Nhớ hồi nhỏ học lịch sử, những tâm hồn non trẻ từng mê mẩn, buồn vui với những câu chuyện bi hùng trong lịch sử dân tộc: chuyện Thánh Gióng bỗng lớn như thổi để đánh giặc Ân, đánh giặc xong cưỡi ngựa về trời; chuyện Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống ách đô hộ tàn ác của giặc Tàu và tên thái thú Tô Định; chuyện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, dựng nền độc lập; chuyện Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau tập trận, dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt và xưng hoàng đế; chuyện Lý Thường Kiệt với tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”, đánh tan giặc Tống; chuyện chàng thiếu niên Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong tay vì nhỏ tuổi không được tham gia bàn chuyện đánh giặc Nguyên ở hội nghị Bình Than; chuyện Trần Bình Trọng trong tay giặc vẫn dõng dạc “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”; chuyện Nguyễn Phi Khanh trên đường lưu đày qua đất giặc, khuyên con là Nguyễn Trãi trở về lo báo thù nhà; chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa; Nguyễn Trãi với Bình Ngô đại cáo; Quang Trung đại phá quân Thanh…
Bao nhiêu câu chuyện lịch sử là bấy nhiêu lần những trái tim non trẻ lúc đau thương phẫn nộ vì quân giặc bạo tàn với dân mình, lúc tự hào về truyền thống bất khuất của cha ông, để từ đó lớn lên biết “khóc cười theo mệnh nước”.
Giờ thì học sinh quay lưng với môn sử. Tại sao và trách ai? Không thể trách học sinh, không thể trách người trẻ, khi những nhà quản lý giáo dục từng coi việc hàng loạt bài thi sử bị điểm 0 năm kia là chuyện bình thường. Và cũng bình thường nốt khi học sinh xé tập làm bông giấy tung lên ăn mừng khi biết sẽ không thi môn sử.
Trách nhiệm trước tiên phải đặt trên vai người lớn, trên vai những ai đã biến môn sử trong nhà trường thành một môn phụ, một môn thi tự chọn sau khi đã biến nó từ một môn học hấp dẫn, có khả năng hun đúc lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc thành môn học thuộc lòng xơ cứng những sự kiện và số liệu; biến môn quốc sử đầy sức sống cuồn cuộn, đầy nước mắt và nụ cười theo dòng chảy mấy ngàn năm của dân tộc thành một môn chính trị khô khan, tập trung vào quãng thời gian lịch sử ngắn ngủi gần đây. Không thể nhận xét khác đi khi đọc ba câu hỏi trong đề thi sử năm nay.
Đã có bao nhiêu hội thảo, bao nhiêu báo cáo, bao nhiêu nghị quyết hay ho về bồi bổ, xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc, nhưng ý chí chính trị trong nghị quyết, báo cáo, hội thảo và thực tiễn giáo dục dường như mỗi bên đi mỗi ngả.
Liệu người Việt mai này sẽ mang bản sắc gì khi một trong những phương tiện quan trọng nhất để con người hiểu và gắn bó với cội nguồn của mình, bản sắc dân tộc của mình từ khi còn trẻ, là giáo dục lịch sử, lại bị coi nhẹ như vậy?
Liệu với cách giáo dục nghiêng lệch hiện tại, rồi ra chúng ta sẽ có một thế hệ rất có thể biết làm giàu cho bản thân mình, nhưng còn chung tay làm giàu cho cả đất nước, góp phần làm cho cả dân tộc mạnh lên thì chưa chắc?
Hình ảnh một thí sinh ngồi đơn độc làm bài thi sử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, xét về nhiều góc độ, thật ám ảnh. Liệu hình ảnh ấy có báo hiệu một tương lai sáng sủa nào cho dân tộc khi không biết mai này còn bao người biết “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!”(*).
Đoàn Khắc Xuyên - Người Đô Thị