Chuyên gia cho rằng, việc khơi thông các điểm nghẽn để đẩy mạnh nhà ở nhà ở xã hội (NƠXH) rất cần thiết và là giải pháp để hạ nhiệt giá nhà hiện nay.
Hạ tầng và bất động sản

Kỳ vọng kết quả khả quan trong triển khai nhà ở xã hội năm 2024

Sơn Lam 12/02/2024 06:00

Chuyên gia cho rằng, việc khơi thông các điểm nghẽn để đẩy mạnh nhà ở nhà ở xã hội (NƠXH) rất cần thiết và là giải pháp để hạ nhiệt giá nhà hiện nay.

108 dự án NƠXH đăng ký hoàn thành trong năm 2024

Tại Nghị quyết số 20 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển NƠXH theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về phát triển NƠXH năm 2024 đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn để tăng khả năng tiếp cận tín dụng; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng...

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2023, trên địa bàn cả nước có 44 dự án NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 36.262 căn hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng. Trong đó, có 28 dự án với quy mô 13.864 căn đã hoàn thành và 16 dự án được cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 22.398 căn.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 495 dự án NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 402.898 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.

noxh-2_29012024134821_5.jpeg
108 dự án NƠXH đăng ký hoàn thành trong năm 2024

Cụ thể, 70 dự án với quy mô 35.566 căn đã được hoàn thành, đã khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô 107.896 căn, được chấp thuận chủ trương đầu tư mới 298 dự án với quy mô 259.436 căn.

Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay NƠXH, theo báo cáo của các địa phương và các chủ đầu tư, hiện nay đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng gần 180 tỉ đồng.

Bộ Xây dựng cũng mới có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị đăng ký số lượng dự án, số lượng căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp hoàn thành trong năm 2024.

Theo đó, trong số 108 dự án NƠXH đăng ký hoàn thành trong năm 2024. Ở khu vực phía nam, TP.HCM đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô 3.765 căn hộ; Bình Dương 20 dự án, quy mô 4.500 căn hộ; Cần Thơ 2 dự án, quy mô 1.535 căn hộ, An Giang 4 dự án, quy mô 1.907 căn hộ.

Tại phía bắc, Hà Nội đăng ký 3 dự án, quy mô 1.181 căn hộ, Bắc Giang 2 dự án, Bắc Ninh đăng ký 5 dự án, quy mô 6.000 căn hộ, Hải Phòng 8 dự án, quy mô 3.925 căn hộ, Quảng Ninh 3 dự án, quy mô 1.600 căn hộ, quy mô 2.428 căn hộ, Hà Nam 4 dự án, quy mô 1.666 căn hộ...

Khơi thông điểm nghẽn để phát triển nhà ở xã hội

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc khơi thông các điểm nghẽn để đẩy mạnh nhà ở vừa túi tiền, NƠXH là rất cần thiết. Đây cũng là giải pháp để hạ nhiệt giá nhà hiện nay.

“Nếu không triển khai được NƠXH thì các doanh nghiệp làm nhà thương mại cũng không có động lực cạnh tranh để giảm giá nhà, nhất là hiện nay nguồn cung dự án rất ít, để xin và khởi công được một dự án không phải chuyện dễ”, ông Thịnh nói.

thinh.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Còn theo TS Lê Bá Chí Nhân, vừa qua bất động sản dư thừa phân khúc cao cấp, khan hiếm phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Các chủ đầu tư quá tập trung vào dòng sản phẩm trung - cao cấp. Theo đó, cần tập trung vào phát triển NƠXH.

“Việc triển khai 1 triệu căn NƠXH thực ra không quá khó. Tuy nhiên, cần cơ chế để doanh nghiệp họ làm. Có những lãnh đạo công ty bất động sản họ nói rất muốn làm NƠXH, nhưng vấn đề là vướng cơ chế và nguồn tiền, thủ tục đất đai. Do đó, cần khơi thông những điểm nghẽn này”, ông Nhân nêu.

Chuyên gia này lấy ví dụ gói 120.000 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp, xem xét các vấn đề như lãi suất đã phù hợp chưa? Cơ chế giải ngân, trình tự đã hợp lý và linh hoạt chưa?

Trong văn bản mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) cho rằng, giải pháp để đảm bảo tính khả thi về đất cho sản phẩm NƠXH là các địa phương cần tập trung tạo quỹ đất dành riêng cho các dự án NƠXH độc lập.

Địa điểm bố trí dự án phải gần với các khu/cụm công nghiệp, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nếu hạ tầng chưa đảm bảo, địa phương cần hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng.

Ngoài ra, khi quỹ đất sạch cho các dự án NƠXH độc lập đã được bố trí, các địa phương cần công bố công khai đầy đủ và minh bạch các thông tin về khu đất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tiếp cận.

“Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án nhà ở xã hội phản ánh, họ phải đến ‘gõ cửa’ trực tiếp các sở, ban, ngành liên quan tại các địa phương để tìm hiểu thông tin, nhưng nhiều trường hợp chỉ được giới thiệu những khu đất rất ‘xương xẩu’ hoặc không nhận được thông tin rõ ràng để có thể tham gia các dự án diện này”, Ban 4 nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ vọng kết quả khả quan trong triển khai nhà ở xã hội năm 2024