Theo quy hoạch, Long An sẽ phát triển trên cơ sở hình thành 1 trung tâm chính trị - hành chính (TP.Tân An), 2 hành lang chiến lược phía Đông, phía Nam để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và 1 vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Long An giữ quy hoạch phát triển 2 hành lang chiến lược phía Đông và phía Nam

Hồ Đông | 15/04/2022, 13:26

Theo quy hoạch, Long An sẽ phát triển trên cơ sở hình thành 1 trung tâm chính trị - hành chính (TP.Tân An), 2 hành lang chiến lược phía Đông, phía Nam để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và 1 vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh ủy Long An vừa xem xét, thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về định hướng tổ chức không gian và phân vùng chức năng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết, tỉnh tiếp tục giữ định hướng phân thành 3 vùng quy hoạch, trên cơ sở đó, phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng vùng, theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu phát triển; cụ thể gồm (1) Vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biên mậu và du lịch sinh thái (các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười); (2) Vùng đệm phát triển (huyện Đức Huệ và Thủ Thừa); (3) Vùng phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại - dịch vụ (các huyện còn lại và TP.Tân An).

long-an.jpg

Theo quy hoạch, Long An sẽ phát triển trên cơ sở hình thành 1 trung tâm chính trị - hành chính (TP.Tân An), 2 hành lang chiến lược phía Đông, phía Nam để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và 1 vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, định hướng phát triển 3 vùng đô thị (vùng đô thị phía Đông, vùng đô thị phía Tây, vùng đô thị phía Bắc) và 6 trục động lực: Vành đai 4 của TP.HCM, Đường tỉnh 827E (ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thiện sau năm 2025); trục động lực Đức Hòa - Đức Huệ, đường song song Quốc lộ 62, trục động lực Lương Hòa - Mỹ Quý Tây (đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 và hoàn thiện sau năm 2030); trục Quốc lộ N1, đoạn qua các huyện Đức Hòa - Đức Huệ - Thạnh Hóa - Mộc Hóa - Kiến Tường - Vĩnh Hưng - Tân Hưng (đầu tư hoàn thành giai đoạn sau năm 2030). 

Về định hướng phát triển một số ngành, Long An sẽ ưu tiên quy hoạch phát triển dịch vụ logistics, giáo dục, y tế tại các địa phương có thể tận dụng và phát huy được lợi thế dựa vào 2 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh và đón đầu cung cấp dịch vụ cho 2 sân bay quốc tế (Tân Sơn Nhất và Long Thành).

Ngoài ra, Long An cũng ưu tiên quy hoạch phát triển dịch vụ, đô thị sinh thái và không mở rộng quy hoạch phát triển công nghiệp cặp theo sông Vàm Cỏ Tây và sông Vàm Cỏ Đông (giữ nguyên hiện trạng và có lộ trình cắt giảm phù hợp diện tích đất công nghiệp); tập trung rà soát, tái cơ cấu lại các dự án, nhất là các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và bền vững; quan tâm đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Long An để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười.

Để quy hoạch hoàn thành đúng tiến độ, Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu các nội dung góp ý tại hội nghị. Trong đó, rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp đảm bảo khả thi, phù hợp với đặc điểm, định hướng phát triển và lộ trình phù hợp; riêng chỉ tiêu đất quốc phòng - an ninh phải tuân thủ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 9.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở đó, tổ chức lấy ý kiến trong cộng đồng và các Bộ, ngành liên quan trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch Quốc gia trong tháng 4.2022; hoàn chỉnh thông qua HĐND tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Long An giữ quy hoạch phát triển 2 hành lang chiến lược phía Đông và phía Nam