Không nhiều người để ý rằng 10/11 cầu thủ trong đội hình xuất phát của đội tuyển Mỹ ra sân trận Ghana đều mang giày Nike, trừ tiền đạo Jozy Altidore là mang giày Adidas. Việc Lee Nguyễn, cầu thủ có phong độ vào loại tốt nhất MLS bị gạt ra khỏi ĐT Mỹ được cho có liên quan đến bởi cuộc chiến giữa 2 gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất đồ thể thao.
Nike là thương hiệu thể thao được xếp vào diện “quốc hồn quốc túy” của người Mỹ giống như những thương hiệu Microsoft, Coca-Cola, Apple hay Boeing, Ford, Mc Donald’s... Đối thủ lớn nhất của Nike là Adidas đến từ nước Đức.
Nike từ nhiều năm qua là nhà tài trợ cho ĐT Mỹ và được coi là quyền lực tác động lớn đến các yếu tố hậu trường. Hầu hết các VĐV nổi tiếng của Mỹ trên các môn thể thao từ bóng bầu dục, bóng đá, bóng chày, bóng rổ, điền kinh, golf… đều được hãng Nike để ý từ khi mới nổi đến lúc thành danh.
Lee Nguyễn từng là người của Nike nhưng giờ anh đang thuộc quyền “sở hữu” của Adidas
Lee Nguyễn năm 2005 khi xuất hiện với tư cách thần đồng bóng đá Mỹ, mới 18 tuổi đã được CLB PSV Eindhoven trải thảm đỏ mời về thi đấu và năm 19 tuổi đã khoác áo ĐTQG Mỹ lần đầu tiên.
Khi còn hợp đồng với Nike thì Lee Nguyễn được hãng thể thao của Mỹ o bế chu đáo. Những đôi nào Lee Nguyễn dùng để thi đấu, Nike sẽ thêu tên viết tắt LN và số áo đấu. Đây là 2 đôi giày của Lee Nguyễn lúc thi đấu cho Becamex Bình Dương (ảnh: Đăng Khoa) |
Lúc đó Adidas đã nhảy vào ký hợp đồng Lee Nguyễn 3 năm với tài trợ giày, trang phục và số tiền 2.000 USD/tháng (24.000 USD/năm), một khoản phí được cho là thấp hơn nhiều so với Nike.
Từ năm 2012 đến nay, Lee Nguyễn được coi là người nhà của Adiddas và anh thi đấu cực kỳ ấn tượng cho CLB New England Revolution ở MLS, một điều mà Nike đã dự báo sai về tương lai của tiền vệ gốc Việt này.
Nike là ông trùm ngành sản xuất đồ thể thao ở Mỹ nhưng điều trớ trêu là họ lại thua Adidas một vố cực kỳ đau mà để cho Adidas giành được gói tài trợ độc quyền trang phục cho toàn bộ 19 CLB và bóng thi đấu tại giải MLS.
Trong bức ảnh cầu thủ Mỹ ăn mừng bàn thắng mở tỷ số của Dempsey vào lưới Ghana, rất dễ nhận ra chỉ có mỗi tièn đạo Jozy Altidore là mang giày Adidas |
Khi Altidore bất ngờ bị chấn thương ở phút 20 phải rời sân và người vào thay là tiền đạo Aron Johannsson AZ Alkamaar-Hà Lan) lại là người của Nike. Đến lúc này Mỹ đã lập một “kỷ lục” không chính thức là cả 11 cầu thủ trên sân đều mang giày Nike! Điều này chỉ thay đổi khi phút 77, Graham Zusi vào sân thay Bedoya ở phút 77 vì Zusi là cầu thủ mang giày Adidas.
Trở lại trường hợp của Lee Nguyễn bị gạt ra khỏi ĐT Mỹ dù báo chí và người hâm mộ đã lên tiếng rất nhiều vì trong những cuộc đối đấu tại MLS, đội New Enland Revolution do Lee Nguyễn dẫn dắt đã đánh bại các CLB của Clint Dempsey (Seattle Sounders), Micheal Bradley (Toronto FC), Graham Zusi (Sporting Kansas City)… Cá nhân Lee Nguyễn mùa 2014 đã 2 lần lọt vào Đội hình tiêu biểu tuần MLS và được tờ Goal.com và SBY bầu là Cầu thủ hay nhất MLS tháng Tư và tháng Năm.
Bất chấp phong độ cao từ 3 mùa giải qua, Lee Nguyễn vẫn bị gạt ra khỏi ĐT Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Phẩm, cha Lee Nguyễn, cho Một Thế Giới biết: “Tất nhiên đây là câu chuyện hậu trường, không có bằng chứng gì để báo chí bên Mỹ họ nói nhưng trong giới thể thao ai cũng hiểu Mỹ thì Nike có quyền lực rất ghê gớm. Lee Nguyễn từng là người của Nike từ lúc 18 tuổi nên chúng tôi biết Nike có ảnh hưởng ra sao ở ĐTQG Mỹ. Việc Lee Nguyễn ký hợp đồng với Adidas là cái thế chẳng đặng đừng vì Nike cho rằng Lee hết thời rồi, không còn giá trị gì với họ nữa. Ở Mỹ khi Nike ký hợp đồng với một VĐV hay nổi tiếng là ảnh hưởng đến doanh thu bán áo đấu của họ nên vào ĐTQG Mỹ không đơn giản là cầu thủ nào giỏi hay sẽ được gọi vì ngay cả HLV trưởng như ông Jurgen Klinsmann cũng là người của Nike quản lý”.
Lee Nguyễn không có cơ hội ở ĐT Mỹ tại World Cup 2014 nhưng trong tương lai gần tiền vệ gốc Việt sẽ quay lại ĐT xứ Cờ hoa bởi sức ép của người hâm mộ, báo chí Mỹ ngày càng lớn và nhất là phong độ của một số tiền vệ như Micheal Bradley, Beckerman quá mờ nhạt.
Nguyên An