Ngay sau khi cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre ra quyết định xử phạt hành chính theo nghị định 174 của Chính phủ đối với thanh niên tên Nguyễn Chí Khương (SN 1993, ngụ xã Châu Bình, H.Giồng Trôm) về hành vi tung đoạn clip sai sự thật, xuyên tạc "Đoàn xe Chủ tịch Quốc hội về thăm quê hương Bến Tre", lại có thêm thông tin sai sự thật đăng trên Facebook 1 người khác, được cho là cũng ở Bến Tre.
Mới đây, trên tài khoản Facebook của người có nickname Phạm Hoàng Hải đăng lên nội dung gồm 3 bức ảnh chụp 1 con vật lạ rất kinh dị có đầu giống như đầu của 1 con chồn, toàn thân dài có lông màu xám nâu, không có chân, nằm giữa sân phía sau chùa.
Ảnh kèm với dòng thông tin: "Lúc 2 giờ sáng ngày 31.10.2016, tại chùa Long Hưng thuộc ấp Tân Nhuận, xã Nhuận Phú, H.Mỏ Cày Bắc, phát hiện 1 con vật chưa nhận ra tên tuổi nằm giữa sân phía sau chùa".
Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, nhiều người đã chia sẻ, bình luận về hình con vật quái dị. Có người tin đây là hình thật, là con lươn hóa thành... chồn, nhưng có người cho rằng là sản phẩm của photoshop. Ngoài ra có người còn “vạch mặt” những hình ảnh này đã xuất hiện ở trang mạng nước ngoài từ cách nay gần 20 ngày.
Thông tin về con vật lạ trên Facebook
Tuy nhiên, chủ tài khoản Facebook này vẫn một mực khẳng định đây là hình thật và nhà chỉ cách chùa 2km. Chưa biết thực hư như thế nào nhưng nhiều người đã đồn thổi, chia sẻ trên mạng xã hội gây bất an trong dư luận.
Trao đổi với PV, đại đức Thích Từ Quang, Trụ trì chùa Long Hưng xác nhận, từ tối 1.11, phật tử trong chùa cho biết trên mạng xã hội có hình ảnh sinh vật lạ, nói là ở chùa Long Hưng.
"Ngay sau đó, nhiều người lên Facebook thì phát hiện tên chùa, địa chỉ là đúng nhưng hình ảnh không biết lấy ở đâu vì ở đây chưa hề có sinh vật nào kỳquái như vậy. Nhiều người đã gọi điện thoại để xác minh về thông tin làm hoang mang dư luận nêu trên, nhà chùa đã phải liên tục giải thích, trấn an phật tử...”, vị trụ trì chùa Long Hưng nói.
"Thông tin bịa đặt như vậy làm ảnh hưởng đến nơi tôn nghiêm, tu hành của phật tử trong chùa. Nhà chùa không hài lòng nhưng không biết phải làm gì vì đây là trang cá nhân nên chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý để gỡ bỏ thông tin thất thiệt này”, đại đức Thích Từ Quang nêu quan điểm.
Chùa Long Hưng
Chiều 2.10, ông Trịnh Văn Thịnh, Phó giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre cho biết: "Chuyện lên Facebook để trao đổi thông tin, giao lưu, học hỏi nhau là chuyện bình thường, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, gần đây nhiều người lên Facebook để nói xấu nhau, xuyên tạc tổ chức, cá nhân nếu bị phát hiện hay tổ chức, cá nhân khiếu nại sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ thế nào, nếu nhẹ thì giáo dục, bắt viết cam kết không tái phạm nếu nặng sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự...", ông Thịnh thông tin thêm.
Trước đó, ngày 2.11, ông Thái Huỳnh Tư, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre, cho biết: “Trong ngày 31.10, Thanh tra Sở và phía Công an tỉnh Bến Tre đã làm việc trực tiếp với Nguyễn Chí Khương- người có hành vi phát tán clip, tung tin sai sự thật về “Đoàn xe Chủ tịch Quốc hội về thăm quê Bến Tre”.
Qua làm việc, Khương nhìn nhận sai phạm của mình. Theo đó, hình thức xử lý là giáo dục tại địa phương đối với Nguyễn Chí Khương theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Bởi vào ngày 28.10, trên mạng xã hội Facebook và Youtube xuất hiện đoạn clip với hình ảnh đoàn xe hàng chục chiếc đang chạy và chú thích rằng đây là đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm quê Giồng Trôm, Bến Tre. Đoạn clip này nhanh chóng lan truyền trên một số trang mạng xã hội với lượt xem rất lớn, và nhận không ít lời bình luận phản cảm.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre sau đó khẳng định thông tin trên là bịa đặt, sai sự thật và có tính xuyên tạc. Thực tế vào các ngày 27 và 28.10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang chủ trì kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tại Hà Nội. Còn hình ảnh đoàn xe trong đoạn clip thực chất là đoàn xe của công an, quân đội, lãnh đạo các địa phương cùng các đơn vị chức năng tỉnh Bến Tre đang tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Bến Tre, H.Châu Thành và H.Bình Đại năm 2016.
Công an tỉnh Bến Tre sau đó vào cuộc làm rõ danh tính người tán clip, tung tin sai sự thật về “Đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội về thăm quê Bến Tre” là Khương (ngụ ở xã Châu Bình, H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Cũng sau đó, trên Facebook của Khương đã thay đổi trạng thái và có lời xin lỗi vì thông tin sai sự thật.
PV