Tôi thấy mình thật bất lực nhưng cũng không biết cần phải làm gì thêm để đáp ứng được với sự tin cậy của nhân dân", đại biểu Quốc hội - GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Đại biểu QH Nguyễn Lân Dũng: 'Tôi thấy bất lực mà không biết phải làm gì!'

23/03/2016, 15:43

Tôi thấy mình thật bất lực nhưng cũng không biết cần phải làm gì thêm để đáp ứng được với sự tin cậy của nhân dân", đại biểu Quốc hội - GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về những trăn trở trong các nhiệm kỳ đại biểu quốc hội đã qua của mình, cũng như những bức xúc của nhân dân hiện nay.
"Hoan nghênh GS" nhưng... "không có gì phải xem xét lại"!
- Trong các nhiệm kì đã qua của mình, GS còn cảm thấy day dứt, trăn trở với những điều gì? Những vấn đề nào GS lên tiếng giúp cử tri nhưng hiện nay vẫn chưa được xử lý rốt ráo?

Trong ba nhiệm kỳ Quốc hội Khoá X, XI,XII tôi đã cố gắng phản ánh được trên diễn đàn Quốc hội những bức xúc trong từng năm của nhân dân và được đông đảo cử tri cả nước hoan nghênh.

Ngoài ra tôi thường xuyên tiếp tại nhà riêng rất nhiều cử tri, không chỉ cử tri nơi tôi ứng cử mà bất kỳ cử tri nào tìm đến mình, đông nhất vẫn là cử tri Hà Nội (họ phản ánh là gặp được đại biểu quốc hội Hà Nội rất khó!). Tôi vui mừng khi bà con gọi tôi là người của công chúng.

Tuy nhiên tôi rất băn khoăn khi không đáp ứng được sự trông đợi của những người gửi khiếu nại, tố cáo. Bao giờ tôi cũng nhận được hồi âm rất nhanh của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Đại khái là “Hoan nghênh GS đã quan tâm đến công tác tư pháp, nhưng sau khi xem lại hồ sơ chúng tôi thấy không có gì cần xử phúc thẩm (hay xem xét lại cách đã xử lý)”.

Thật rất buồn, người ta có đơn từ khiếu nại tố cáo có nghĩa là hồ sơ từng được thụ lý là không đúng (có khi là do bức cung, có khi là do thiếu trách nhiệm…). Thế thì phải điều tra lại chứ xem lại cái hồ sơ ấy mà làm gì?

- Giáo sư có thể đưa ra ví dụ cụ thể hơn được không?

Gần đây tôi đã gửi đơn thư kêu oan cho cựu chiến binh Trần Văn Vót ở xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tới các đồng chí lãnh đạo cao nhất (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban tư pháp của Quốc hội).

Tôi nhận được hồi âm rất nhanh của nhiều đồng chí lãnh đạo, nhưng đợi mãi không thấy trả lời của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Vài chục bài báo đã được đăng, ngay bố của nạn nhân cũng một mực kêu oan cho nạn nhân mà cũng chưa làm động lòng những người để nạn nhân nằm trong tù đến 23 năm rồi với hàng trăm đơn từ kêu oan của bản thân, gia đình, bà con làng xóm.

Tôi thấy mình thật bất lực nhưng cũng không biết cần phải làm gì thêm để đáp ứng sự tin cậy của nhân dân.

- Vấn đề mà cử tri gửi gắm GS nhiều nhất và GS cho là nhức nhối nhất hiện nay, cần phải nêu lên trên diễn đàn Quốc hội là gì?

Trong tình hình hiện nay nhân dân đang rất bức xúc về biến đổi khí hậu dẫn đến các thiệt hại quá nghiêm trọng trên diện rộng ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Nhân dân cần có ngay những hỗ trợ trước mắt và những giải pháp căn bản cho tương lai.

Nhân dân cũng đang rất lo lắng về những biến động ngày càng đáng lo ngại trên biển Đông. Đảng và Nhà nước cần có các quyết sách đảm bảo giữ gìn trọn vẹn bờ cõi nghìn năm của cha ông ta.

Nhân dân cũng mong mọi cán bộ trong bộ máy nhà nước cần làm đúng yêu cầu như Bác Hồ thường căn dặn: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân… Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.

Cần loại trừ mọi hành vi tham nhũng và sách nhiễu nhân dân, nhất là chuyện quá phổ biến là làm bất cứ chuyện gì cũng phải “bôi trơn” bằng tiền.

Muốn làm được cần thực thi dân chủ một cách rộng rãi, bởi vì như Bác Hồ đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.

Nhiều đại biểu gần như không phát biểu gì!

- Quốc hội khóa XIII đã bước vào kỳ họp cuối. Theo GS, trong nhiệm kỳ qua Quốc hội đã làm được những gì?

Quốc hội Khoá XIII đã để lại những dấu ấn quan trọng. Đó là việc thông qua Bản Hiến pháp sửa đổi và thông qua nhiều luật để triển khai phù hợp với Hiến pháp sửa đổi.

Quốc hội cũng đã thực hiện tốt việc giám sát các hoạt động của Chính phủ và nhờ đó đã có thể đạt và vượt 12/14 chỉ tiêu đã đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt cao nhất kể từ năm 1968, chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất kể từ năm 2011.

Cả nước đã có 15 huyện và 1.526 xã đạt chuẩn nông thôn mới. tạo thêm việc làm cho 1,62 triệu người…

Ngoài ra, việc chất vấn ở hội trường có nhiều thay đổi giúp cho mọi vấn đề của cuộc sống đều được thảo luận tại diễn đàn quốc hội, làm cho dân chúng gắn bó hơn với các hoạt động ở nghị trường.

- GS đánh giá thế nào về tiếng nói của các đại biểu quốc hội trong kỳ họp vừa qua? GS kỳ vọng gì ở chất lượng của đại biểu quốc hội sắp tới cũng như đội ngũ lãnh đạo đất nước sắp tới?

Vẫn còn có những đại biểu quốc hội hầu như không phát biểu gì tại diễn đàn quốc hội trong suốt 5 năm làm nhiệm vụ. Điều đó có thể do chúng ta quá chú trọng về cơ cấu nên đã khoác lên một số đại biểu cùng lúc 4 cơ cấu (nữ, trẻ, đồng bào dân tộc ít người và chưa vào Đảng khi ứng cử).

Tôi hy vọng cuộc bầu cử Quốc hội Khoá XIV sẽ coi trọng chất lượng hơn là cơ cấu. Cơ cấu là cần thiết nhưng nữ phải là những phụ nữ tiêu biểu, trẻ cũng là nhưng đoàn viên TNCS xuất sắc, đồng bào dân tộc ít người không cần có đủ mọi đại diện nhưng phải là những người am hiểu chính sách dân tộc và biết bảo vệ quyền bình đẳng cho các dân tộc.

Còn người ngoài Đảng là đại diện cho số đông dân chúng (chỉ trừ 4,5 triệu đảng viên) cho nên cần là những người suốt cả khoá vẫn là người ngoài Đảng.

Với các đồng chí lãnh đạo mới, tôi hy vọng sẽ thừa hưởng được những kinh nghiệm tốt của các đồng chí đi trước, có thái độ lắng nghe tiếng nói của cử tri, nhất là của đội ngũ trí thức và các cựu chiến binh lão thành, để đưa đất nước bứt phá lên nhanh hơn trong sự nghiệp đổi mới.

Cảm ơn ông!

Trí Lâm thực hiện

Bài liên quan
ĐBQH: Nhiều giáo viên đang 'ngại' xử lý vi phạm của học sinh
ĐBQH cho rằng đang thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu QH Nguyễn Lân Dũng: 'Tôi thấy bất lực mà không biết phải làm gì!'