Nhìn lại quãng thời gian qua mới thấy rằng sự gắn bó của mình với trường cũng đã khá lâu. Làm lâu quá ở một cương vị, một vị trí chưa chắc đã tốt nhưng đối với tôi, tôi vẫn thấy mình rất tâm huyết với công việc này vì nó có ích cho mọi người, cho xã hội.
Đâu là khó khăn lớn nhất mà GS phải đối mặt trong quá trình điều hành trường?
Khó khăn lớn nhất trong quá trình quản lý theo tôi là phải luôn luôn đổi mới. Ví dụ như các quy trình đào tạo, chương trình đào tạo. Nguyên tắc để tiếp cận các vấn đề khoa học cần phải nhanh nhạy để thích hợp với sự thay đổi của đời sống, xã hội đang vận động rất nhanh từ việc toàn cầu hóa; hội nhập kinh tế quốc tế đến những chuyện về hoạt động tư pháp, lập pháp…
Mỗi lần muốn tích cực cải tiến một việc gì tôi phải thuyết phục anh em rất nhiều. Để thuyết phục được mọi người, mình phải chứng minh được nếu mình không đổi mới là sẽ tụt hậu và như vậy thì sẽ mất vị thế là trường hàng đầu ngay. Khi đưa ra một chủ trương nào, tôi phải chứng minh được sự cần thiết của chủ trương đó. Làm sao để cấp dưới là những anh em thân tín chấp nhận sự thay đổi vì mỗi lần đổi mới là khó khăn bởi ai cũng đã quen với công việc cũ…
Có phải lúc nào thuyết phục cũng thành công, thưa GS?
Có những lúc tôi gần như phải vừa thuyết phục, vừa quyết liệt trong các quyết định. Đồng thời, phải suy nghĩ đến việc mình phải chịu được trách nhiệm toàn bộ cho những thay đổi đó.
May mắn đến thời điểm này, anh em vẫn rất hiểu vì thấy rằng những cải tiến đó là đúng. Nó vừa tốt cho trường, tốt cho sinh viên, vừa tốt cho những người liên quan… Đến bây giờ mình vẫn nhận được sự đồng thuận của mọi người, đó là điều quan trọng của một người quản lý.
GS-TS Mai Hồng Quỳ (thứ 6 từ trái sang) với các nữ tiến sĩ của trường tại một hội thảo đào tạo sau ĐH
Nguyên tắc của GS trong lãnh đạo là gì?
Không né tránh trách nhiệm chính là nguyên tắc của người đứng đầu. Có người ra quyết định nửa vời, khi gặp chuyện thì tránh né. Tôi không như vậy. Những gì khó khăn nhất, cần chịu trách nhiệm thì tôi nhận lấy. Đó là quan điểm quản lý của tôi.
Trong hoạt động quản lý, khi gặp khó khăn mình là người phải tháo gỡ. Luôn suy nghĩ để có giải pháp cho cấp dưới, chứ không phải đánh đố người ta. Cấp dưới sợ nhất là lãnh đạo nói chung chung, không biết lãnh đạo muốn như thế nào.
Tôi tự nhận mình nóng tính nhưng không vì vậy mà cấp dưới tránh mặt, không gần gũi. Khi gặp chuyện gì khó người ta hỏi mình, chứ không có né mình. Điều mà tôi thấy mình làm được là được sự tín nhiệm của anh em.
GS có đánh giá gì về sự phát triển của trường ĐH Luật TP.HCM trong thời gian qua và chia sẻ các dự tính trong thời gian tới?
Cơ sở vật chất trong những năm trở lại đây có sự phát triển vượt bậc, đó là sự cố gắng của tập thể cán bộ, giảng viên của trường. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ triệt để của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND TP.HCM và chính quyền các cấp. Sắp tới đây sẽ triển khai xây dựng cơ sở mới ở Q.9, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo bước đầu triển khai.
Thế còn chất lượng đào tạo và đầu ra thì như thế nào thưa GS?
Về chuẩn đầu ra nhà trường đã xác định, công bố từng năm và được cập nhật thường xuyên. Ngoài kiến thức pháp luật và xã hội, trường đặc biệt quan tâm đến kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và các kỹ năng hoạt động xã hội. Sinh viên các chuyên ngành phải có chuẩn ngoại ngữ tương thích. Là trường luật, bên cạnh việc học luật, vấn đề đạo đức luôn được chú trọng. Học luật và thực thi pháp luật với sự công tâm là 2 phạm trù phải đi kèm.
Là trường hàng đầu đào tạo cử nhân luật, nhưng hành nghề luật sư hiện nay gặp nhiều khó khăn, ý kiến của GS như thế nào?
Trước hết mọi người hãy nhìn nhận đúng về các cử nhân luật. Đào tạo cử nhân luật ra trường không chỉ làm luật sư. Có tới gần 50 chức danh tư pháp mà cử nhân luật có thể tiếp cận trong mọi lĩnh vực của đời sống. Các cử nhân luật có thể trở thành chuyên viên pháp chế của các doanh nghiệp, có thể làm chuyên viên pháp lý của các bộ phận về nhân sự, làm trong các cơ quan công quyền như UBND các cấp, HĐND các cấp, tòa án, công an… Mọi người phải hiểu rằng, trường ĐH Luật không chỉ đào tạo luật sư mà chúng tôi đang đào tạo các chuyên gia pháp lý.
Nhưng trong tất cả, nghề luật sư vẫn được xã hội quan tâm nhất. GS có trăn trở gì với nghề luật sư tại Việt Nam hiện nay?
Hành nghề luật sư ở Việt Nam có nhiều khó khăn. Số luật sư tính trên đầu người dân hiện nay rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều luật sư ở một số địa phương tăng lên bất thường, dẫn đến thiếu địa bàn hoạt động. Mong muốn của chúng tôi là các đoàn luật sư tăng cường hoạt động, tăng cường giáo dục đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và luôn giữ vững tư cách của người luật sư.
Về các lĩnh vực tố tụng, tranh tụng, tôi cũng mong muốn rằng pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc. Luật ở Việt Nam không phải là dở mà vấn đề là thực thi như thế nào.
Xin cảm ơn GS!
Thảo Hương (thực hiện)