Chiều tối 20.10, triều cường đã khiến cả khoảnh sân UBND TP.Cần Thơ bị ngập. Không cần lũ lụt hay mưa lớn, mà giờ chỉ cần triều cường, nhiều nơi trong nội ô TP.Cần Thơ đã trở thành… sông.

Lấp sông, rạch và cái giá phải trả?

21/10/2016, 11:40

Chiều tối 20.10, triều cường đã khiến cả khoảnh sân UBND TP.Cần Thơ bị ngập. Không cần lũ lụt hay mưa lớn, mà giờ chỉ cần triều cường, nhiều nơi trong nội ô TP.Cần Thơ đã trở thành… sông.

Nước ngập lênh láng ở Lotte Mart Cần Thơ

Khoảng 10 năm trước, hầu như không có chuyện nhiều con đường phố trong nội ô TP.Cần Thơ bị ngập vì triều cường như hiện nay. Nhưng giờ, hễ nước trên sông Hậu, sông Cần Thơ… dâng cao, là nhiều con đường bị ngập thê thảm.

Tất nhiên không có chuyện đất ở nội ô TP.Cần Thơ bị… hạ độ cao. Biến đổi khí hậu là một lẽ, nhưng nguyên nhân chính có lẽ do con người chúng ta. Đó là hậu quả của việc hệ sinh thái lâu nay bị con người đối xử thô bạo!

Ngày 7.9.2006, Thủ tướng đã ký Quyết định số 207/2006/QĐ- TTg về việc Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng TP.Cần Thơ đến năm 2025, trong đó quy định rõ đối với khu đô thị mới, khi san nền phải giữ lại sông, rạch để hỗ trợ tiêu thoát nước và tạo cảnh quan đô thị.

Tuy nhiên, vì muốn có mặt bằng thông thoáng, không bị chia cắt bởi các con rạch, nên một số nhà đầu tư vẫn vô tư san lấp bởi trách nhiệm quản lý các con kênh, rạch khá chung chung. Mặt khác, san lấp rạch còn “giúp” họ dôi ra một diện tích đất để chia nền, bán tiếp.

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều con kênh, rạch ở nội ô TP.Cần Thơ đã bị xóa sổ để “phục vụ” các công trình giao thông, dự án đô thị mới… hoặc bị người dân tự lấn chiếm, san lấp. Trên tuyến đường 3.2, con rạch cắt ngang cầu số 2 đã mất tích, và cây cầu này vì thế cũng bị san bằng…

Như đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, đoạn từ đường Mậu Thân đến quốc lộ 91B, khi ra đời đã kéo theo nhiều dự án xây dựng khu dân cư, trụ sở hành chính… và xóa sổ rất nhiều con rạch lớn, nhỏ.

“Hại nhiều hơn lợi”, tiến sĩ Dương Văn Ni, cán bộ khoa Môi trường (trường Đại học Cần Thơ) từng khẳng định về hệ quả của chuyện vô tư san lấp kênh rạch trong các khu đô thị.

Ông phân tích, khi san lấp một đoạn kênh, rạch, phần còn lại sẽ không còn nước lưu thông, cạn dần và sinh ra ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực. Và khi con kênh, rạch bị “xóa sổ” làm giảm diện tích trữ nước tự nhiên, lượng nước trước đây đổ vào lưu thông nay không còn đường thoát, sẽ tràn ngược trở lại vào nội ô thành phố, đô thị.

Hình dung đơn giản, thay vì hệ thống kênh rạch chằng chịt như trước đây, khi triều cường, nước sông sẽ theo nhiều hướng lan tỏa khắp nơi. Nay hệ thống kênh rạch không còn nhiều, nước trên sông chính sẽ dâng cao và theo hệ thống cống, cứ con đường nào hơi thấp là chúng tràn lên.

Chúng ta đã dùng đường phố, khu đô thị để xóa sổ kênh rạch, thì giờ kênh rạch sẽ dùng chính các khu đô thị, đường phố ấy để tạo thành… kênh rạch mỗi khi triều cường.

Lâu nay, có lẽ nhiều người cho rằng chức năng của kênh rạch chỉ là để dẫn nước tưới, nên khi đô thị hóa, nông nghiệp không còn thì lấp kênh rạch cũng chẳng sao. Họ quên rằng chức năng quan trọng của kênh rạch còn là tiêu thoát nước.

Và chuyện “linh hoạt” bằng cách đặt cống thay thế khi lấp kênh rạch, theo các nhà khoa học thì vẫn không thể so sánh với kênh, rạch tự nhiên.

“Trước đây, rạch Tham Tướng đoạn băng qua đường 30.4 được đặt cống. Nhưng do khẩu độ cống nhỏ, lượng nước lưu thông hạn chế, cộng thêm rác thải dân cư đổ xuống khiến con rạch này gần như đã “chết”, ô nhiễm kinh khủng”, ông Ni nói.

Sau đó, nhờ dự án Nâng cấp đô thị do ngân hàng thế giới tài trợ, con rạch này mới được đào xới để khôi phục lại. Và muốn nội ô TP.Cần Thơ hết ngập, không biết tốn bao nhiêu tiền để khôi phục lại những con kênh rạch xưa kia từng tồn tại?

Nguyễn Hồ

Bài liên quan
Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh khu đô thị công viên công nghệ phần mềm
TP.Hà Nội vừa ra quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu đô thị công viên công nghệ phần mềm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấp sông, rạch và cái giá phải trả?