Sau mấy ngày mưa, sáng nay trời quang mây, xanh ngắt. Ngoài ô cửa, đã có thể thấy những ánh hồng đầu ngày đang lan dần trên các vòm cây, các mái nhà. Hai chân ông đỡ đau nhức, người cũng cảm thấy thơ thới, nhẹ nhõm hơn. Ông với tay mở tung cánh cửa, nhìn xuống dòng sông dưới xa kia, thầm ồ lên mừng rỡ khi trông thấy con  thuyền vẫn còn neo đậu.

Một miền hoa tam giác mạch (Phần 1)

Một Thế Giới | 07/02/2014, 06:15

Sau mấy ngày mưa, sáng nay trời quang mây, xanh ngắt. Ngoài ô cửa, đã có thể thấy những ánh hồng đầu ngày đang lan dần trên các vòm cây, các mái nhà. Hai chân ông đỡ đau nhức, người cũng cảm thấy thơ thới, nhẹ nhõm hơn. Ông với tay mở tung cánh cửa, nhìn xuống dòng sông dưới xa kia, thầm ồ lên mừng rỡ khi trông thấy con  thuyền vẫn còn neo đậu.


Ông đã nhìn thấy con thuyền từ mấy ngày trước, trong một buổi chiều muộn, khi lơ đãng nhìn lướt qua phong cảnh ngoài xa kia. Từ cửa sổ tầng 11 của chung cư, con thuyền sơn màu xanh biển trông thật thảnh thơi, nhàn hạ. Ông không hiểu vì lẽ gì, cái con thuyền xinh xắn nằm yên giữa dòng sông ấy lại giúp ông cảm thấy yên ổn trong lòng.

Ở nhà một mình, thỉnh thoảng ông lại đến bên ô cửa nhìn xuống để xem con thuyền còn đó hay đã rời xa. Mấy ngày mưa, trời đất mù mịt, ông căng mắt tìm qua màn kính mờ đục, chẳng nhìn thấy bất cứ vật gì, lòng thấp thỏm không yên. Ông bước lui bước tới trong căn phòng nhỏ, cảm thấy hết những giới hạn của mình, sự bất lực của mình.

Ông biết mình vô lý, biết rõ rằng một con thuyền thì phải xuôi ngược trên những dòng sông của nó. Thế mà, mỗi sớm mai trở dậy, ông không sao có thể ngăn được nỗi phấp phỏng, cứ sợ con thuyền đã rời đi vào đêm trước.

Có thể mọi chuyện bắt đầu từ hôm ở bệnh viện, sau ca phẫu thuật chăng. Bữa đó, sau mấy tiếng đồng hồ mê man, ông chợt tỉnh lại, vào buổi xế chiều. Âm thanh đầu tiên ông nghe thấy là tiếng kêu lích chích của con chim sâu bé nhỏ. Ông khẽ ngiêng đầu ra phía cửa sổ và qua màn sương mỏng của đôi mắt, ông nhìn thấy con chim như một nắm bông màu xám nhạt, đang đong đưa trên một nhánh liễu mềm mại.

Ông nghĩ đó là điềm lành. Vậy rồi, chiều nào ông cũng nằm ngiêng qua phía cửa sổ, chờ đợi. Con chim nhỏ, không biết cả ngày phiêu bạt những đâu, đến chiều muộn lại về, đong đưa trên cành liễu, kêu lích chích chào ông. Nó còn ở đó cho đến khi ông xuất viện vào một buổi chiều.

Ông đứng bên ô cửa với cặp nạng gỗ, cố chìa tay ra. Nó nghiêng đầu, đôi mắt tròn xoe lúng liếng, miệng lích chích, lích chích như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ để bàn ở nhà ông.                        

Ông biết mình đã trở nên yếu đuối đến thế nào khi suốt trong những ngày nằm viện, ông gần như chỉ bấu víu vào con chim bé nhỏ đung đưa trên cành liễu sà vào bên ô cửa để hy vọng. Giờ đây, lại bám víu vào con thuyền bất động dưới xa kia, cũng qua một ô cửa. Chỉ có điều, niềm hy vọng ngày một bé nhỏ hơn, ít ỏi hơn.

Hồi đó, ông mong mình có thể trở lại hoàn toàn bình thường, đi lại mà không cần chiếc nạng. Giờ đây, ông lại mong sao có thể cùng chiếc nạng đi dọc con phố men theo bờ sông dưới kia, trong những sớm mai, những chiều muộn, khi phố xá thưa vắng.

Ông thở dài, tự nhiên nhớ đến câu nói của một nhân vật nào đó, trong một cuốn sách ông đọc hồi còn trẻ: Đời sẽ sướng mắt hơn nhiều nếu ta chỉ nhìn nó qua một ô cửa sổ duy nhất. Ông cố nhớ xem câu nói đó của ai, được nói trong hoàn cảnh nào nhưng không sao nhớ nổi, chỉ biết rằng  mình đã từng tâm đắc với câu nói có tính triết lý này. Chỉ có điều, ngày đó nó là một tiếng reo, giờ thì nó là một tiếng thở dài.

Chủ nghĩa, trong những cảnh huống khác nhau, có thể hàm chứa những ý nghĩa khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Ông học đại học trong thời chiến nên trường phải sơ tán về một vùng núi rừng hẻo lánh. Trong lớp, có một sinh viên Ba Lan theo học văn học Việt Nam. Cô ta nói một thứ tiếng Việt không có dấu nhưng đọc và hiểu khá tốt.

Lần nọ, cô ta gặp rắc rối tình cảm sao đó, buồn lắm. Nghe cô ta kể chuyện, ông, chàng trai trẻ hai mươi tuổi, an ủi: Rồi mọi sự sẽ qua thôi. Không ngờ cô ta cười, đáp lại: “Với một người đang vui, thì câu đó có ý nghĩa lạc quan nhưng với một người đang buồn thì nó lại có ý nghĩa bi quan”.

Ông đã sửng sốt biết bao trước cách hiểu và diễn đạt tiếng Việt của cô gái. Hình như cô cũng có ít nhiều cảm tình với ông và ngược lại, ông cũng thấy quyến luyến cô gái thông minh có mái tóc vàng và đôi mắt xanh như ngọc kia. Ông đã thật buồn  khi cô không thể chịu cực khổ thêm nữa, đã quay về nước khi khóa học còn dở dang.

Maria, tên cô gái là Maria, ông nhớ lại khi cúi mình qua khung cửa, nhìn ngắm con thuyền. Maria, cô đã sống ra sao trong chừng ấy tháng năm, giữa cuộc đời đầy bất trắc này.

Một tai nạn đã đổ ụp xuống đời ông khi ông vác máy băng qua đoạn đường cheo leo để kịp chụp những bức ảnh về loài đào phai ở rừng cho số báo cuối năm. Tảng đá ông đặt chân bất ngờ rời khỏi triền núi. Ông nằm mê man, hai chân dập nát, một ngày sau mới có người nhìn thấy, đưa đến bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh. Bệnh viện tỉnh xoay xở vài ngày rồi đưa về thành phố. Kết cục, sau ba lần mổ, giờ đây, ông chỉ có thể loanh quanh trong phòng với một chiếc khung sắt hình chữ nhật làm trụ đỡ.

Tốt nghiệp đại học nghành ngữ văn, ông về làm biên tập cho một tờ báo ảnh. Công việc buộc ông phải tìm hiểu, học hỏi nghề ảnh và rồi say mê thứ nghệ thuật này lúc nào không biết.

Thay vì ngồi ở văn phòng, xem ảnh và bình luận, ông trèo đèo lội suối theo các nhiếp ảnh gia để “có cảm hứng” khi viết bài, ông trình bày với ban biên tập như vậy. Các nhiếp ảnh gia của tờ báo là những tay chuyên nghiệp, những tay có số má trong nghề, như cách thiên hạ vẫn nói về họ.

Chàng trai trẻ lang thang theo họ, lúc vác giúp bộ chân máy, khi chặt cây dựng lều giữa rừng, nhìn ngắm họ làm việc, lắng nghe họ trò chuyện. Họ cũng yêu chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết. Họ thấy có anh đi cùng cũng vui, hơn nữa, cách biên tập và các bài viết của anh ngày một sâu hơn, nhiều cảm hứng hơn.

Đôi khi, thấy nhiếp ảnh gia bỏ máy, ngồi hút điếu thuốc, uống ngụm trà, ông cũng cầm máy lên ngắm nghía. Chỉ ngắm nghía thôi, không dám bấm máy vì hồi đó chỉ toàn máy chụp phim mà phim thì vừa hiếm lại vừa đắt. Người ta phải tính toán rất kỹ trước khi quyết định bấm một pô ảnh.

Sau thời gian tầm sư học đạo, anh quyết định theo thầy VH, một chuyên gia ảnh phong cảnh. Anh bị mê hoặc bởi các bức ảnh của ông. Trong mỗi rặng cây, trong mỗi triền đê, trong mỗi bến sông, trong mỗi chiều tà của VH dường như đều hàm chứa một lời kêu gọi, một niềm chờ đợi, một nỗi hoài nhớ nào đó… VH đã cưỡng lại lối sắp đặt cân xứng vốn có trong bản chất của mỗi con người, của tự nhiên để làm nên một trật tự mới, một vẻ đẹp khác lạ cho các bức ảnh của mình… Ông đã viết như vậy trong một bài báo về VH. Đọc xong, VH cười cười, cúi xuống vê mồi, rít một hơi thuốc lào rõ dài, vỗ vai chàng trai trẻ một cái, rồi lững thững ra khỏi tòa soạn báo.

VH chạy đôn chạy đáo mua cho cậu học trò một chiếc Leica của Đức. Thầy huơ huơ chiếc máy trước mặt chàng trai, cố nhịn ăn vài tháng nhé. Rồi cười, tớ phải chiến đấu cật lực với tay buôn máy mới bớt được chút đỉnh cho cậu có cháo mà ăn đấy. Tớ nghiệm ra, đàn ông mà đã đi buôn thì  còn rắn hơn cả phụ nữ. Một là một, hai là hai, chắc như bắp, chẳng gì làm cho nó lung lay được.

Chàng trai trẻ nhào tới rồi bất chợt đứng sựng lại trước mặt người thấy, không thể cất nổi  lời cảm ơn. Suốt thời gian này, vào các buổi sáng, thầy lúc đem chiếc bánh mì, khi đem gói xôi cho học trò. Chàng trai ái ngại mà không dám từ chối, sợ thầy buồn.

Thầy lúc nào cũng nghĩ người khác khổ hơn mình. Có kẻ trong tòa soạn ác mồm gọi thầy là “ngài bi thảm hóa”. Thầy dạy nghề cho học trò thật kỹ lưỡng, thật bài bản, nhường bớt  phần phim ít ỏi của mình cho học trò rồi kéo chàng trai theo mình lang thang tìm cảnh. Mỗi khi chàng trai có được bức ảnh khiến ông hài lòng, ông lại kéo chàng ta ra quán chè chén trước cửa cơ quan, vừa uống nước vừa rít thuốc lào.

Mãi rồi học trò cũng nghiện trà, nghiện thuốc lào theo thầy. Trong một lần như thế, thầy bỗng nghiêm giọng, bây giờ thì quên đi những khẩu độ, những độ sáng, độ sâu, những chia cảnh, những căn khung…Hãy làm theo cái slogan của hãng máy ảnh Lomography: Don’ t think, just shoot, đừng suy nghĩ, chụp đi. Tất cả bí quyết của tớ là khoảnh khắc. Tất cả là khoảnh khắc, ông nhắc lại.

Chàng trai dè dặt hỏi ông, hình như thầy đồng quan điểm với trường phái Ấn tượng. Ông rít một hơi thuốc lào, nhả khói, nhìn làn khói  lơ lửng giữa khoảng không, trầm ngâm, tớ cũng chả biết nữa.  Chỉ là chuyện Dị sàng đồng mộng của những kẻ cùng làm một thứ lao động  thôi mà.

Khoảnh khắc. Phải rất lâu sau, phải làm hỏng, phải bỏ phí hàng ngàn khoảnh khắc, ông mới hiểu lời dạy của thầy, mới có thể làm chủ được những khoảnh khắc. Các bức ảnh của ông đã được tạo nên trong những khoảnh khắc huyền diệu của trời đất, cỏ cây, sông núi. 

Ông không có thói quen chụp nhiều ảnh cho một cảnh sắc như người khác vì tin chắc rằng chỉ có một khoảnh khắc duy nhất cho điều mình muốn ghi nhận, một lần duy nhất, không thể lặp lại.

Sau cuộc triển lãm đầu tiên của ông, thầy bỗng đổi cách xưng hô. Không còn cậu cậu tớ tớ nữa mà là Anh và Tôi. Ông thấy sờ sợ, thấy xa cách sao đó nhưng một người bạn từng sống lâu ở tòa báo bảo ông, đó là cách thầy công nhận tài năng của anh đấy. Không mấy người trẻ được như vậy đâu.

Những năm cuối đời, mắt thầy ngày một mờ đi, cho đến khi mắt phải của thầy lòa hẳn, không thể  nhìn qua ống kính được nữa, thầy mới gác máy. Thầy bảo, Trời chỉ cho ta được hưởng mọi thứ đến một giới hạn nào đó. Tôi đã nhìn nhiều hơn số lần được nhìn trong đời của một người rồi. Giờ thì dù muốn dù không, mình cũng chỉ có thể nhìn đời bằng một mắt mà thôi.

Thầy trao lại chiếc máy ảnh cho ông. Đó là chiếc máy ảnh ông mang theo khi gặp tai nạn. Như có phép màu, chiếc máy ảnh cũ chỉ sây sát chút đỉnh. Ông nghĩ, có lẽ mình cũng đã đi nhiều hơn số lần được đi trong đời một con người.

Cũng như thầy, ông chỉ dùng một chiếc máy ảnh chụp phim duy nhất cho  công việc của mình, chiếc Nikon F100 thầy để lại. Ông có cảm giác khi lấy nét bằng tay, đo sáng bằng mắt, có cái gì đó như sự gắn bó của cơ thể, của máu thịt với cảnh vật. Có lẽ nó cũng giống như người làm thơ nọ chỉ muốn viết trên mặt giấy, để nghe thấy tiếng lạo xạo khi ngọn bút tiếp xúc với trang giấy, nhìn thấy vết dập xóa trên mỗi con chữ, ngay cả khi máy tính đã là vật dụng phổ biến cho tất cả mọi người.

Có ai chê ông cổ lỗ, bảo thủ, ông chỉ cười, không thanh minh, không giải thích. Một đồng nghiệp lâu năm bảo ông có cái cười giống VH, người thầy của ông. Ông hỏi, nghĩa là sao. Nghĩa là tin mình đúng nhưng cũng không phủ nhận người khác, người bạn đáp.

Sau tai nạn, ông đem chiếc Nikon 100 cất vào tủ đựng tài liệu, bên cạnh chiếc Leica của thời khởi nghiệp. Dần dà, ông đã quen nhìn chúng như nhìn những hiện vật bảo tàng. Xin đừng chạm tay vào.

Mọi việc lướt qua ông như một cuốn phim quay chậm, không lời thoại, trong khi ông vẫn chăm chú nhìn xuống dòng sông, nhìn con thuyền đứng yên, nhìn rặng cây thấp xanh tươi chạy dọc đôi bờ sông vắng lặng.

Ông không ngờ, chính cuốn phim quay chậm đó đã làm thức dậy nỗi khao khát bị chôn vùi nhiều ngày tháng. Tự nhiên ông thấy lòng dạ cồn cào như sắp sửa bị cơn đau bao tử, thấy rất thèm cầm chiếc máy trong tay, thèm được đưa máy lên ngắm, thèm được nheo mắt, được ấn nhẹ ngón tay vào contac trong khoảnh khắc này. Linh cảm cho ông biết ông sẽ có một bức phong cảnh tuyệt vời.
(Còn tiếp)
Trò chuyện cùng tác giả

Nghệ thuật không nhằm tạo ra các nghệ sĩ

Mot mien hoa tam giac mach (Phan 1)
Nhà thơ Ý Nhi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của thế hệ mình, Ý Nhi vẫn quen được người đọc nhớ tới như một Người đàn bà ngồi đan (tên một tập thơ nổi tiếng của chị), một người đàn bà làm thơ, đan dệt những ngôn từ và cảm xúc của mình một cách tinh tế, sâu thẳm và đầy ám ảnh.

Vì vậy, thật đáng ngạc nhiên khi những truyện ngắn của chị bỗng xuất hiện với một cấu tứ rất nhà-nghề-văn-xuôi, và với những chi tiết hoàn toàn “lý tính” để dựng nên chân dung nhân vật làm bất ngờ cả độc giả lẫn đồng nghiệp.

Truyện ngắn này của chị, Một miền hoa tam giác mạch là một tiêu biểu. Có một nhà nhiếp ảnh đã không còn có thể bay nhảy trong những không gian bao la để săn bắt những khoảnh khắc đành ngồi bên cửa sổ và “săn” chính nỗi đơn côi đầy bất lực của mình…

Nó giống như một bài thơ buồn tuy nhiên vẫn rất đẹp…

* Người ta vẫn nhớ đến Ý Nhi với tư cách nhà thơ, vậy điều gì đã khiến chị viết truyện thay vì làm thơ? 

- Người ta vẫn nói Thơ là món quà Trời cho. Đến một lúc nào đó, ta không còn được nhận món quà đó nữa. Đối với người làm thơ, nhận biết thời khắc ấy là điều rất quan trọng. Khoảng những năm hai ngàn, tôi đã nhận ra mọi việc nên quyết định cho in một Tuyển tập để sau đó dừng lại. Thoạt tiên, tôi nghĩ mình sẽ gác bút, không viết gì thêm nữa. Thế nhưng lại đến một lúc, tôi cảm thấy muốn viết và đã tìm đến một dạng thức khác, đó là truyện ngắn. Mọi việc thật tự nhiên với tôi. Hình như đó là con đường mà rất nhiều người đã đi.

* Thơ Ý Nhi nổi bật ở sự kiệm lời, hầu như không có từ thừa. Viết văn có giúp chị “thoải mái” hơn với từ ngữ?

- Với tôi, làm thơ hay viết văn chỉ là sự thay đổi về hình thức diễn đạt thôi. Mọi người vẫn nhận xét tôi là người kiệm lời khi làm thơ. Tôi nghĩ mình cũng vẫn vậy trong văn xuôi. Nhưng kiệm lời không có nghĩa là không thoải mái khi sử dụng ngôn ngữ.

* Chị hầu như rất ít khi xuất hiện trong các sự kiện văn học sau khi rời Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Chị có thể nói gì đó về cuộc sống hiện nay của mình?

- Tôi vốn không thích chỗ đông người. Có người không thể sống thiếu đám đông. Có người ngược lại. Tôi thuộc loại thứ hai. Hồi còn đi làm, tôi buộc phải có mặt ở chỗ này chỗ khác, thực ra là việc chẳng đặng đừng. Bây giờ thì thoải mái rồi. Mình chỉ gặp những bạn bè thân quen, gần gũi thôi. Nhà tôi ở xa trung tâm, có một mảnh vườn nhỏ. Đọc sách, viết lách chút ít và làm vườn, chăm ao cá. Đó là cuộc sống của tôi hiện nay.

* Là một trong những nhà văn gắn bó với sinh hoạt văn học Việt Nam ở ngay “trung tâm” của nó, điều đó được chị nhìn nhận thế nào?

- Vâng. Ở Hà Nội rồi Sài Gòn, lại làm nghề xuất bản, tôi nghĩ mình rất may mắn. Một cách tự nhiên, mình được thở trong bầu không khí của các hoạt động văn hóa, văn học. Mọi thứ “thấm” vào mình, đem lại cho mình rất nhiều điều hữu ích mà một người ở xa khó có thể có được.

* Rất nhiều nhà văn đã viết hồi ký hoặc chân dung văn học, chị có định làm điều đó?

- Viết hồi ký thì không. Cuộc đời mình không có đủ sự dày dặn cần thiết để có thể viết ra. Hơn nữa, Hồi ký là một thể ký quá đặc biệt. Nó có những nguyên tắc rất nghiêm ngặt, không phải ai cũng làm được. Tôi đang làm một công việc mà bản thân chưa biết nên gọi như thế nào cho phải. Đó là viết lại những kỷ niệm về một sồ nhà văn, nhà thơ, họa sĩ mà tôi quen biết trong hơn bốn mươi năm qua. Có thể coi đây là sự bày tỏ lòng biết ơn của tôi với những gì tôi đã nhận được từ họ. Có thể cuối năm nay tôi sẽ đưa bản thảo này đến nhà xuất bản.
Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)
Chú thích ảnh đại diện: Chân dung nhà thơ Ý Nhi qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một miền hoa tam giác mạch (Phần 1)