Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh cho rằng mô hình “du lịch cách ly” là hướng đi giải quyết được cùng lúc các vấn đề: An toàn tính mạng và an sinh xã hội cho người dân, đảm bảo mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch có thể kéo dài chưa biết hồi kết…

Mô hình 'du lịch cách ly' - hướng đi mới cho du lịch trong và sau đại dịch

Lam Thanh thực hiện | 18/12/2021, 12:02

Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh cho rằng mô hình “du lịch cách ly” là hướng đi giải quyết được cùng lúc các vấn đề: An toàn tính mạng và an sinh xã hội cho người dân, đảm bảo mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch có thể kéo dài chưa biết hồi kết…

Để thích nghi với đại dịch, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) đề xuất ý tưởng "Mô hình du lịch cách ly" trong không gian hẹp nhưng vẫn đưa đến những trải nghiệm du lịch thú vị cho du khách. Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) để làm rõ hơn vấn đề này.

- Thưa bà, vì đâu bà đưa ra mô hình "du lịch cách ly" - khái niệm cũng khá mới mẻ tại Việt Nam?

- TS Nguyễn Thu Hạnh: Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng, làm chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của nước ta giai đoạn 2015-2019.

Để thích nghi với đại dịch, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đề xuất ý tưởng "mô hình du lịch cách ly" trong không gian hẹp nhưng vẫn đưa đến những trải nghiệm du lịch thú vị cho du khách.

Mô hình "du lịch cách ly" từng được tỉnh Phuket (Thái Lan) tổ chức cho 59 du khách nước ngoài đến địa phương này vào đầu năm nay. Đây là một trong những nhóm khách du lịch đầu tiên đến Thái Lan theo chương trình “cách ly nghỉ dưỡng”.

Sau nhóm khách ấy, Thái Lan đã mở cửa một số sân golf với sản phẩm trải nghiệm dịch vụ cách ly và chơi golf, với phương châm khách du lịch vừa có thể du lịch, vừa tuân thủ cách ly nhưng cũng vừa có thể chơi môn thể thao ưa thích…

nth.jpg
TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững

Tại Việt Nam, bên cạnh việc mạnh dạn thí điểm áp dụng mô hình tự cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế, giảm chi phí và tạo điều kiện cách ly thoải mái hơn cho các đối tượng nguy cơ, các nhà hoạch định chính sách cũng đã bàn đến “hộ chiếu vắc xin”. Bộ Chính trị đã có ý kiến kết luận “nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có khả năng kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).

Đây là cơ hội để thị trường du lịch quốc tế từng bước hồi phục sau hơn 1 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu rất cao trong việc đảm bảo an toàn, đáp ứng các quy định phòng chống dịch bệnh. Nếu khả thi, mô hình này có thể làm tiền đề nhân rộng ra các địa điểm thích hợp khác như Côn Đảo, Hội An - Cù Lao Chàm, đảo Hòn Tre - Vinpearl Nha Trang, đảo Cát Bà, vịnh Hạ Long…

- Vậy khái niệm “du lịch cách ly” được hiểu thế nào, thưa bà?

- TS Nguyễn Thu Hạnh: “Du lịch cách ly” là khái niệm du lịch mới, xuất hiện trong bối cảnh khi cả thế giới (trong đó có Việt Nam) phải thường xuyên ứng phó với các làn sóng tử thần lặp đi lặp lại ngày càng nguy hiểm của đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng với tốc độ chóng mặt, số ca tử vong tăng với cấp số nhân, Chính phủ yêu cầu toàn thể người dân phải cách ly hoặc giãn cách (tùy theo bối cảnh cụ thể) để tránh lây nhiễm vi rút trên diện rộng, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân.

Quá trình cách ly kéo dài từ 14 ngày trở lên tại nhà hoặc tại khu cách ly đã lặp đi lặp lại trong khoảng gần 2 năm làm cho nhiều người dân rơi vào cảm xúc tiêu cực, bí bách, trầm cảm trong 4 bức tường ngôi nhà, trong khuôn viên khu ở, hoặc trong khu cách ly… không được tiếp xúc với thiên nhiên bên ngoài. Nhiều hoạt động kinh tế bị ngừng trệ, nhiều lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bị đóng băng, trong đó có du lịch.

Để cân bằng lại tinh thần và tâm lý cho xã hội, lấy lại sự bình tĩnh, lạc quan và niềm tin vào cuộc sống cho con người, Nhà nước cần tạo điều kiện cơ chế và chính sách để mở cửa cho các doanh nghiệp tổ chức "mô hình du lịch cách ly" vừa đảm bảo an toàn y tế, vừa giúp cho du khách có những khám phá, trải nghiệm du lịch mới ngay tại khu vực cách ly…

du-lich-2.png
Mô hình du lịch cách ly tại đảo hoang

Qua đó, các điểm đến du lịch, các tour du lịch, các khu du lịch, resort, khách sạn, nhà hàng… có đủ điều kiện an toàn về y tế và dịch vụ sẽ có cơ hội để tiếp tục kinh doanh hoạt động, thoát khỏi tình trạng thất thu lâu ngày dẫn đến phá sản.

- Như vậy, nên "du lịch cách ly" ở đâu và như thế nào để an toàn, chất lượng?

- TS Nguyễn Thu Hạnh: Những địa điểm phù hợp với "du lịch cách ly" có thể là những hòn đảo, những khu du lịch sinh thái biển, khu du lịch sinh thái núi, khu du lịch sinh thái nông thôn, các resort, khách sạn… có vị trí tương đối biệt lập, xa những khu tập trung dân cư đông đúc, có điều kiện để đảm bảo an toàn y tế và các dịch vụ đa năng trọn gói, khép kín.

Một yêu cầu rất quan trọng của hoạt động "du lịch cách ly" là không được hạn chế trải nghiệm của du khách. Vì thế, mô hình này hướng tới sáng tạo các sản phẩm du lịch mới mẻ, thú vị, khiến cho khách du lịch nếu chỉ ở trong phòng, khuôn viên khách sạn, hòn đảo cũng có được những khám phá rất mới.

Với mô hình "du lịch cách ly", các doanh nghiệp du lịch cần thiết kế những kịch bản trải nghiệm du lịch mới có khả năng thích ứng linh hoạt với các bối cảnh khác nhau của đại dịch như: giãn cách, cách ly mức 1 (theo nhóm), cách ly mức 2 (theo cá nhân) và bối cảnh bình thường mới.

Với bối cảnh cách ly theo nhóm: Du khách sẽ được khám phá và tìm hiểu các hệ sinh thái, được kết nối và làm bạn với thế giới thiên nhiên trong khuôn viên của khu du lịch theo quy định giãn cách 5K an toàn theo nhóm.

Trong bối cảnh cách ly cá nhân: Du khách cần được hướng dẫn để học cách kết nối và đối thoại với thế giới đồ vật xung quanh, học cách tự sáng tạo ra các hoạt động vui chơi giải trí trong nhà, học cách nấu ăn, chơi đàn, vẽ tranh, làm đồ thủ công. Du khách sẽ học được kỹ năng sinh tồn thông qua trải nghiệm cuộc sống tự cung tự cấp, tự chăm sóc bản thân để vượt qua sự tấn công của COVID-19.

Một trong những yếu tố nữa là công nghệ 4.0: Hoạt động của các robot nhân tạo sẽ thay thế nhân viên du lịch để hỗ trợ du khách check-in, đo nhiệt độ, xét nghiệm y tế, phát đồ ăn tại phòng, nhắc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…

Du khách cũng sẽ được tham gia các trải nghiệm độc, lạ thông qua công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) để khám phá góc nhìn không giới hạn với các điểm du lịch nổi tiếng; du khách sẽ được tham gia cuộc thi, trò giải trí hài hước, thú vị chỉ có trong đại dịch…

Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững đề xuất mô hình "du lịch cách ly" trong không gian hẹp nhưng vẫn đưa đến những trải nghiệm du lịch thú vị cho du khách.

Mô hình "du lịch cách ly" cũng là cơ hội để du khách được sống trong không gian tĩnh lặng, để thiền và suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, về các giá trị sống, về quy luật vô thường, về chu trình sinh - lão - bệnh - tử và hiểu sâu sắc hơn về đại dịch COVID-19. Du khách sẽ nhận ra những dấu ấn đáng tự hào của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19, biết ơn sự hy sinh của những “anh hùng áo trắng” và những tấm gương con người tỏa sáng trong đại dịch.

- Như vậy, theo bà, đây có thể coi là một hướng đi để du lịch có thể phục hồi và thích nghi với bối cảnh trong đại dịch?

- TS Nguyễn Thu Hạnh: Du khách cũng sẽ nhận ra những điều mà đại dịch COVID-19 tác động đến nhận thức của con người. Đó là: Con người hãy thay đổi tư duy và phương thức khai thác tài nguyên để có thể chung sống hòa thuận với muôn loài, con người hãy cân bằng các giá trị vật chất với các giá trị tinh thần để cuộc sống được hạnh phúc và bền lâu.

Mô hình "du lịch cách ly" được nhiều chuyên gia đánh giá là mô hình du lịch mới có khá nhiều ý tưởng sáng tạo và hứa hẹn khả thi nếu phối hợp với từng doanh nghiệp để nghiên cứu cụ thể hơn trong từng bối cảnh đặc thù.

du-lich.png
Các hoạt động của du lịch cách ly 

Trong thời gian tới, STDe sẽ tiếp tục thu nhận thêm các góp ý và góc nhìn khác nhau để mô hình được hoàn thiện và có khả năng đưa vào thực tế sớm nhất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.

STDe hy vọng mô hình này sẽ được giới thiệu rộng rãi để nhiều địa phương và doanh nghiệp có thể tiếp cận và đưa nó vào thực tế. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mô hình "du lịch cách ly" không chỉ góp phần giải quyết vấn đề khủng hoảng tinh thần toàn dân mà còn được coi là giải pháp trọng yếu để du lịch có thể phục hồi và thích nghi với bối cảnh trong đại dịch, mà còn phù hợp với cả bối cảnh mới (hậu COVID-19) do khả năng thích ứng linh hoạt của nó.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, đây là hướng đi giải quyết được cùng lúc các vấn đề: An toàn tính mạng và an sinh xã hội cho người dân, đảm bảo mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch có thể kéo dài chưa biết hồi kết. Qua đó, nhà nước sẽ có cơ sở để đưa ra những chính sách mở đường cho doanh nghiệp thời gian tới.

- Xin cảm ơn bà!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình 'du lịch cách ly' - hướng đi mới cho du lịch trong và sau đại dịch