100 năm sau cuộc tuần hành rầm rộ của hàng ngàn sinh viên Trung Hoa ở Quảng trường Thiên An Môn, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi cuộc biểu tình được gọi là Phong trào Ngũ Tứ này.

Lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi cuộc tuần hành Ngũ Tứ năm 1919

02/05/2019, 07:43

100 năm sau cuộc tuần hành rầm rộ của hàng ngàn sinh viên Trung Hoa ở Quảng trường Thiên An Môn, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi cuộc biểu tình được gọi là Phong trào Ngũ Tứ này.

Khách tham quan nghe giới thiệu về ông Thái Nguyên Bồi - Ảnh: NYT

Theo báo New York Times ngày 29.4, trong một phát biểu nhân kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra cuộc tuần hành tại Đại lễ đường Nhân dân gần Quảng trường Thiên An Môn, ông Tập đề cao hình ảnh yêu nước của Phong trào Ngũ Tứ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói: “Lịch sử đã phát hiện rất rõ, rằng tinh thần ái quốc đã chảy trong huyết quản dân tộc ta từ thời xa xưa. Những ai không yêu nước, quá đà khi lừa bịp và phản bội tổ quốc đều là nỗi ô nhục trong mắt của tổ quốc và của thế giới. Thanh niên Trung Quốc trong thời đại cần theo đảng và trung thành với đảng”.

Sinh viên trương cờ Đoàn thanh niên Cộng sản khi tham quan Bảo tàng Tưởng nhiệm Phong trào Văn hóa mới - Ảnh : NYT

Học sinh - sinh viên Trung Hoa thà chết chứ không chịu mất nước

Phong trào Ngũ Tứ do ông Thái Nguyên Bồi, hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, khởi xướng vào ngày 4.5.1919, kéo đến cuộc tuần hành chống phương Tây đô hộ Trung Hoa, làm dấy lên tinh thần yêu nước và giúp thúc đẩy sự phát triển khoa học và dân chủ (sau này được gọi là Phong trào Văn hóa mới), và giúp lan tỏa các ý tưởng bác bỏ những truyền thống và khám phá các chủ nghĩa vô chính phủ, cá nhân chủ nghĩa, nữ quyền.

Tượng đài tưởng niệm ông Thái Nguyên Bồi ở Đại học Bắc Kinh - Ảnh : NYT

Cuộc tuần hành của sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, trí thức Trung Hoa nổ ra hôm đó, vì sau khi Thế chiến 1 kết thúc, các nước thắng trận đã ký Hiệp ước Versailles ở Paris, còn được gọi là “Hiệp ước 21 điều” vốn quy định quyền lợi của các nước phương Tây tại Trung Hoa.

Trong hiệp ước này có điều khoản chuyển giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc ngày nay) từ tay Đức cho Nhật Bản, phớt lờ quyền tự quyết của Trung Hoa Dân quốc lúc ấy.

Nhiều người Trung Hoa đã hy vọng tỉnh Sơn Đông sẽ được trả lại cho Trung Hoa, vì chính quyền nước này về phe với quân đồng minh trong Thế chiến 1.

Nhưng vì bất mãn với việc chính phủ Trung Hoa Dân quốc không thể đương đầu với các chính phủ phương Tây, nên giới học sinh - sinh viên ở Bắc Kinh xuống đường biểu tình thị uy, trương các khẩu hiệu như “Ngoại tranh quốc quyền, nội trừng quốc tặc (ngoài giành lại chủ quyền đất nước, trong trừng trị bọn bán nước).

Bản tuyên ngôn của giới học sinh - sinh viên nêu rõ mục đích của Phong trào Ngũ Tứ: “Đất đai Trung Hoa có thể bị chinh phục, chứ không thể bị cắt tặng. Nhân dân Trung Hoa có thể bị giết, chứ không thể cúi đầu. Nước đã mất rồi, hãy vùng lên hỡi đồng bào ơi!”

Phong trào lan rộng, học sinh - sinh viên của các thành phố khác hưởng ứng, tổ chức mít-tinh và biểu tình thị uy quy mô lớn. Chính phủ liền cử quân đội, cảnh sát đến đàn áp, cách chức hiệu trưởng của ông Thái Nguyên Bồi, đuổi học và bắt giữ hơn 1.000 học sinh - sinh viên.

Phản ứng lại, ngày 19.5.1919, học sinh - sinh viên bắt đầu tổng bãi khóa. Ngày 3.6.1019, giới nhà buôn, công nhân, học sinh - sinh viên cùng đông đảo tầng lớp nhân dân Thượng Hải tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa để ủng hộ học sinh - sinh viên Bắc Kinh.

Quân đội - cảnh sát lại đàn áp nhưng rồi bất lực trước làn sóng biểu tình rầm rập của các tầng lớp nhân dân. Cuối cùng, chính quyền phải thả người bị bắt, cách chức 3 nhân vật thân Nhật trong chính phủ, sau đó ra lệnh cho đoàn Trung Quốc tại Pháp không ký Hiệp ước Versailles.

Phong trào Ngũ Tứ xem như kết thúc thắng lợi đối với giới học sinh - sinh viên, dù Sơn Đông vẫn trong tay người Nhật.

Phòng triển lãm các biểu ngữ của Phong trào Ngũ Tứ - Ảnh : NYT

Trung Quốc tránh đề cập chuyện biểu tình nhân dịp kỷ niệm Ngũ Tứ

Theo Times, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày nổ ra Phong trào Ngũ Tứ, hàng triệu học sinh - sinh viên Trung Quốc đang học lại các bài học lịch sử chính thức của sự kiện, nhưng không có những gợi ý họ xuống đường biểu tình.

Trong các tiết học và các cuộc triển lãm, họ được hướng dẫn rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ bị bắt nạt nữa.

Năm nay, các trường được khuyến khích tổ chức những sự kiện kỷ niệm hiền lành, ví dụ cuộc Thanh niên Chạy bộ hưởng ứng Ngũ Tứ ở đại học Bắc Kinh. Đường chạy ngang qua Cung điện Mùa hè (từng bị quân Pháp - Anh phá tan hoang năm 1860).

Khách tham quan xem ảnh chụp Phong trào Ngũ Tứ - Ảnh: NYT

Nhiều thế hệ sinh viên Trung Quốc cũng đã được dạy từ sách giáo khoa, rằng sự kiện 4.5.1919 là khúc dạo dẫu dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hồi tháng 7.1921.

Mao Trạch Đông, một nhà hoạt động cấp tỉnh vào lúc xảy ra sự kiện thắng lợi đó, cũng mượn Phong trào Ngũ Tứ để thu hút giới học sinh - sinh viên và các nhà học giả.

Theo Times, CPC đang phải đối phó với nền kinh tế suy thoái vốn khiến có thể gây ra bất ổn xã hội. Vì thế, Các quan chức đều chỉ đạo các trường đại học cảnh giác nguy cơ có sự bất mãn xung quanh ngày kỷ niệm 4.5.1919, cùng những ngày “nhạy cảm” khác, theo các thông báo trên trang web của chính phủ.

Giáo sư Quách Vu Hoa của Đại học Thanh Hoa nói: “Ngay từ đầu năm học, họ đã nói trước với chúng tôi rằng đây không là một năm học bình thường và rất nhạy cảm, vậy thì không được nói những điều không được phép nói”.

Times cũng nêu chính quyền Trung Quốc cố gắng “bịt miệng” Giáo sư luật học Hứa Chương Nhuận, người bị Đại học Thanh Hoa đình chỉ mọi chức vụ, bị điều tra vì trong nhiều bài viết, ông đã phê phán “tệ sùng bái cá nhân” cùng các chính sách của Bắc Kinh.

Giáo sư sử học Jeffrey Wasserstrom của Đại học California (Mỹ) nói: “Việc nhắc lại sự kiện Ngũ Tứ nhằm thực hiện lời hứa của ông Tập, về một thời đại mới tự tin vào quyền lực của Trung Quốc. Quý vị có thể thấy việc kiểm soát chặt câu chuyện này có thể phục vụ cho quan điểm thời đại mới đó”.

Mỹ Trinh (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi cuộc tuần hành Ngũ Tứ năm 1919