Làng Tôi thường được hiểu là vùng-nông-thôn-nơi-tôi-được-sinh-ra. Nhưng vẫn có một Làng Tôi khác, một làng-Việt-bên-trong-tôi, dù tôi không hề được sinh ra hay lớn lên ở làng. Một Làng Việt như thế không phải ở trên mặt đất nơi chân tôi bước đi mỗi ngày mà ở một không gian màu dịu ngọt trong trái tim tôi, trong những điều tôi yêu, tôi chờ đợi và tôi tưởng tượng.

Làng Tôi – Làng Việt bên trong tôi

15/01/2014, 09:00

Làng Tôi thường được hiểu là vùng-nông-thôn-nơi-tôi-được-sinh-ra. Nhưng vẫn có một Làng Tôi khác, một làng-Việt-bên-trong-tôi, dù tôi không hề được sinh ra hay lớn lên ở làng. Một Làng Việt như thế không phải ở trên mặt đất nơi chân tôi bước đi mỗi ngày mà ở một không gian màu dịu ngọt trong trái tim tôi, trong những điều tôi yêu, tôi chờ đợi và tôi tưởng tượng.

Và một Làng Tôi như thế đã xuất hiện trên sân khấu Nhà Hát Hòa Bình TP.HCM đêm 12.1, đánh thức một vẻ đẹp thực sự “tiềm ẩn” vì đã bị lấp kín dưới những lo toan vật vã của cuộc mưu sinh không dễ dàng theo thời cuộc.

Sân khấu có màu nâu chủ đạo, màu áo của người nông dân một nắng hai sương, thức dậy với tiếng dế giun rền rĩ lúc trời còn mờ mịt để ra đồng, là tiếng nghé ngọ buổi sớm mai chưa nhai cỏ, bạn đồng hành cùng nhà nông suốt bốn mùa mưa nắng để làm ra hạt lúa trên ruộng đồng, là lao xao rì rào tiếng cười tiếng nói trong những phiên chợ quê, nơi mẹ sẽ chọn mua rau cá về nấu bữa cơm gia đình, và không quên tấm quà nho nhỏ cho con…
Lang Toi – Lang Viet ben trong toi
Đó là một thiên nhiên xanh tươi và mạnh mẽ với những hàng tre, lũy tre, phủ bóng mát đồng thời hóa thân vào mỗi vật dụng đi vào trong từng sinh hoạt thân thương nhất của mỗi gia đình: những quang gánh, thúng mủng rổ rá nơi chợ búa, là chiếc nôi tuổi thơ, chiếc giường người lớn, là đũa cả đũa con, cây quạt cho gió mát, là chiếc dầm chèo đẩy ghe thuyền lướt tới, là cửa sổ cửa lớn, là tường vách bốn bên, là bàn ghế trong nhà, là cầu để qua sông qua kênh rạch, là thang để nhân lên chiều cao của mình…
Là nơi anh có thể ngắt chiếc lá đặt lên môi làm kèn để gởi đến em cả tiếng lòng anh. Là nơi em ngồi hát như thể vu vơ cùng đám bạn gái để chờ duyên, chờ anh. Là nơi tiếng khèn chàng trai luồn vào trái tim cô gái điệu buồn đầy thủ thỉ. Là nơi tuổi thơ ta ví nhau trong trò chơi đuổi bắt, chưa hề biết đến bất cứ nỗi buồn nhân sinh nào đang chờ mình phía trước…
Lang Toi – Lang Viet ben trong toi

Trên sân khấu, tre vừa là đạo cụ đồng thời vừa là nhân vật. Vì tre cũng biết nói tiếng nói của mình, của làng. Tre kẽo kẹt trong quang gánh mẹ già, tre làm võng đong đưa tiếng hát ầu ơ ru con, tre làm bệ nâng cho những người yêu nhau bay đến với nhau trên khoảng trời cao xanh, tre ken vào nhau thành một tường lũy tưởng không gì xuyên thủng, tre lắng lại trong tiếng chuông chùa thu không mỗi đêm, trong tiếng mõ âm vang lời kinh sám hối hay tiếng nguyện cầu cho người chết được siêu sinh, là tiếng đàn đáy và tiếng trống thưởng điểm vào giọng Ca trù ảo não, kỳ lạ nhất của âm nhạc Việt Nam...

Có một ngàn thứ tre trong Làng Tôi, một ngàn âm thanh từ những lũy tre già. Tre như thành lũy, cực kỳ dũng mãnh và quyết liệt, nhưng tre cũng óng ả dịu mềm như tấm thân trẻ trung của em uốn cong tưởng có thể bay phất phới như một lá cờ hay lắt lay như một đọt tre trên tầng cao vắt vẻo…

Người ta không đến với Làng Tôi chỉ để “Xem” xiếc mà còn để “Nghe” và “Cảm” với xiếc. Mà thật ra, những động tác khó nhất, đẹp nhất mà cơ thể con người có thể thực hiện ấy (với tên gọi Xiếc) đã hòa trộn làm một vào tiếng nhạc, vào những nhịp điệu đời sống khỏe mạnh và trong lành, vào cảm thức rất ảo mà cũng rất thực trong mỗi người xem: Làng Tôi này đích thực là Làng-Việt-bên-trong-mình.
Lang Toi – Lang Viet ben trong toi
Người Việt nào cũng có thể cảm nhận được điều ấy, nếu họ thực sự có một tâm hồn Việt. Bởi Làng không chỉ là đơn vị hành chánh trong kết cấu xã hội Việt mà còn là nơi bảo lưu hồn vía nước non, giữ gìn mối dây gia tộc, láng giềng và lưu truyền văn hóa Việt cho những thế hệ sau. Một thứ gen văn hóa phi vật thể, ngay cả khi Làng Việt đang chịu rất nhiều đe dọa từ những tương quan không có lợi bởi công cuộc đô thị hóa thiếu quy hoạch phù hợp.

Biến Xiếc thành một loại hình giải-trí-có-tính-văn-hóa là một việc làm vừa đáp ứng được nhu cầu của khán giả vừa giúp cho Xiếc tìm được đất diễn mới và có thể trở thành một hoạt động gắn liền với chương trình giáo dục thẩm mỹ và văn hóa cho học sinh các cấp, một hoạt động ngoại khóa dễ thực hiện và chắc chắn có hiệu quả.

Bởi vì, ngồi ngay sau lưng tôi là một khán giả nhí chừng ba, bốn tuổi, con trai của một cặp vợ chồng trẻ. Chắc chắc anh chàng được sinh ra giữa đất Sài Gòn trong thời internet và chưa đi học, tất nhiên chưa hề biết đến khái niệm Làng. Vậy mà ngay khi chương trình mới bắt đầu, anh chàng đã háo hức “uống” từng động tác của diễn viên trên sân khấu và không ngớt “ý kiến” như một bình luận biên trực tiếp của đài truyền hình: “Cô leo cao zữ zậy ba? Cô đi trên lưng chú, chú có đau không ba?”. Và thông thường, lặp đi lặp lại nhất là “Hay quá, ba ơi!”, la lên rất lớn để biểu thị sự khoái trá, ngưỡng mộ tối đa của mình.

Phản ứng của khán giả nhí này khiến tôi tin rằng, nếu có một chương trình mang tầm quốc gia của ngành giáo dục với nội dung bồi dưỡng văn hóa Việt, hãy cho các em được làm quen, được thưởng thức những sản phẩm như Làng Tôi, một sản phẩm được chắt lọc từ những trái tim Việt đầy tài năng và biết yêu văn hóa Việt một cách cụ thể nhất, “quốc tế” nhất.

Ngô Thị Kim Cúc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làng Tôi – Làng Việt bên trong tôi