Minh họa danh tướng Việt Nam bằng hình vẽ mang hơi hướng… truyện tranh giả tưởng cùng với những chi tiết phi lý, tập sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” vừa ra mắt hôm 5.12 gây bất bình cả với độc giả và giới chuyên môn.

Lấy nhân vật hoạt hình nước ngoài làm chân dung danh tướng Việt Nam

Một Thế Giới | 09/12/2014, 13:03

Minh họa danh tướng Việt Nam bằng hình vẽ mang hơi hướng… truyện tranh giả tưởng cùng với những chi tiết phi lý, tập sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” vừa ra mắt hôm 5.12 gây bất bình cả với độc giả và giới chuyên môn.

Không biết thì kiếm ở... Google
Cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” do NXB Văn hóa - Thông tin, Công ty sách Tân Việt và Trung tâm dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học công nghệ (CTCS) phát hành, giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp, công lao của 60 vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc. Chưa cần đọc nội dung, bạn đọc đã quá bất ngờ khi thấy các vị tướng lừng danh của lịch sử dân tộc Việt Nam như: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung - Nguyễn Huệ… được minh họa bằng những hình ảnh của truyện tranh giả tưởng, thậm chí mang dáng dấp nhân vật… game online và hình minh họa nào cũng hao hao các nhân vật trong phim chưởng… Hồng Kông. Ngoài 12 vị tướng thời hiện đại như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái… được để đúng ảnh chân dung, thì các danh tướng đời xưa đều bị “kỹ xảo hóa” với những bức ảnh (được cho là minh họa chân dung) lấy từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nhiều chi tiết cực kỳ phi lý.
Chẳng hạn như ở ngoài bìa, nhân vật Lý Thường Kiệt mặc áo giáp trụ, cầm trên tay giáo nhọn uy phong lẫm liệt, râu tóc bạc phơ, còn ở trang trong cuốn sách lại là hình ảnh một Lý Thường Kiệt hoàn toàn khác, “mày râu nhẵn nhụi”, đeo kiếm đứng hiên ngang chỉ về phía xa. Hình ảnh này vốn có trong bản thảo đầu tiên về Việt Quốc công Lý Thường Kiệt thuộc Dự án “Danh tướng Việt Nam” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội quán Di sản thực hiện vào năm 2013. Ngoài Lý Thường Kiệt, nhiều nhân vật khác như Trần Khánh Dư, Trần Quang Diệu, nữ tướng Lê Chân… cũng được khoác lên mình vẻ bề ngoài na ná các nhân vật kiếm hiệp trong tiểu thuyết Tàu.
Choáng váng hơn là bức tranh “Tây Sơn ngũ phụng thư” vẽ 5 nữ tướng nhà Tây Sơn là: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung lại 5 cô gái trẻ trung như bước ra từ bộ phim hoạt hình hay các cuốn… truyện tranh manga Nhật Bản. Theo tìm hiểu của PV Báo An ninh Thủ đô, phần lớn những bức tranh minh họa được sử dụng trong cuốn sách này là tác phẩm của nhóm tác giả Viettoon – một nhóm họa sỹ trẻ ở TP.HCM, vốn từng gây tranh cãi vào thời điểm mới ra mắt.
danh tuong Viet Nam
Tranh minh họa Lý Thường Kiệt ở bên trong cuốn sách 
Minh họa để người đọc... thư giãn (?!)
Bên cạnh những hình ảnh khó hiểu, nội dung cuốn sách cũng đặt cho chúng tôi nhiều dấu hỏi. Trước hết là tiêu chí gì để lựa chọn các vị danh tướng được đưa vào cuốn sách này? Trong khi Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới, có đóng góp lớn lao cho văn học và tư tưởng Việt Nam được xếp vào hàng ngũ danh tướng, thì những anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Lý Công Uẩn, hay các vị vua thời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… hiệu triệu sức mạnh toàn quân, toàn dân 3 lần đánh thắng giặc Mông Nguyên lại không được nhóm tác giả đề cập trong cuốn sách. Cũng trong cuốn sách này, nhóm tác giả dành đến hơn 80 trang trong tổng số hơn 242 trang sách để nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong khi những vị danh tướng khác cũng chỉ được liệt kê và trình bày trong chưa đầy một trang sách, liệu có hợp lý?
Để giải đáp những điều phi lý đó, phóng viên báo An ninh Thủ đô đã gặp và trao đổi trực tiếp với TS. Nguyễn Hoàng Điệp, người đồng chủ biên cuốn sách và được biết, tiêu chí của những người làm sách khi lựa chọn các vị danh tướng đưa vào cuốn sách là những vị tướng đã trực tiếp tham gia trận mạc, có tài cầm quân, quân sư, tham mưu chiến lược cho các trận đánh…, “không nhất thiết phải tôn vinh các vị vua”.
Khi được hỏi về việc sử dụng những hình minh họa như trên trong cuốn sách, ông Nguyễn Hoàng Điệp thẳng thắn cho biết, hầu hết những hình ảnh đó được lấy từ nguồn… Internet và ông hoàn toàn không biết đó là sản phẩm của nhóm Viettoon hay bất cứ tác giả nào. Theo lập luận của người đồng chủ biên thì: “Những bức hình minh họa có giá trị “thư giãn” cho độc giả, để độc giả không bị nặng nề bởi những trang sách dày đặc chữ, chứ hoàn toàn không “xuyên tạc lịch sử”. Việc sử dụng bức tranh Lý Thường Kiệt, ông cho rằng, “thời trai trẻ Lý Thường Kiệt cũng đã từng… có râu, trước khi trở thành thái giám bị luật tục trong cung. Họa sỹ muốn vẽ Lý Thường Kiệt “trung thực của tạo hóa”, chứ không muốn đưa lên hình ảnh ông bị những đau đớn của cuộc đời giày xéo”. Đối với trường hợp “Tây Sơn ngũ phụng thư”, thì không thể tìm được những hình ảnh của Bùi Thị Xuân và những nữ tướng của bà, những hình ảnh này chỉ mang ý nghĩa “biểu tượng” chứ không hơn.
Cách giải thích của người chủ biên sách không chỉ hồn nhiên, ngây ngô mà còn cực kỳ thiếu trách nhiệm về vấn đề bản quyền và sự trung thực lịch sử. Rõ ràng là hình ảnh minh họa cho các anh hùng dân tộc không thể bị sử dụng một cách tùy tiện và thiếu thận trọng trong một công trình nghiên cứu được coi là nghiêm túc như vậy được.

(Theo ANTĐ)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy nhân vật hoạt hình nước ngoài làm chân dung danh tướng Việt Nam