Việc Nga bị cáo buộc hacking (tấn công mạng) vào tiến trình bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ứng cử viên Donald Trump đang là vấn đề nóng trong đời sống chính trị Mỹ, cho dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa là vị tổng thống thứ 45 sẽ nhậm chức và thực thi quyền lực của mình. Tổng thống đắc cử Donald Trump và cộng đồng tình báo Mỹ đã có nhiều tranh cãi xung quanh sự việc này.

Loay hoay với hacking Nga, Washington đã phải trả giá

14/01/2017, 00:42

Việc Nga bị cáo buộc hacking (tấn công mạng) vào tiến trình bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ứng cử viên Donald Trump đang là vấn đề nóng trong đời sống chính trị Mỹ, cho dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa là vị tổng thống thứ 45 sẽ nhậm chức và thực thi quyền lực của mình. Tổng thống đắc cử Donald Trump và cộng đồng tình báo Mỹ đã có nhiều tranh cãi xung quanh sự việc này.

Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan

Theo Bloomberg ngày 5.1.2017, khi thể hiện quan điểm về sự bất đồng giữa tân Tổng thống Trump và các cơ quan tình báo Mỹ về việc Nga hacking vào tiến trình bầu cử Mỹ, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng không có ai thắng trong cuộc xung đột này mà chỉ có nước Mỹ thất bại mà thôi. Và đặc biệt là người dân Mỹ rất thất vọng về sự việc này.

Người dân Mỹ thất vọng với chính quyền về khả năng bảo vệ sự an nguy của đất nước

The New York Times năm 1987 từng bình luận rằng: "Hoa Kỳ sẽ chỉ có thể sụp đổ từ bên trong với một sự yếu kém của lực lượng rường cột quốc gia, nghĩa là một sự lệch pha giữa sức mạnh cứng với sức mạnh mềm trong cấu thành sức mạnh quốc gia” và theo Politico ngày 7.1.2017 thì thực tế của lời bình ấy dường như đang hiển hiện trên đất nước Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, với một người có quan điểm bảo thủ và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, thậm chí có phần cực đoan như Donald Trump thì không dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của Moscow, nếu như niềm tin vào chính phủ Hoa Kỳ không bị sụt giảm trong công chúng Mỹ. Quan điểm giữa Donald Trump và Vladimir Putin – một người có tham vọng tái lập đế chế Nga – không thể gặp nhau nếu không có xúc tác là sự lệch pha trong xã hội Mỹ.

Sự thân thiện của bộ đôi Putin - Trump được xem là cơ sở cho việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump

Còn theo Politico thì không phải tâm lý thân Nga là phổ biến trong xã hội Mỹ, nhưng trong số những người ủng hộ Trump đã hình thành nên hiệu ứng “bảo vệ Putin”. Chẳng hạn khi nhà lãnh đạo Nga bị cáo buộc đứng sau việc sát hại một nhà báo thì những người “bảo vệ Putin” đã ngay lập tức bôi xấu Mỹ: Tôi nghĩ rằng ở đất nước chúng ta đã không ít người bị giết như vậy”.

Đây là một thực tế nguy hiểm đối với giới tinh hoa trong xã hội Mỹ - thành phần luôn xem nền dân chủ phương Tây là cốt lõi tinh túy hình thành nên giá trị Mỹ. Và giới chính trị truyền thống - thành phần cốt lõi của giới tinh hoa - đang tìm cách hạn chế tới mức thấp nhất tác hại từ hiệu ứng “bảo vệ Putin” trong xã hội Mỹ qua điều tra việc Nga hacking vào tiến trình bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng: “Một cuộc tranh cãi công khai giữa tân tổng thống và cộng đồng tình báo về việc hacking của Nga không giúp cho bên nào chiến thắng. Song điều đó lại khiến sự việc trở thành vấn đề chính trị hơn là vấn đề tình báo và nó càng khiến cho công chúng Mỹ mất niềm tin vào khả năng của ngành hành pháp trong việc bảo vệ lợi ích sống còn của quốc gia”.

Theo phân tích của Politico, với việc Nga điều khiển tinh tế các phương tiện truyền thông Mỹ với các tin tức giả được lấy cắp từ email của các tổ chức cá nhân nằm trong mục tiêu phá hoại của Moscow. Điều đó đã gieo những hạt giống xấu vào trong lòng xã hội Mỹ. Từ đó khiến cho người dân Mỹ không chỉ chia rẽ sâu sắc bởi khác biệt văn hóa và địa lý, mà các nghiên cứu mới cho thấy người dân Mỹ ngày càng hoài nghi về tầm quan trọng của dân chủ.

“Một phần của chương trình nghị sự của ông Putin là để thuyết phục người Mỹ rằng thể chế dân chủ của chúng ta không còn đáng tin cậy. Dựa vào sự khác biệt sâu sắc về tư tưởng và văn hóa, Putin gieo vào lòng người dân Mỹ rằng sự hiệp nhất của nước Mỹ vẫn còn đang thử nghiệm, nguyên lý hiệp nhất của Mỹ chưa thể hoàn thiện”, Politico bình luận.

Washington dựa vào “tài liệu xã giao” làm cơ sở quyết định trừng phạt ngoại giao Nga?

Cơ quan tình báo Mỹ - mà trực tiếp là CIA - luôn khẳng định Kremlin thực hiện hacking vào tiến trình bầu cử Mỹ, song lại không thể chứng minh tính xác thực của thông tin mà họ dùng làm cơ sở để cáo buộc đối thủ.

Viện lý do “vì bí mật quốc gia” nên Cơ quan tình báo Mỹ không thể trưng ra hết chứng cứ để chứng minh sự việc mà chỉ đưa những nhận định, đánh giá với kết luận là “đáng tin cậy” hay “tin cậy ở mức độ cao”. Ngay cả Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ và Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cũng chỉ có được báo các với những nhận định kiểu như vậy.

Tuy nhiên, phía sau lý do “vì bí mật quốc gia” ấy là một sự thật động trời. Đó là tình báo Mỹ không thể, hay nói đúng hơn là không dám kết luận chắc chắn Nga hacking vào bầu cử Mỹ bởi tài liệu mà họ dựa vào đó để phân tích và rút ra kết luận không phải của họ. Các tài liệu mà tình báo Mỹ sử dụng làm chứng cứ là của các cựu quan chức tình báo Anh cùng những tổ chức điều tra độc lập cung cấp cho họ, theo thông tin của The Washington Post ngày 11.1.2017.

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper nhận diện sự thất bại của nước Mỹ trong việc tranh cãi quanh hacking Nga

“Giới chức Mỹ nói rằng tài liệu chứng minh sự can thiệp của Nga không dựa trên dữ liệu thu được thông qua các kênh thông tin truyền thống của tình báo Mỹ, mà các nghiên cứu được thực hiện bởi một thực thể bên ngoài tham gia vào việc tư vấn chính trị, dẫn đầu bởi một cựu quan chức cao cấp của tình báo Anh. Các tài liệu đó lần đầu tiên được đề cập trong một báo cáo của Mother Jones - một tổ chức điều tra tin tức độc lập - hồi tháng 10.2016”.

The Washington Post dẫn lời một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ, phụ trách việc điều tra vụ việc Nga hacking vào bầu cử Mỹ cho biết, báo cáo mật gửi đến Tổng thống Obama và Tổng thống đắc cử Trump tóm tắt cáo buộc tình báo Nga đã tiếp cận thông tin về tài chính và đời sống cá nhân của tân Tổng thống Trump là chưa xác nhận được độ tin cậy của nguồn tin.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ đã tiếp cận với các tài liệu trên thì các cáo buộc được diễn giải nhằm nhấn mạnh rằng Nga dường như đã thu thập thông tin của cả hai ứng cử viên, nhưng lại chỉ tung ra tài liệu có thể gây tổn hại cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Điều đó được các cơ quan tình báo Mỹ xem là động cơ của Nga tìm cách giúp Trump chiến thắng.

“Việc đưa những cáo buộc vô căn cứ như vậy trong báo cáo về cuộc bầu cử tổng thống là rất đáng lo ngại với những người quan tâm về nỗ lực của Nga phá hoại nền dân chủ Mỹ. Nó tạo thêm một bước ngoặt kỳ lạ nữa cho một mùa bầu cử vốn đã rất lạ. Nó gây phiền toái cho Tổng thống mới đắc cử Donald Trump khi ông đang cố gắng củng cố và khởi động chính quyền mới của ông”, The Washington Post bình luận.

Nhiều người trong giới chức Mỹ cho rằng trong khi FBI vẫn chưa khẳng định được tính chính xác của các cáo buộc thì cộng đồng tình báo Mỹ đã đánh giá các nguồn tin được cung cấp bởi các công ty điều tra tư nhân là đáng tin cậy và họ dựa vào đó để khẳng định rằng tình báo Nga đã xâm phạm đời tư của ông Trump.

Theo The Washington Post thì những hồ sơ được biên soạn bởi các cựu quan chức tình báo Anh đã được lưu hành tại Washington trong nhiều tháng chứ không có gì bí mật cả. Việc tổng hợp bắt đầu vào giữa năm 2016, rồi được bổ sung trong và sau chiến dịch tranh cử. Báo cáo gồm những cáo buộc chi tiết rằng người Nga giữ tài liệu về Trump khi ông đến thăm Moscow năm 2013 chuẩn bị một cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và trong một chuyến thăm Nga trước đó.

Trước thực tế đó, một số cơ quan báo chí, trong đó có The Washington Post, đã cố gắng để khẳng định rằng các cáo buộc không thuyết phục, nhưng không được cơ quan tình báo Mỹ chấp nhận. Theo một viên chức Mỹ thì ông Trump cũng biết tài liệu đó nhưng vì nó chỉ được xếp vào dạng "tài liệu xã giao" nên ông không quan tâm. Nhưng không ngờ người ta lại dùng nó để gây cản trở cho việc nắm giữ và thực thi quyền lực của ông.

Trước thông tin mới nhất này, các nhà lập pháp cao cấp - những người đã nhận được báo cáo từ cơ quan tình báo Mỹ - đều từ chối bình luận. Cả CIA và Nhà Trắng cũng chưa thể lên tiếng về sự kiện này. Theo Politico, thay vì chỉ trích đối thủ thì chính quyền Mỹ cần thẩm định lại khả năng của mình, tại sao lại để cho đối thủ có thể thực hiện được hành động của họ.

Theo Politico ngày 7.1.2017 thì 30 năm trước (năm 1987) đài truyền hình ABC đã có thông điệp cảnh báo rằng, kẻ thù chỉ thao túng được nước Mỹ khi người Mỹ tạo cơ hội cho họ, tiếc là lời tiên tri ấy không được người Mỹ, cụ thể là chính quyền Mỹ, lưu tâm. Thậm chí thông điệp ấy còn bị xem là sự kích động cho một cuộc đảo chính không đổ máu tại nước Mỹ, để đến ngày hôm nay nó đã trở thành thảm hoạ trong niềm tin của người dân tại xứ cờ hoa.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loay hoay với hacking Nga, Washington đã phải trả giá