Nếu như không có một chính sách đặc biệt của Đảng và quân đội dành cho những người lính chúng tôi vào thời điểm sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975 thì không có cái tít của bài viết này, không có chúng tôi – những cựu chiến binh, cựu sinh viên của Khoa Ngữ văn hôm nay, và quan trọng hơn, sẽ không có cái chất Ngữ văn Sư phạm cứ theo chúng tôi đằng đẵng, vòng vèo 40 năm, qua đủ thứ cung bậc đời người.

Lính quân đoàn vào đại học

10/11/2016, 12:30

Nếu như không có một chính sách đặc biệt của Đảng và quân đội dành cho những người lính chúng tôi vào thời điểm sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975 thì không có cái tít của bài viết này, không có chúng tôi – những cựu chiến binh, cựu sinh viên của Khoa Ngữ văn hôm nay, và quan trọng hơn, sẽ không có cái chất Ngữ văn Sư phạm cứ theo chúng tôi đằng đẵng, vòng vèo 40 năm, qua đủ thứ cung bậc đời người.

Thầy trò Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm khóa 1 (1976 - 1980)

Từ quân ngũ tới giảng đường sư phạm

Một buổi chiều ngay sau Tết Bính Thìn 1976, nắng vàng nhạt như mọi buổi chiều, những người lính Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 52 đang đóng quân ở căn cứ Đồng Dù, tụ tập ở khu vực sân bóng. Khi nhóm chúng tôi đang ngồi nói chuyện với nhau, anh Cần - Đại đội trưởng Đại đội 5 đến, nói với tôi rằng có thông tin là các em nếu đã học hết lớp 10 (hệ 10/10) có thể là đối tượng của đợt tuyển sinh đại học năm nay và sẽ được cho ra quân. Sau ít phút lưỡng lự tôi nói với anh Cần: Nếu có như vậy thì anh cho em xin một tờ đơn. Tôi điền thông tin trong lá đơn anh Cần mang đến để xin đi học ở Trường Văn hóa Quân đoàn 3, ôn thi đại học. Đây là chính sách đối với chiến sĩ quân đội sau ngày miền Nam giải phóng đủ điều kiện và còn đang là hạ sĩ quan.

Sau khi nộp đơn cho Đại đội trưởng, tôi quên bẵng đi chuyện đó. Khoảng gần một tháng sau, anh Cần nói “em đã có quyết định ra quân, em sẽ lên học ở Trường Văn hóa quân đoàn”. Có thể nói rằng sau bước ngoặt vào bộ đội năm 1971 thì đây là một bước ngoặt thứ 2 vô cùng lớn trong cuộc đời. Tôi chợt nhớ, vào khoảng giữa năm 1973, khi mà đơn vị của chúng tôi chiến đấu ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), một người đàn ông chủ nhà mà tôi trú quân nhìn tôi và nói rằng: “Ba năm nữa cháu sẽ thay đổi KBC”. Tôi không hiểu KBC là cái gì mà mãi về sau tôi mới hiểu được. KBC chính là một địa chỉ công việc, địa chỉ nghề nghiệp, thay đổi KBC là thay đổi công việc, thay đổi nghề nghiệp. Theo như lời ông chủ nhà nói thì sau 3 năm nữa tôi sẽ thay đổi nghề nghiệp!

Chẳng đáng tin lắm nhưng khi chạm việc, tôi chợt nhớ đến chuyện đó và tự nhủ: “Thử một ván”, tặc lưỡi khoác ba lô lên Trường Văn hóa Quân đoàn 3, khu vực cầu Công binh, bắc qua sông Bé ở Bình Dương, nối giữa Củ Chi với thị xã Bình Dương lúc đó.

Tôi chọn khối C Khoa Ngữ văn để thi và địa điểm tôi thi cũng là một địa điểm đặc biệt, tôi nhớ đến bây giờ - nhà thờ Kỳ Đồng ở quận 3 mà bây giờ mỗi lần vượt qua kênh Nhiêu Lộc đi qua nhà thờ Kỳ Đồng đến cơ quan báo điện tử Một Thế Giới, tôi lại nhớ nơi tôi đã thi để vào ngành Sư phạm, tự lập cho mình một sự nghiệp để làm việc, để nuôi thân suốt một đời.

Giảng đường toàn màu áo xanh bộ đội

Nếu tôi nhớ không nhầm thì hồi đó, Khoa Ngữ văn có 5 lớp A, B, C, D, E với khoảng 250 người nhưng có tới gần 200 là sinh viên bộ đội đi học. Mỗi lần sinh hoạt khoa, màu áo xanh ô liu trên nền vải ga-ba-đin Liên Xô chi phối toàn bộ. Các em học sinh phổ thông lên toàn cỡ sinh năm 1959 - 1960 nhìn các anh rất ngưỡng mộ. Các anh bộ đội học cũng chăm, để ý các em cũng nhiều. Hồi đó, số sinh viên là bộ đội thực sự đã trở thành lực lượng sinh viên nòng cốt trong tất cả các hoạt động của trường.

Sinh viên bộ đội được hưởng chính sách giá - lương - tiền khá tốt. Hình như các em sinh viên từ phổ thông lên chỉ được 4,5 đến 5 đồng học bổng, nhưng chúng tôi, "bét" nhất cũng là trung sĩ, thượng sĩ phục viên chuyển ngành. Ngoài chuyện ăn tiêu, chúng tôi còn đi mua khung xe đạp, quần áo may sẵn gửi về quê "làm thương nghiệp" giúp gia đình và thậm chí vẫn mua tích cốc phòng cơ được gần 1 chỉ vàng một tháng. Oách lắm.

Khu vực chúng tôi ở suốt 4 năm học ĐHSP, đầu tiên là địa chỉ 456 Hồng Thập Tự, sau đổi tên thành Xô Viết Nghệ Tĩnh, bây giờ là đường Nguyễn Thị Minh Khai. Sau giải phóng mới trên dưới 1 năm, những màn cướp túi xách, giật đồng hồ rùng rợn diễn ra hằng đêm. Lực lượng SBC (săn bắt cướp) và cánh giang hồ bắn nhau ầm ầm, có đêm đến 2-3 lần. Mỗi lần như thế, đám sinh viên là lính chúng tôi không ngại gì, vỗ vai nhau lao xuống đường hỗ trợ bắt cướp. Còn phần lớn thời gian đi học, chúng tôi được ở trường Đại học Vạn Hạnh cũ, 222 Nguyễn Văn Trỗi (nay là 222 Lê Văn Sỹ). Nơi đây đã ghi lại nhiều câu chuyện không thể nào quên về tình yêu của các thế hệ sinh viên Ngữ văn Sư phạm.

Bốn mươi năm đã trôi qua, tôi đã đi qua rất nhiều điểm trên đất nước mình, thậm chí đi rất nhiều nơi trên thế giới, có những nơi rất đẹp như hồ Zurich ở Thụy Sĩ, nhưng đi đến lần thứ 2, thứ 3 tôi đã cảm thấy bình thường. Trái lại, đã hàng trăm lần, mỗi lần đi qua 222 Nguyễn Văn Trỗi thì bao giờ tôi cũng có sự bồi hồi bởi chính ở đây tôi đã được các thầy cô truyền thụ để làm nên cho mình một nghề.

Những ấn tượng về thầy cô

Cho đến bây giờ, tôi tự thấy mình cũng là người có nhiều trải nghiệm, đã học thêm ở nhiều trường, nhiều ngành khác nhau nhưng ngẫm đi nghĩ lại vẫn phục các thầy cô Khoa Ngữ văn ĐHSP TP.HCM ngày ấy. Các thầy cô uyên bác, đạo đức và yêu học trò vô cùng.

Quan hệ giữa các thầy, các cô trong khoa với chúng tôi cực kỳ dễ chịu. Các thầy cô nhìn chúng tôi - mấy chú lính mà chú nào cũng có đằng sau lưng 5-6 năm chiến trận, huân chương, bệnh tật đầy người - như những người bạn, người em tin cậy. Chúng tôi, cũng thế, nói chuyện cởi mở, rất thân mật, đầy tình thương mến thương! Về sau này, tôi đã trở thành người bạn vong niên với hai thầy, thầy Đỗ Đức Huyến dạy Giáo học pháp và thầy Trần Vĩnh (nhà thơ Prekimalamak) dạy Văn học dân gian. Đến giờ tôi vẫn qua thăm các thầy, thầy trên dưới 80, trò đã bước qua lục thập, "tùy tâm sở dục"...

Đời sống của các thầy cô bấy giờ quả thật là đạm bạc. Kinh tế Việt Nam sau 1975 rất khó khăn, đạm bạc càng thêm đạm bạc. Mãi về sau, các thầy cô đã biết cách cải thiện cuộc sống, bớt phần gian nan.

Thầy Trần Vĩnh – người thầy mà trong những năm học ở trường đã quý tôi như một người anh em bởi thầy cũng là bộ đội – chúng tôi rất nhanh hiểu nhau. Cũng chính thầy là người giới thiệu để tôi trở thành một người làm báo ngay sau khi tốt nghiệp. Cái sâu xa hơn, chính là vì tôi biết được sự trăn trở, rung động của thầy trước cuộc đời.

Người thứ hai là thầy Đỗ Đức Huyến. Thầy là lứa thiếu sinh quân đầu tiên của Việt Nam đi học tại Trung Quốc. Ở Khoa Ngữ văn, thầy dạy môn Phương pháp giảng dạy văn học. Tôi tiếp cận thầy Vĩnh ở sự chia sẻ, sống giản dị và khiêm nhường, chấp nhận chịu thiệt, còn tiếp cận thầy Huyến ở góc độ thầy có kiến thức siêu việt, dễ xúc động, tinh tế và kín đáo. Thầy Huyến là một trong những người đầu tiên mở ra mô hình trường dân lập ở TP.Hồ Chí Minh, Trường dân lập Ngôi Sao do thầy sáng lập đặt ở quận Bình Tân rất nổi tiếng và rất thành công, học sinh của thầy vừa nghiêm, vừa giỏi, vừa ngoan. Đến bây giờ, do tuổi tác thầy nói năng rất khó, nhưng hễ thầy trò gặp nhau là thầy trò chuyện, chịu khó nói vô cùng.

Dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cũng là dịp kỷ niệm 40 năm ngày chúng tôi trở thành sinh viên của khoa. Nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc của các thế hệ sinh viên, trong đó có chúng tôi, dành cho khoa đã ùa về. Tôi rất muốn nói rằng, cho dù không theo nghề sư phạm để trở thành nhà giáo nhưng tôi và những bạn đã chuyển nghề mang trong mình tinh thần Khoa Văn, lãng mạn, tài hoa để vào đời. Và ở đâu, trong thời điểm nào, ở lĩnh vực nào cũng phát huy tối đa tinh thần đó, cộng với niềm tự hào Văn khoa để sống, trưởng thành và cống hiến.

Chúc Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm TP.Hồ chí Minh mãi là niềm tự hào của các thế hệ sinh viên.

ThS-Luật gia Hoàng Đại Thanh

(Khóa 2 (1976 - 1980) Ngữ văn, lớp C)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lính quân đoàn vào đại học