Các kỳ trước
Kỳ 1: Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2
Kỳ 2: Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu
Kỳ 3: Vua Trần dùng kế hoãn binh, nhà Nguyên không dám manh động
Kỳ 4: Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt
Kỳ 5: Trần Hưng Đạo cạo đầu lừa sứ giả phương Bắc
Kỳ 6: Ngại Đại Việt, Nguyên Mông xua quân đánh Chiêm Thành
Kỳ 7: Đại Việt khẳng khái từ chối yêu sách phương Bắc, bảo vệ đồng minh
Kỳ 9: Nhà Nguyên huy động nhiều quân Hán khai chiến với Đại Việt
Kỳ 10: Vì sao nhà Trần phải hỏi ý kiến nhân dân trước khi đánh Nguyên?
Kỳ 11: Giặc Nguyên đổ quân như nước lũ, Hưng Đạo vương chia tướng giữ thành
Kỳ 12: 30 vạn quân Đại Việt quyết chiến 50 vạn quân Nguyên tại Vạn Kiếp
Kỳ 13: Tướng Nguyên nướng quân dưới chân thành Thăng Long
Kỳ 14: Quân Nguyên Mông tung đòn gió, Trần Nhật Duật phá thế gọng kìm
Kỳ 15: Tướng nhà Trần không thèm ăn cơm của giặc phương Bắc
Kỳ 16: Hưng Đạo Vương xuất binh, quân Nguyên mất Vạn Kiếp
Kỳ 17: Tội của Việt gian, nước sông không rửa sạch
Kỳ 18: Nghệ thuật hành quân của nhà Trần khiến quân Nguyên thất điên bát đảo
Kỳ 19: Dùng binh pháp xưa, nhà Trần khiến quân Nguyên đói khát, hoảng loạn
Kỳ 20: Cái kết đắng của Việt gian trong cuộc chiến kháng Nguyên
Kỳ 21: Nhà Trần tung quân tinh nhuệ, quân Nguyên rơi vào thế kinh hoàng
Kỳ 22: Hưng Đạo vương tung quân sang đất Trung Quốc truy kích giặc Nguyên
1. Quân dân miền tây bắc truy kích giặc đến cùng:
Một bộ phận thứ yếu của quân Nguyên là cánh quân của Nạp Tốc Lạp Đinh vốn trước đây từ hướng Vân Nam tiến sang. Cánh quân này tuy ít nhưng khá mạnh, từng khiến Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật phải lui quân. Khi quân ta tấn công Thoát Hoan ở Thăng Long thì Nạp Tốc Lạp Đinh còn bận đóng quân ở vùng phía tây Thăng Long để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân dân vùng tây bắc dưới sự chỉ huy của các tù trưởng. Sau khi hay tin Thoát Hoan bại trận rút quân, Nạp Tốc Lạp Đinh cũng buộc phải lui binh. Do lúc này đường về Thăng Long đại quân ta đã hoàn toàn làm chủ, Nạp Tốc Lạp Đinh không còn con đường nào khác là phải rút quân theo ngã tây bắc về Vân Nam, con đường cũ mà chúng đã tiến sang. Trên đường quân giặc rút lui, tù trường Hà Đặc đã huy động quân dân bày trận tại núi Trĩ Sơn, Phù Ninh (thuộc Phú Thọ) đón đánh. Quân Hà Đặc ít và ô hợp hơn quân Nguyên của Nạp Tốc Nạp Đinh lại không có sự hiệp đồng với các cánh quân khác của triều đình đang bận diệt giặc ở vùng đồng bằng, vì vậy mà Hà Đặc dùng mưu để làm giảm nhuệ khí của địch.
Hà Đặc cho đục thân cây to bên đường mà ông đoán chắc rằng quân Nguyên sẽ đi ngang, sai người cắm những mũi tên cực lớn vào đó giả làm như là có người khổng lồ hay loại vũ khí cực mạnh nào đó bắn tên vào cây. Quân Nguyên trông thấy ngờ vực, không dám tiến lên mà cho dừng quân đóng lại Cự Đà quan sát. Hà Đặc lại sai người đem những hình nộm to lớn cầm cung tên, đến chiều tối dẫn ra dẫn vào trên núi. Quân Nguyên từ xa trông thấy, hết sức sợ hãi. Phô trương thanh thế xong rồi, Hà Đặc mới tung quân ra đánh. Quân dân dưới trướng Hà Đặc ai nấy đều hăng hái giết địch. Quân Nguyên đã khiếp vía từ trước, bị sức tấn công mạnh của quân ta thì nhanh chóng rút chạy về Vân Nam. Hà Đặc thừa thế truy kích không ngừng nghỉ. Đuổi đến A Lạp, Hà Đặc luôn đi tuyến đầu, đánh hăng quá nên bị tử trận. Quân Đại Việt ở đây mất chủ tướng, bất ngờ tình thế trở nên khó khăn, nhiều thân tín của Hà Đặc bị bắt.
Quân Nguyên dưới trướng Nạp Tốc Nạp Đinh vừa giết được chủ tướng của vùng tây bắc, tưởng đã tạm yên thân nên hạ trại nghỉ ngơi sau quãng đường dài giao tranh mệt nhọc. Em của Hà Đặc là Hà Chương nhân đêm tối trốn thoát khỏi trại giặc, trộm cả áo giáp và cờ xí của giặc chạy về với quân ta. Hà Chương lại chỉ huy quân dân gấp rút tiếp cận doanh trại quân Nguyên, quyết đánh một trận báo thù cho vị tù trưởng đã xả thân vì nước. Quân ta dùng áo giáp và cờ xí của giặc để cải trang đột nhập vào doanh trại, rồi nội ứng ngoại hợp đánh tan được giặc một trận lớn. Quân Nguyên chết rất nhiều, cắm đầu chạy về Vân Nam.
2. Trận Tây Kết lần 2, Toa Đô bỏ mạng:
Khối quân của Toa Đô vẫn còn một bộ phận khá đông đóng ở Trường Yên. Quân Nguyên ở đây hầu như đã đứng ngoài vòng chiến kể từ khi quân Đại Việt bắc tiến vì các hướng hành quân của quân ta đã chủ động bí mật chia làm hai cánh đi vòng tránh vùng kiểm soát của địch tại Trường Yên, một cánh đánh thẳng vào vùng Thiên Mạc, một cánh đánh vào Thiên Trường trong thời gian chớp nhoáng. Quân địch ở Trường Yên khi phát hiện ra quân ta thì chiến sự ở Thiên Mạc với trận Hàm Tử - Tây Kết đã định xong, vùng Thiên Trường cũng đã bị quân ta kiểm soát. Do đó mà các doanh của địch ở Trường Yên hoàn toàn bị cô lập, không thể hiệp đồng với các khối quân Nguyên khác.
Ngày 7.6.1285, vua Trần Nhân Tông cùng thượng hoàng Trần Thánh Tông đem binh thuyền đánh vào Trường Yên. Quân địch ở đây đói khát lâu dài, sức lực vốn đã vô cùng suy yếu. Quân ta với thế thắng, nhanh chóng làm chủ tình hình. Quân Đại Việt thả sức tàn sát quân Nguyên, chém đầu cắt tai giặc để dâng công nhiều không kể xiết. Hầu như toàn quân địch ở Trường Yên bị diệt gọn. Tạm thời dẹp yên được giặc trên phần lớn địa bàn vùng quê hương hoàng tộc Trần, ngày 19.6.1285 hai vua ghé về Long Hưng bái tế lăng mộ tổ tiên rồi tiếp tục hành trình chiến đấu.
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
Lại nói về Toa Đô, sau khi đại bại ở Hàm Tử quan thì chạy ra ven biển trốn tránh, đóng ở cửa biển Thiên Trường kiếm lương ăn và thu nhặt tàn quân. Vùng Thiên Trường là vùng mà Hưng Đạo vương không lâu trước đó đã đánh tan quân Nguyên và đi qua để tiến về Vạn Kiếp. Do binh lực của Đại Việt ở vùng này chỉ tập trung bố trí giữ các tuyến sông chính chứ không đủ binh lực giữ ngoài ven biển, nên Toa Đô có điều kiện đóng lại ở cửa biển để sốc lại đội ngũ. Tàn binh bại tướng của quân Nguyên ở các lộ đông nam đồng bằng sông Hồng tụ về với Toa Đô. Giữa tháng 6.1285, Toa Đô cùng Ô Mã Nhi dẫn quân liều lĩnh ngược sông Hồng, hy vọng sẽ có thể phối hợp với Thoát Hoan ở Thăng Long. Toa Đô không hề hay biết rằng, Thoát Hoan đã thua trận chạy dài về nước.
Hay tin Toa Đô ngược ra bắc, vua Trần Nhân Tông sai quân chuẩn bị trận địa ở bến Tây Kết, còn vua đóng quân ở bến Đại Mang Bộ vùng Thiên Mạc để tập kết binh lực. Quân Đại Việt thuộc khối quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc lại chia thành các nhóm nhỏ tập kích tiêu hao quân trên đường Nguyên từ Thiên Trường đến Thiên Mạc để phối hợp với vua và thượng hoàng. Quân của Toa Đô cùng cực lâu ngày, nay lại tiếp tục bị hành xác. Tổng binh giặc là Trương Hiển không chịu nổi sự uy hiếp của quân ta, đã đơn phương dẫn quân đi trước đầu hàng, được vua Trần thu nhận.Ngày 24.6.1285, đoàn thuyền của Toa Đô tiến đến bến Tây Kết. Vua Trần điều động thủy quân chặn đánh. Quân của Toa Đô tinh thần và thể chất đều suy nhược, mà ta lại dùng quân no đánh quân đói nên đã nhanh chóng chiếm thế thượng phong. Toa Đô thất thế nhưng vẫn liều chết chống trả, rốt cuộc bị quân Đại Việt chém chết tại trận.
Quân Nguyên tan rã, chạy trốn trong vô vọng. Quân Đại Việt truy kích, chém giết địch nhiều không kể xiết,bắt sống đến hơn 5 vạn tù binh. Ô Mã Nhi cùng Lưu Khuê dùng thuyền con chèo đi trốn ra biển, may mắn thoát chết. Quân ta cắt đầu của Toa Đô dâng lên cho vua Trần Nhân Tông. Nhà vua cảm phục tài trí và tinh thần chiến đấu của Toa Đô, bất giác có lòng thương cảm, nói với quần thần: “Người làm tôi phải nên như thế”. Nói xong, vua cởi áo ngoài sai quan gói đầu Toa Đô đem chôn. Nhưng ngay sau đó, vua nghe trình báo lại những tội ác tày trời mà Toa Đô đã gây ra cho dân chúng. Vốn quân của Toa Đô là quân đói khát, trong quân lại có những kẻ xuất thân tù tội nên đi đến đâu đều thả sức cướp bóc, tàn phá, giết người không ghê tay. Trong các cánh quân Nguyên, quân của Toa Đô là tàn hại nhân dân dữ dội nhất. Vua nghe qua hết sức căm giận bèn sai quân lấy đầu Toa Đô tẩm dầu mà đốt đi để an ủi vong linh những nhân dân đã tử nạn trước gót xâm lăng.
3. Lưu danh sử sách:
Như vậy là sau quãng thời gian chừng nửa năm ròng chiến đấu dũng cảm, quân dân Đại Việt đã quét sạch hơn 50 vạn quân Nguyên Mông xâm lược khỏi bờ cõi, bảo vệ được nền độc lập của đất nước. Thắng lợi này có được là do nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết là do từ vua đến dân trên dưới một lòng. Nhận xét về chiến thắng, sử gia các đời đã có những lời hay khác nhau.
Ngô Thì Sĩ khen ngợi chiến lược chung của vua tôi nhà Trần trong sách Việt Sử Tiêu Án rất xác đáng: “Mỗi lần có tin báo quân Nguyên sang cướp, thì tất là Vua thân hành ra ngoài trông coi quân, khi đi đông, đi tây, không đi nhất định đường nào, khi ở trên bộ, khi ở thủy không đóng nhất định ở đâu, đó không phải là rát, là vì Vua ở bên ngoài, thì dễ hiệu triệu thiên hạ. Cổ lệ lòng hăng hái của quân sĩ, chư tướng thì tiện việc tâu xin mệnh lệnh, tam quân thì vui lòng xông pha, lính tráng đều là quân của nước, của nhà giàu là của nước, có cơ hội nào thì cổ động quân sĩ xông vào trước, gặp tình thế không may thì tùy tiện mà chống giữ; khi tiến quân thì nhanh như chớp nhoáng, khi lui về thì như rồng rắn ẩn thân, giặc không biết đâu mà lường đạc được, nếu chỉ nấp giữ ở trong thành, thì địch coi đó là sào huyệt, chúng sẽ chặn đường không cho vận lương đến, và giữ viện binh không vào được, đến nỗi lương hết, lực cùng, chả nguy lắm sao. Có tin giặc đến mà Vua lập tức đi ra ngoài, đó là kỳ kế, liệu sức giặc và tính cách đánh của nhà Trần”.
Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc sử quán nhà Nguyễn thì nhấn mạnh ở việc trọng dụng người tài: “Lúc bấy giờ nhà Nguyên mới nổi lên, khí thế rất ngang ngược. Nhà Trần cũng may gặp lúc mới nổi lên, được các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và tướng văn tướng võ phần nhiều người tài, mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước. Chứ nếu gặp người khác thì chưa biết thế nào”.
Vĩ thanh: Bài học về nghệ thuật quân sự, rộng hơn là nghệ thuật giữ nước trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 là rất lớn lao và quý báu. Ngoài việc đút kết được rất nhiều kinh nghiệm cho quân dân nhà Trần tiếp tục chiến đấu với đế chế Nguyên Mông những năm về sau, những kinh nghiệm về chuẩn bị và tiến hành chiến tranh vệ quốc trong cuộc chiến này còn được rất nhiều thế hệ sau của dân tộc Việt Nam vận dụng. Mong rằng qua loạt bài này, mỗi độc giả sẽ có được những sự nhìn nhận riêng của mình về cuộc chiến, đồng thời rút ra được những bài học bổ ích và cùng nhau hun đúc tinh thần yêu nước.
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất