Tháng 8 này, Long An bước vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch nên việc thu hoạch, vận chuyển và hoạt động của các kho thu mua gặp rất nhiều khó khăn.
Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ cho biết Long An hiện là tỉnh trồng nhiều thanh long nhất ĐBSCL, với diện tích hơn 12.000ha, sản lượng thu hoạch từ 350.000 - 400.000 tấn/năm. Trong đợt thu hoạch tháng 8.2021 này, ước sản lượng khoảng 15.000 tấn, nhưng gặp phải lúc giãn cách chống dịch nên việc vận chuyển, thu mua, phân phối, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Để giúp nông dân tiêu thụ hết sản lượng, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Hiệp hội Thanh long Long An đã phối hợp huyện Châu Thành, tập trung mọi giải pháp tháo gỡ để giảm bớt khó khăn, giảm thua lỗ cho nông dân. Cụ thể, tỉnh Long An cho phép các cơ sở thu mua thanh long từ ngày 2.8 được thu mua, cho công nhân đóng gói, lưu kho tạm trữ hoặc cung ứng ra thị trường với điều kiện các cơ sở này phải chấp hành đúng quy định vệ sinh phòng dịch theo Chỉ thị 16.
Ông Nguyễn Văn Náo, người trồng 2.000m2 thanh long ở ấp 5, xã Phước Tân Hưng, H.Châu Thành cho biết: “Hơn 2 tấn thanh long thu hoạch đã 2 ngày vẫn chưa bán được do các cơ sở thu mua đóng cửa. Được tin địa phương cho phép các cơ sở mở cửa thu mua trở lại, gia đình tôi rất mừng. Mặc dù giá thanh long ở mức thấp 6.000-7.000 đồng/kg nhưng bán hết cũng thu lại được nửa số vốn đầu tư".
Cũng theo bà Châu Thị Lệ, hiện nay Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Hiệp hội Thanh long Long An tìm mọi biện pháp để tiêu thụ hết thanh long của nhà vườn. Tỉnh Long An đã đề nghị Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ, và được tổ công tác kết nối hệ thống bưu điện các tỉnh tham gia tiêu thụ, Công ty Vina T&T cam kết hỗ trợ tiêu thụ, Big C và Bách hóa xanh đề nghị chào giá mới hợp lý sẽ có thể tăng lượng mua; vận động các kho hoạt động hết công suất để thu mua dự trữ...
Ngày 1.8, Hiệp hội Doanh nghiệp Long An đã kêu gọi toàn thể doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài địa bàn tỉnh, với tinh thần “tương thân tương ái”, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ người trồng thanh long vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Với vai trò là cầu nối, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ thanh long, Hiệp hội làm đầu mối trực tiếp tiếp nhận đơn hàng và tiếp nhận tiền hỗ trợ của doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ mua thanh long của bà con để chuyển hỗ trợ các địa phương vùng dịch.
Ngoài việc vận động như trên, Sở Công Thương cũng đã kết nối thị trường các tỉnh ĐBSCL, vận động các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân và những nhà hảo tâm... mua thanh long để tặng cho những bệnh viện đang chống dịch, mua thanh long để biếu tặng cho người dân trong thời khắc khó khăn của dịch bệnh... Tất cả các kênh nói trên đang phát huy hiệu quả.
Để tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua, các kho thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh và huyện sẽ áp dụng các biện pháp sau: chủ cơ sở thu mua thanh long tổ chức test nhanh, 3 ngày 1 lần, cho toàn bộ người trong chuỗi thu gom, vận chuyển, xử lý, vận hành kho trữ thanh long. Chủ cơ sở thu mua thanh long cam kết và bảo đảm thực hiện quản lý người lao động theo nguyên tắc “từ kho về nhà trọ, nhà trọ đến kho”.
Người lao động thu hoạch thực hiện nghiêm 5K, sau vụ thu hoạch UBND huyện sẽ tổ chức test nhanh kiểm tra để ngăn ngừa mầm bệnh. Chủ cơ sở thu mua thanh long cam kết và thực hiện khử khuẩn các kho, huy động các kho thu mua, xử lý, trữ bảo quản và xúc tiến kết nối đầu ra. Sau đợt thu hoạch, chủ cơ sở thu mua thanh long cam kết và tổ chức test kiểm tra người lao động trước khi kết thúc.
Chiều 1.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An (CDC) đã quyết định hỗ trợ cho huyện Châu Thành 10.000 bộ kit test nhanh để xét nghiệm cho người lao động thu hoạch thanh long, vận chuyển và người lao động tại các kho vào sáng 2.8 để kịp tiến độ thu hoạch và tiêu thụ 15.000 tấn thanh long.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết do diện tích và sản lượng thanh long rất lớn, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, nên khi xảy ra dịch bệnh và thị trường Trung Quốc “dội chợ” thì trái thanh long gặp khó. Trước mắt, Long An đa dạng các kênh tiêu thụ, thông nguồn và tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua, lưu kho tạm trữ. Bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, Long An cũng đẩy mạnh việc xuất khẩu qua các thị trường trước đây như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, châu Âu... Khó khăn tạm thời hôm nay, hy vọng sẽ dần dần qua đi khi dịch bệnh bắt đầu giảm và hết giãn cách xã hội.