Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Sa mạc (DRI), Đại học bang Colorado cùng Đại học Khoa học - Công nghệ Missouri ước tính tổn thất trữ lượng nước ngầm toàn cầu mỗi năm lên đến 17 km3.
Để nghiên cứu tác động của hoạt động khai thác nước ngầm, nhóm nhà khoa học lập bản đồ lượng nước ngầm bằng phương pháp viễn thám, bộ dữ liệu dựa trên mô hình và công nghệ máy học. Bản đồ là công cụ hữu ích giúp đánh giá phạm vi sụt lún ở khu vực bị ảnh hưởng cũng như xác định khu vực đang thiếu nước ngầm, qua đó hỗ trợ xây dựng biện pháp quản lý nguồn nước bền vững.
Theo nhóm nhà khoa học, mô hình phân tích của họ ước tính trữ lượng nước ngầm toàn cầu bị tổn thất lên đến 17 km3/năm - tương đương kích thước 7.000 Đại kim tự tháp Giza. Tình trạng tổn thất như vậy là vĩnh viễn, làm sụt giảm lượng nước có thể thu giữ và lưu trữ.
Nhóm nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các biện pháp quản lý nước ngầm một cách bền vững, đặc biệt ở vùng trồng trọt và đô thị nơi chiếm đến 73% diện tích bị sụt lún trên bản đồ mà nhóm lập nên.
Theo giáo sư DRI Sayantan Majumdar: “Với nghiên cứu này chúng tôi muốn hiểu rõ tình trạng sụt lún trên toàn cầu để giúp các cơ quan quản lý địa phương”. Nghiên cứu giúp giới chuyên gia phát hiện vùng sụt lún ở cả khu vực đã biết lẫn chưa biết bất kể nơi đó có bị thiếu nước ngầm hay không.
Nước ngầm là nguồn nước dưới đất tích trữ trong các lớp đất đá trầm tích bở rời như cặn, sạn, cát bột kết, trong các khe nứt, hang karst dưới bề mặt Trái đất, có thể khai thác cho hoạt động sống của con người.
Khai thác nước ngầm quá mức là vấn đề nhức nhối ở nhiều nơi. Ngoài ra, biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng khiến tình hình thêm xấu đi, gây sụt lún và cạn kiệt nguồn nước.