Đó là một vẻ đẹp hoàn mỹ, thật sự, và luôn gây cho Niên cảm giác hoang đường. Hoan đẹp cả ở vóc dáng, gương mặt. phong thái cao sang của phụ nữ thượng lưu thành phố. Chị đẹp từ hình tích đến nét mặt, khoé môi, vồng ngực. Tất cả đều như có hào quang phát tỏa.  

Một mảnh hồn của chàng gia sư (Phần 1)

Một Thế Giới | 11/01/2014, 20:50

Đó là một vẻ đẹp hoàn mỹ, thật sự, và luôn gây cho Niên cảm giác hoang đường. Hoan đẹp cả ở vóc dáng, gương mặt. phong thái cao sang của phụ nữ thượng lưu thành phố. Chị đẹp từ hình tích đến nét mặt, khoé môi, vồng ngực. Tất cả đều như có hào quang phát tỏa.  

Niên đã nghĩ như vậy về mẹ của đứa học trò anh đang kèm tại gia, và nhiều lúc Niên không khỏi chạnh lòng. Niên chạnh lòng vì tại sao lại có người vừa đẹp vừa giàu sang như thế, vì sao lại có người may mắn và sung sướng đến thế!

Niên không mảy may mặc cảm tự ti. Chạnh lòng là do Niên quan sát cuộc sống của cộng đồng. Bởi vì người nghèo khổ quanh Niên còn nhiều lắm. Niên là thầy giáo. Lương nhà nước không đủ nuôi thân. Đó là sự thật. Nhưng còn một sự thật là dẫu thế nào loại người như Niên vẫn là một nhu cầu của xã hội. Niên vẫn còn cần cho mọi người. Chứng cớ là Niên vẫn dạy môn văn ở trường cả chục năm rồi. Và tiếng tăm Niên loan truyền ở mức hết người này nhờ cậy đến người kia rước về  dạy tại nhà cho con em họ.

Niên còn là thầy dạy tư chứ khối người đang đứng đường đứng chợ mong có việc vặt để kiếm ăn từng bữa lần hồi. Thất nghiệp, nghĩa là xã hội không hoặc chưa cần đến mình. Còn được trọng vọng tức mình vẫn còn là một giá trị.

Niên là một giá trị thuộc một hệ quy chiếu khác với hệ quy chiếu anh đang phóng toả xuống Hoan, người phụ nữ quá đẹp này. Một toà biệt thự. Những tiện nghi hiện đại. Một chức vụ xã hội kha khá. Một tổ ấm hoà hợp. Một đời sống sung mãn được ánh xạ trên khuôn mặt luôn ngời ngợi niềm vui sống và thành đạt.

“Tao đang lo béo đây. Chưa kịp béo mà ông xã đã muốn chê rồi đấy”. Một lần, câu nói của Hoan với bạn gái đã lọt vào tai Niên và Niên càng thấy anh chạnh lòng là phải: Hoan thuộc một giai tầng khác với số đông. Niên chạnh lòng cho những kẻ còn đang cơ khổ, còn với Niên thì dứt khoát không.

Bốn mươi ba tuổi, đường vợ con còn lận đận. Nhà cửa chỉ là căn gác xép ở nhờ chín mét vuông cho toàn bộ sinh hoạt. Mấy chục năm hết lòng với thiên chức người thầy,  không chức vị, không danh hiệu, nhưng có hề gì. Cao ngạo một cách lặng lẽ vì tự biết giá trị và tâm hồn mình. Yêu đời, yêu nghề, cặm cụi và cô độc trên con đường thiên lý nhưng chưa hề ngã lòng nản chí.

Niên luôn tuyệt đối hóa các giá trị tinh thần. Niên chỉ chạnh lòng cho thế sự. Thì ra ở đời vẫn có những người đạt tới sự trọn vẹn của hạnh phúc, cả trong tình yêu lẫn công việc đều mãn nguyện.       
Nhưng Niên đã nhầm. Người phụ nữ ấy không sung sướng tột bậc như Niên tưởng. Trưa nay, chị đã thoát ra khỏi vẻ vô tư đài đệ thường ngày khi đột ngột nhìn anh, đầy khổ não và âu sầu:

- Anh đừng bỏ thằng Tuệ nhé, tội nghiệp em . Em biết là nó học quá kém, lại hư. Đúng là lúc nó mới sinh, nó bị thiếu sữa, ốm đau quặt quẹo. Nhưng nhiều đứa trẻ khác cũng thế, mà em cũng không phải người ngu đần... 

Hoan mân mê ngón tay đeo nhẫn trên bàn tay trái, rồi ngước lên, ngào ngạt:

- Em đã xin cho nó vào trường mẫu giáo tốt nhất thành phố. Nó vào cấp 1, cấp 2, em không hề lơ là. Anh biết đấy, em không nghèo. Em làm ra tiền, bố thằng Tuệ thu nhập cũng cao. Em đã mời các thầy về dạy thêm nó, từ toán học đến ngoại ngữ, âm nhạc. Nhưng, thật khổ với nó. Chẳng năm học nào em không phải đi xin điểm cho nó. Em thấy mình thật đơn độc trong việc dạy dỗ nó trong cái nhà này.

Im lặng mở một khoảng mênh mông trong căn buồng nhỏ. Cùng với nỗi thống khổ khắc một khía sâu ở đuôi mắt bộc lộ vẻ sầu muộn của chị, anh thấy chị còn hiện ra ở độ sâu khác thường về phẩm cách và do vậy bỗng trở nên gần gụi với anh.

Anh biết, thế là từ nay anh không thể bỏ rơi thằng Tuệ, dẫu nó là một cá biệt quá tồi tệ. Người phụ nữ này, với Niên, đã bộc lộ một quyền lực tuyệt đối .

Điều đó càng được khẳng định khi Niên nhìn thấy chị sau khi đã trút xong tâm sự, nhoai  người nhấc một cuốn sách dày trên chiếc đôn sứ bên cạnh, và Niên thốt kêu thầm vì sung sướng: Tuyển tập Bunhin!

Ôi, Bunhin, những trang văn xuôi tuyệt vời, đẫm mùi cỏ tươi và hương vị đồng quê của nước Nga xa xôi. Bunhin, vào thời kỳ mà sự tầm thường, vụ lợi đang chế ngự cuộc sống phố phường này, đã trở thành một chỉ hiệu của văn hóa cấp cao.

Thanh thản,  Niên ngả người, thả mắt  nhìn lên bức tường trước mặt. Trên đó, trong một khung ảnh sơn nhũ vàng đánh dấu ngày thành hôn, người phụ nữ đang ngồi trước Niên với gương mặt mảnh mai, hoàn toàn lẻ loi, xa lạ và như bị gán ghép với một gương mặt đàn ông vậm vạp, thô thiển, cộc cằn.

Niên hơi thu người lại, cảm giác đã gặp người đàn ông này ở đâu đó rồi.   
Mot manh hon cua chang gia su (Phan 1)
 Ảnh Internet

***                                                         

Không, Niên chưa hề gặp người đàn ông là chồng Hoan. Niên mới chỉ thấp thoáng thấy đôi ba nét của ông ở một bản sao: thằng Tuệ, con trai ông.

Thằng Tuệ đang ngồi trước mặt Niên. Cái đầu múp. Cặp má dày và dù nó mới mười lăm tuổi đã bừ bự vẻ nhục cảm ở chỗ bạnh ra dưới quai hàm, dấu hiệu của kẻ hiếu sắc, hiếu thắng. Mũi nó đã tẹt lại huếch hoác. Mồm nó rộng, bèn bẹt. Răng nó thưa và lúc nào cũng nhe nhe như đang nhai.

Nó xấu xí. Nó không thừa kế một nét nào của mẹ.  

Nó không giống Hoan. Vì sao?

Một ý nghĩ chợt bật lên và Niên thấy như được an ủi. Anh nhìn thằng Tuệ:

- Bài văn vừa rồi em lại bị điểm kém?

- Xì…

- Tôi nói để em rõ. Em không đọc kỹ đầu bài. Khái niệm thần thoại em không nắm được. Em lại viết sai ngữ pháp rất nhiều.

Niên cố lựa lời để khỏi nói hết sự thật. Sự thật là thằng Tuệ quá kém. Nó không có ngay những kiến thức cơ bản. Nó hoàn toàn rỗng không. Và nếu không sợ sự tàn nhẫn của sự thật thì phải nói là nó tối dạ, đầu đất sét, óc bã đậu.

Chẳng phải chỉ môn văn của Niên. Toán, lý, hoá lại còn tồi tệ hơn. Lớp 10 rồi mà cửu chương nó còn không thuộc. Tiếng Anh học đã bảy năm nó còn nhầm  Good night với Good bye...

- Em không bao giờ học môn này cả.

- Lý do?

- Giáo Đô chỉ thích đếm. Chúng em gọi là  Giáo-đô-la.

- Không được nói về thầy như thế. Mà thôi, em nghe tôi  giảng đây.

Niên vào bài giảng. Nhưng lập tức, anh cảm giác tiếng nói của  mình không hề có đích. Chúng bay vu vơ. Chúng chẳng lọt vào tai, chẳng in vào óc thằng Tuệ.

Tuệ đang nghĩ gì? Nó không nghe giảng, không có khả năng tiếp nhận, không có thói quen học hành. Mặt nó cứ nghênh nghênh ngơ ngơ. Tay nó nghí ngoáy cái bút.

Nó đang nghĩ gì? Nó nghĩ đến bọn bạn và cuộc đua xe sắp tới. Nó nghĩ về bố nó, người có chức vụ lớn trong một ngành kinh tế mũi nhọn rất hiếm khi có mặt ở nhà. 

Nó nghĩ lan man và cái nghĩ cứ nhảy cóc liên hồi. Rồi bỗng nhiên hai con mắt hùm hụp của nó nhếch lên, chớp chớp giật giật liên hồi. Nó đang nhìn cái gì vậy?

Bất giác, Niên ngoái lại  phía sau. Ngoài cửa sổ, một con mèo đen đang leo lên cây bách tán tùng. Mặt thằng Tuệ bừng bừng phấn khích. Mũi nó phập phồng như con thú đánh hơi. Nhưng không phải vì con mèo đen. Bên kia hẻm, trên tầng thượng, một đứa con gái mặc váy ngắn trắng tinh vừa xuất hiện, trông như một bông hoa nhài nhởn nhơ.

- Tuệ này.

- Dạ?

- Giờ thỏa thuận thế này nhé. Tôi và em thật tập trung học trong nửa giờ, chỉ nửa giờ thôi. Và muốn vậy, sẽ đóng hết cửa lại, được chứ?

***                             

Một không gian kín. Một không gian nghệ thuật không để độc giả  khán giả giao tiếp với bên ngoài, đó là điều kiện tối đa và tối thiểu cho  việc trình diễn thành công một tác phẩm nghệ thuật. Còn với nghề của Niên? Vấn đề là Niên phải có một môi trường thực sự tĩnh lặng, để thằng Tuệ chịu sự chi phối, rèn luyện của anh.

Niên là một tài năng. Một tài năng nho nhỏ. Và đã có hơn một lần, Niên đã rủ được thằng Tuệ nhập vào dòng suy tưởng, cảm xúc của anh. Anh đã sai khiến trí óc nó. Cao hơn nữa, anh đã thôi miên được nó.

Thì ra nó chưa hoàn toàn là đồ bỏ đi. Nó có ngu xuẩn từ bản thể, từ cấu trúc sinh học, nhưng cũng do tiêm nhiễm các thói tật từ bên ngoài. Và như vậy Niên có thể cải biến được nó, khiến nó thành một sản phẩm giáo dục của anh. 

- Em hãy đọc khổ thơ đầu của bài Tây tiến. Đó là những câu thơ  giàu sức biểu hiện với các chi tiết được phóng đại thành những tầm kích phi thường.

Nâng cuốn sách trên tay, nhập vào dòng cảm xúc của bài thơ, Niên phân tích ý nghĩa của từng hình khối, màu sắc, sự phóng chiếu của trí tưởng tượng khiến xuất hiện một  bức tranh vô cùng mỹ lệ về núi rừng.

Nhưng, cuối cùng thì Niên đã ngừng phắt vì bỗng nhận ra, mình chỉ là một kẻ độc diễn. Vứt cuốn sách xuống bàn, Niên xô lại trước thằng Tuệ, giật giọng:

- Em đang làm cái gì đó?

Ngước hai vòm mắt nặng nề lên, thằng Tuệ vừa kịp rụt hai cẳng tay xuống gầm bàn. Một bức tranh đàn bà loã thể sượt qua mắt Niên. Và mặt Niên như nổi vầng nổi mảng cồm cộm nặng chịch. Anh sẽ gầm lên, sẽ gào lên, thét lên…

Không học thì ra! Không nghe giảng thì bước! Ra khỏi lớp! Ra ngay!

Đã có lần Niên nổi khùng như thế ở lớp vì có hai nữ sinh chuyền thư cho nhau lúc anh đang giảng bài. Còn bây giờ? Dứt khoát Niên không để yên.

Dẫu có kìm nén tối đa thì Niên cũng sẽ chỉ vào mặt tên học trò kia và nói rằng: Mi không xứng để ta mất công, dù chỉ một giây. Và Niên sẽ cắp sách, bước thẳng ra cổng.

Và không bao giờ quay lại nữa.

Nhưng, mọi ý định đã trở nên dang dở…

Linh giác đã giằng Niên ra khỏi cơn giận dữ. Niên quay về phía bên trái. Ở đó, trên những bậc cuối của chiếc cầu thang, từ lúc nào không ai hay, Hoan trong chiếc váy hoa và áo trắng cổ lá sen, nhỏ nhắn như một nữ sinh, vịn vào lan can đứng im như một bức tượng, nước mắt tràn trề…
(Còn tiếp)

Trò chuyện cùng tác giả
Tình yêu như ngọn nguồn của văn chương
Mot manh hon cua chang gia su (Phan 1)
Nhà văn Ma Văn Kháng - Ảnh do NV cung cấp

Được biết đến như một trong những nhà văn hàng đầu của Việt Nam qua những tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xoè, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú…,  Ma Văn Kháng còn nổi tiếng với những truyện ngắn mà trong đó tình yêu đóng vai trò “phản ảnh những thời sự tâm hồn” của người Việt Nam trong từng giai đoạn xã hội.

Một mảnh hồn của chàng gia sư là một trong những truyện ngắn như thế.

* Ông có thích khi người đọc “xếp” nhà văn Ma Văn Kháng vào hàng ngũ nhà văn “chuyên sâu” về tâm lý tình yêu?

 - Tôi có một số lượng trang viết kha khá về tình yêu và tôi rất thích chúng. Đươc coi là người viết “chuyên sâu” về tình yêu thì thật là vinh hạnh cho tôi quá. Nhưng có lẽ nói thế này thì chính xác hơn: lĩnh vực tôi ham mê là cuộc “đấu tranh” giữa các hệ tư tưởng xã hội, xung đột giữa các hệ giá trị thẩm mỹ, thông qua sự biến động của tính cách con người, trong đó quan trọng ở chiều sâu sự kiện là tình yêu của con người với con người và với cuộc sống.
Truyện của tôi, bên cạnh chất liệu hiện thực có yếu tố lãng mạn và chất trữ tình. Trộm nghĩ, sức hấp dẫn của truyện có lẽ nhờ ở chất trữ tình bàng bạc trong đó. Nó là linh hồn của văn xuôi nghệ thuật. Tôi nghĩ, không có nó thì văn xuôi mất đi chất thơ và  cả dư ba của văn chương. Nhiều dịch giả nước ngoài khi dịch  văn xuôi Việt Nam đều cho là rất khó, vì ngôn ngữ trong văn xuôi Việt Nam giàu  tình, nhiều cảm xúc và  đậm chất thơ, khác với ngôn ngữ nhiều nước khác.

* Để viết về tình yêu, nhà văn có cần phải viện dẫn những kinh nghiệm cá nhân của mình không?

- Tôi nghĩ là có, mà có khi còn khá nhiều là khác. Nhưng đó không chỉ là những gì tôi đã trải nghiệm hoặc luận suy từ bản thân. Tuy vậy, cũng không hoàn toàn như thế. Vì khái niệm  Sống rồi mới viết có một nội hàm rất rộng.
Sống không chỉ có nghĩa là trực tiếp trải  qua, mà còn là nghe, thấy, suy  tưởng… từ câu chuyện cuộc đời nói chung, hay của bè bạn, người thân, thậm chí từ sách vở… Jean Paul Sartre từng nói: “Với nhà văn, Sống còn có nghĩa là thoát ra khỏi mình để sống nhiều cuộc sống khác”. Viết là một cuộc hóa thân.
Có lẽ trường hợp Vũ Trọng Phụng viết Cơm Thầy cơm Cô, Kỹ nghệ lấy Tây,  Làm đĩ … là thế:! Sartre còn nói: “Tôi giao lưu với lũ vô lại, tôi phóng túng, tôi đến nghỉ trong những nhà chứa nhưng không quên rằng chân lý của mình vẫn nằm trong ngôi đền thiêng”. Nói như Sartre, theo sự hiểu của tôi, nghĩa là cái phần riêng của tôi trong các câu chuyện bao giờ cũng có.  

* Theo ông, tình yêu có vai trò gì trong cuộc sống đang bị chủ nghĩa thực dụng thao túng hiện nay?

- Hiển nhiên là  tình yêu ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Nó chính là hương hoa, là linh hồn của đời sống hiện nay.  Là chiều sâu của hạnh phúc. Là động lực vĩnh cửu của  sự phát triển. Làm sao quan niệm được một cuộc sống chỉ  nhăm nhăm kiếm tìm lợi ích vật chất. Như thế thì nhàm tẻ quá, cạn cợt quá, vô nghĩa  quá, không thể xứng đáng với con người, hơn nữa còn quá nguy hiểm. Vì đó là cơ sở để  nảy sinh thói ích kỷ và cái ác, mở đường cho con người chà đạp lên các chuẩn mực quan hệ, phá hủy những tiêu chí tốt đẹp của nhân cách. Nó kích thích dục vọng, làm băng hoại nền tảng luân lý đạo đức, gây ra những thảm kịch khủng khiếp cho xã hội.

Một trong những biện pháp hữu hiệu để chống lại cái ác, theo Erich Fromn, triết gia Đức, là  phải đưa con người trở lại lĩnh vực trầm tư triết học, lấy cái đẹp  làm điểm tựa, làm cứu cánh. Và tôi nghĩ, văn chương chính là con đường dẫn con người tới cái đẹp. Vì thực tình cái mà người ta tìm kiếm khi đọc một cuốn sách văn chương chính là lý tưởng thẩm mỹ, là tình yêu của con người, chứ không phải là cái gì  khác. Tình yêu, thú vị thay lại là vùng ẩn chứa sự phong phú vô cùng của cuộc sống con người. Nó là ngọn nguồn không bao giờ vơi cạn của văn chương.

Ngô Thị Kim Cúc thực hiện

Nguồn ảnh đại diện: Internet
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một mảnh hồn của chàng gia sư (Phần 1)