Một loài gặm nhấm đặc hữu tại Úc đã trở thành nạn nhân của sự tuyệt chủng đầu tiên trong Lớp thú (động vật có vú) vì biến đổi khí hậu.
Một loài chuột nâu nhỏ, sống trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi phía bắc nước Úc là động vật có vú đầu tiên trên thế giới bị tuyệt chủng do "biến đổi khí hậu do con người gây ra", chính phủ Úc thông báo.
Bramble Cay melomys là một loài gặm nhấm đặc hữu sinh sống trên một hòn đảo san hô nhỏ trên rạn san hô Great Barrier, rộng khoảng 5 ha, tại eo biển Torres, giữa bang Queensland (Úc) và Papua New Guinea.
Theo một báo cáo được công bố bởi Đại học Queensland năm 2016, loài động vật có vú này đã không được nhìn thấy trong gần 10 năm và được cho là đã tuyệt chủng bất chấp những nỗ lực bảo tồn "toàn diện".
Nguyên nhân tuyệt chủng của loài này là "gần như chắc chắn do sự ngập lụt đại dương", khi mực nước biển dâng cao trong những năm vừa qua dẫn đến chúng "mất môi trường sống nghiêm trọng", theo báo cáo của Đại học Queensland.
"Đây không phải là một chuyện nên xem nhẹ. Khi một loài nào đó được liệt kê là tuyệt chủng, về cơ bản thì chúng sẽ không nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào nữa", ông Geoff Richardson, trợ lý Bộ trưởng môi trường và năng lượng Úc nói với Thượng viện nước này.
Có hàng trăm con Bramble Cay melomys trên hòn đảo hồi những năm 1970. Nhưng số lượng loài này nhanh chóng giảm sau đó. Năm 1992, số lượng loài gặm nhấm này giảm mạnh đến mức chính quyền bang Queensland đã xếp loại loài này vào tình trạng nguy cấp. Tuy nhiên, bất chấp việc đưa loài này vào bảo tồn thì chúng vẫn tuyệt chủng, điều đó là không thể tránh khỏi do sự biến đổi khí hậu toàn cầu khiến chúng mất đi môi trường sống của mình.
Nhiều người đã chỉ trích rằng việc loài Bramble Cay melomys tuyệt chủng cho thấy chính quyền Úc thiếu đầu tư ngân sách trong công tác bảo tồn động vật hoang dã cũng như hoạt động bảo tồn này không hiệu quả.
"Sự tuyệt chủng của loài Bramble Cay melomys chắc chắn là một thảm kịch", thượng nghị sĩ đảng Greens bà Janet Rice, người đang chủ trì một cuộc điều tra của thượng viện về cuộc khủng hoảng tuyệt chủng tại Úc tuyên bố.
"Sự nghiện than (chính sách mở rộng khai thác than đá) của đảng Lao động và đảng Tự do là bản án tử hình đối với nhiều động vật bị đe dọa khác của chúng tôi", bà Rice nói, chỉ trích chính sách khai thác tài nguyên khoáng sản của các đảng lớn tại Úc.
Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, gần 8% tất cả các loài trên toàn thế giới có thể bị tuyệt chủng, theo một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Connecticut cho biết. Úc, New Zealand và Nam Mỹ được coi là những nơi có nguy cơ ảnh hưởng cao nhất.
Ái Vi (theo CNN)