Thời điểm này “Vương quốc quýt hồng” huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang vào vụ, một số nhà vườn đã mở cửa đón khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên lượng khách đến tham quan hầu như không có khiến nhiều nhà vườn "đứng ngồi không yên".
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, khi vừa đặt chân vào vườn quýt hồng Hai Kiệt (ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) vào sáng 15.12, cảm thấy như bước vào một khu vườn cổ tích với cây trái trĩu quả. Tuy nhiên, tại vườn, lượng khách đến hầu như không thấy. Điều này, khiến chủ vườn cảm thấy hụt hẫng, lo lắng.
Ông Đoàn Anh Kiệt (60 tuổi, chủ vườn quýt Hai Kiệt) cho biết, gia đình có 5 công quýt (hơn 300 cây quýt đường và 500 cây quýt hồng -PV), đã có 2 năm mở cửa cho khách du lịch vào vườn tham quan.
“Thời điểm này, vườn quýt hồng đã chín ửng vàng, trĩu quả nên gia đình tôi liền mở cửa đón khách vào tham quan. Giá vé 50.000 đồng/người lớn và 25.000 đồng/trẻ em. Tuy nhiên, do do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lượng khách mấy hôm nay hầu như không có”, ông Kiệt bộc bạch.
Cũng theo ông Kiệt, vào những năm trước, khi chưa có dịch, bình quân mỗi ngày vườn của ông thu hút gần 200 khách đến tham quan vườn và thưởng thức quýt hồng tại chỗ. Đặc biệt 2 ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật, lượng khách thường lên đến 600 người.
“Mấy ngày nay mở cửa mà không thấy đại diện các tour du lịch điện thoại là tôi biết tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Tôi cầu mong dịch bệnh lắng dịu để du khách mạnh dạn đến thưởng thức. Chứ tình hình dịch bệnh tăng hoài, vườn quýt phải “ngóng” khách rồi rơi rụng là coi như năm nay thất thu, hết ăn cái tết này”, ông Kiệt mong mỏi.
Tương tự, bà Nguyễn Kim Huê (81 tuổi, ngụ xã Tân Thành) cho biết, trước đây gia đình bà chỉ trồng quýt hồng với diện tích nhỏ.
“Tuy nhiên, do nhu cầu của khách du lịch và được chính quyền địa phương khuyến khích, gia đình bà đã mạnh dạn mở rộng diện tích đất trồng quýt hồng phục vụ du khách. Lợi nhuận từ những công quýt làm du lịch tăng gấp đôi so với những công quýt trồng bán trái theo kiểu truyền thống. Như chú thấy đấy, năm nay quýt trúng mùa được giá nhưng do dịch bệnh làm giảm lượng khách tham quan đáng kể. Nhà vườn chúng tôi chỉ mong dịch bệnh ngớt ngớt để du khách đến "check-in", thưởng thức, để từ đó nhà vườn có thu nhập cải thiện cuộc sống”, bà Huê nói.
Ông Huỳnh Minh Trí – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết, lượng du khách đến tham quan các vườn quýt trên địa bàn huyện đến thời điểm này hiện chưa đánh giá được.
“Bởi vì một số điểm nhà vườn chưa mở cửa, một số điểm đã mở cửa và lượng khách đến tham quan chưa được cao do tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên thời gian này chưa phải là cao điểm khách đến tham quan, thưởng thức”, ông Trí nói.
Cũng theo ông Trí, các nhà vườn, cơ sở mở cửa đón khách đều được địa phương thẩm định, tập huấn các biện pháp phòng chống dịch trước khi mở cửa để từ đó khách vào tham quan được an toàn tuyệt đối.
Được biết, quýt hồng còn có tên gọi khác là quýt tiều son, là một trong những đặc sản nổi tiếng của nhà vườn Lai Vung, một phần là nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp giúp cho cây trái sum sê, chất lượng thơm ngon ít nơi nào bì kịp.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung có 8 vườn quýt hồng nổi tiếng đón du khách đến tham quan, thưởng thức quýt tại vườn. Các vườn quýt này nằm rải rác ở khu vực xã Long Hậu, xã Tân Thành và xã Tân Phước thuộc huyện Lai Vung.
Mỗi năm, các chủ vườn thu hàng trăm triệu đồng từ việc bán quýt và thu tiền vé khách tham quan. Ngoài ra, du khách khi đến vườn quýt sẽ được thưởng thức quýt thoải mái, được tham quan chụp ảnh không giới hạn tại vườn quýt, được tự do hái và mua quýt với giá ưu đãi, được phục vụ khăn lạnh, nước suối miễn phí, được chủ vườn tư vấn các thông tin liên quan đến nghề làm vườn...