Người đàn ông bị thủng động mạch chủ bụng gây nhiễm trùng sau phúc mạc, nguy cơ vỡ khiến có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Ngày 4.1.2022, theo Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), các bác sĩ bệnh viện này vừa kịp thời cứu sống bệnh nhân bị thủng động mạch chủ bụng do nhiễm trùng bằng cách thay thế một đoạn bằng màng ngoài tim bò. Đây là vật liệu sinh học lần đầu tiên được sử dụng trong tạo hình động mạch chủ bụng tại Việt Nam.
Bệnh nhân là ông Đ.Đ.T (55 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng đau hông lưng trái dữ dội, sốt lạnh run, uống thuốc giảm đau 3 ngày không giảm. Thêm vào đó, bệnh nhân có tiền sử nhiều bệnh nền phức tạp, gồm cả đứt động mạch chủ bụng do tai nạn lúc còn trẻ, viêm gan, xơ gan, đái tháo đường nên mọi chỉ định y khoa đều cần sự cân nhắc rất kỹ càng.
BSCK2 Hồ Khánh Đức - Trưởng khoa Tim-Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân cho biết kết quả chụp CT-Scan có cản quang cho thấy động mạch chủ bụng bệnh nhân bị thủng 1 lỗ đường kính khoảng 2cm, tạo thành túi phình giả quanh động mạch chủ kích thước lớn, đường kính 6,5cm kéo dài 8,8cm.
Các bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp nhiễm trùng sau phúc mạc, ổ nhiễm trùng ăn thủng động mạch chủ bụng dưới thận tạo thành túi phình giả, nguy cơ vỡ khiến người bệnh tử vong bất cứ lúc nào. Bệnh nhân cần được gấp rút phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bị thủng do nhiễm trùng.
Nhóm bác sĩ phẫu thuật tim-mạch hội chẩn khẩn cấp để tìm hướng điều trị cho người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch, túi phình dọa vỡ, có nhiều khối áp xe trong ổ bụng.
Theo bác sĩ Đức, việc dùng ống ghép nhân tạo không khả thi bởi khối tổn thương nằm trong môi trường nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng cao và khả năng thải ghép cao. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất chọn mảnh ghép bằng màng ngoài tim bò đã qua xử lý để thay thế vào đoạn động mạch đã hư hại.
“Để thực hiện ca phẫu thuật này, ê kíp mổ đã mở ổ bụng, loại bỏ khối áp xe lớn cùng nhiều dịch hoại tử, làm sạch khoang bụng, loại bỏ đoạn động mạch chủ bụng thủng. Hai mảnh ghép kích thước 6 x 4cm đã được cuộn tròn, khâu vắt tạo thành hình ống và thay thế cho đoạn động mạch vốn đã bị nhiễm trùng. Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng đồng hồ đã cứu bệnh nhân thoát chết”, bác sĩ Đức cho biết.
Theo bác sĩ Đức, màng ngoài tim bò đã qua xử lý vốn được dùng để tạo van tim sinh học, che màng ngoài tim trong phẫu thuật thay van tim, vá động mạch đùi, động mạch cảnh (động mạch ở cổ), nhưng chưa từng được ứng dụng để thay đoạn động mạch chủ bụng. Vì là mảnh ghép sinh học nên màng ngoài tim bò đã qua xử lý có khả năng chống nhiễm trùng cao là lựa chọn duy nhất phù hợp để cứu tính mạng người bệnh trong trường hợp này. Đây cũng là thách thức cho nhóm bác sĩ phẫu thuật trong vai trò những người tiên phong ứng dụng mảnh ghép này thay thế đoạn động mạch chủ bụng đã bị thủng.
“Sau 1 tháng phẫu thuật, hiện ống ghép sinh học hoạt động tốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng, thải ghép. Bệnh nhân không còn sốt và đau bụng, vô cùng vui mừng cho biết mình thật sự đã “từ cõi chết trở về”, bác sĩ Đức nói.
Bác sĩ Đức cho rằng giả phình động mạch chủ do nhiễm trùng là bệnh lý hiếm gặp, là thách thức lớn cho các bác sĩ phẫu thuật trong điều trị và lựa chọn ống ghép thay thế phù hợp để tránh nhiễm trùng. Đặc biệt với trường hợp nhiều bệnh nền như bệnh nhân T. thì lại càng khó khăn.
“Chúng tôi rất mừng vì bệnh nhân được thay thế đoạn động mạch chủ bụng nhiễm trùng bằng mảnh ghép sinh học làm từ màng ngoài tim bò có kết quả hồi phục tốt, hết nhiễm trùng, hết đau đớn. Ca phẫu thuật sẽ tạo tiền đề cho việc sử dụng vật liệu thay thế trong tương lai cho các trường hợp phình động mạch chủ thủng do nhiễm trùng”, bác sĩ Đức chia sẻ.