết, khuôn mặt phải luôn điềm tĩnh, chân bước ngắn, hai bàn chân nối tiếp nhau, thẳng hàng chứ không phải theo kiểu vòng kiềng, tay không được đánh như người đi bình thường. Mắt luôn nhìn về phía trước, không cười, nói lung tung.

“Người đi đường nhìn vào mà thấy mặt mình có gì đó là nghĩ ngợi liền” - “sư thầy” lưu ý. Vừa nói, Khuyên vừa gấp từng đồng tiền mới xin được và liếc xung quanh dò xét. Sau đó, “sư thầy” đưa vạt áo quẹt mồ hôi trên trán, giảng tiếp: “Thật ra cũng chẳng có gì khó đâu, miễn đi đứng thận trọng, không nhìn lung tung. Tốt nhất là khi đứng một chỗ thì nhắm mắt lại để người ta đỡ dò xét. Khi đi “hành nghề” thì nên đến các chợ buôn bán lớn hoặc bệnh viện vì ở đây người ta làm phước nhiều. Những ngày giữa tháng hoặc cuối tháng thì đi về các chùa vì khách hành hương đông, cầu tự cũng lắm. “Coi chừng bị đưa về đồn nha cha, dạo này họ làm căng lắm” - “sư thầy” dặn.

Cũng theo Khuyên, nghề này được mùa nhất là dịp rằm tháng bảy hoặc trước và sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày cũng được 3-4 triệu đồng. “Bất đắc dĩ mới theo cái “nghề” này chứ hay ho gì. Sơ suất là vào trung tâm bảo trợ xã hội như chơi” - Khuyên tâm tư. Sau khi uống nốt ít nước còn lại trong chai, Khuyên làm mặt nghiêm: “Có bao nhiêu nói với ông cả rồi đấy, từ nay đừng có bám tôi nữa, thích thì qua mấy bàn bên kia mà ngồi”. Nói xong, Khuyên lấy trong túi một chiếc nón lưỡi trai và đôi dép rồi đi ra đường Hải Thượng Lãn Ông để đón xe buýt về lại Đồng Nai, kết thúc một ngày “khất thực”.

Bỏ nghề vì quá “bạc”

D. cho biết chỉ cần đầu tư bộ quần áo thì mỗi tháng kiếm được gần chục triệu đồng. Năm 2009, D. và băng nhóm hoạt động ở khu vực quận 5, quận 8 và một đoạn gần Bến xe Miền Tây chứ không lấn chiếm địa bàn của “cái bang” khác vì dễ bị xử. “Sau đó, mình bỏ nghề vì thấy “bạc” quá dù có tiền thật. Lẽ nào mình cứ sống cuộc đời giả dối mãi sao, khi nào cũng ghì cái mặt xuống đất. Tôi chỉ cách giả làm ăn xin để cậu biết thôi, chứ không phải đi lừa người ta nhé” - D. căn dặn.

Thành Đồng - Lê Phong - Quốc Chiến/Người Lao Động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Kỹ nghệ' ăn xin: 'Tầm sư học đạo'