Không chỉ chúng ta mà ngay cả bậc thầy ngôn ngữ là thi hào Nguyễn Du cũng quên luôn chuyện này khi viết câu thơ tả Thúy Kiều trong đoạn Mã Giám sinh đi dạm hỏi: “Mặn nồng một vẻ một ưa/Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu”.
Đề tài sex, kể cả trong ngôn ngữ thường được coi là điều kiêng kỵ, nhạy cảm với người Việt. Có lẽ đó là ảnh hưởng của quá trình Nho giáo ngự trị trong thời gian dài ở nước ta. Trong Nho giáo, việc sinh hoạt vợ chồng nếu mà nói ra một cách “không kín đáo” thì dễ bị coi là “dâm tà”, xấu xa vậy.
Tuy nhiên, trước khi Nho giáo có ảnh hưởng ở nước ta thì người Việt có thời gian dài chịu ảnh hưởng văn hóa phồn thực và coi chuyện sinh hoạt vợ chồng rất bình thường. Không những thế, ngôn từ sinh hoạt phòng the đó thẩm thấu vào trong ngôn ngữ đến mức cả ngàn năm Bắc thuộc, cộng thêm ngàn năm phong kiến Nho giáo nữa cũng không phai mờ. Thậm chí, nó còn được đẩy cao lên mức cao quý và lãng mạn trong văn học nhưng nhiều khi chúng ta vì mặc định cái ý vị cao siêu của nó mà quên luôn cái gốc ban đầu. Trong bài này, chúng tôi nói về từ "mặn nồng".
Không chỉ chúng ta mà ngay cả bậc thầy ngôn ngữ là thi hào Nguyễn Du cũng quên luôn chuyện ấy khi viết câu thơ tả Thúy Kiều trong đoạn Mã Giám sinh đi dạm hỏi:
“Mặn nồng một vẻ một ưa
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu
Rằng mua ngọc đến Lam kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường”.
Đầy rẫy sách vở thơ văn nói về chuyện tình cảm mặn nồng nhưng có ai hỏi tại sao lại là mặn nồng không? Chuyện là vì nước ta ở xứ nóng, khi cơ thể hoạt động thì ắt ra mồ hôi. Việc sinh hoạt vợ chồng từ thời xưa đến nay vốn luôn tốn sức và thường tiến hành ở nơi kín đáo, gió khó lọt. Trong mùa nóng nực mà các cụ ngày xưa đâu có máy điều hòa hay quạt máy (còn quạt tay lúc "sinh hoạt" thì chắc khó) nên dễ chảy mồ hôi. Kết quả là miệng phải nếm mùi mồ hôi mằn mặn mà mũi thì phải ngửi mùi cơ thể rất nồng của đối tác. Các cụ ngày xưa cũng chẳng có các loại nước hoa, lăn khử mùi như bây giờ thì làm sao ngăn được mùi hương nồng nàn thoát ra theo tuyến mồ hôi.
Do vậy, thay vì nhắc tình cảm hai người nam nữ yêu nhau say đắm thì người ta dùng luôn từ tình cảm “mặn nồng” để chỉ 2 người đang trong thời kỳ khao khát, muốn gần gũi thân xác với nhau, để nếm mùi mồ hôi mặn, ngửi mùi cơ thể của nhau trong hạnh phúc. Còn nếu hai người chẳng còn thiết tha nhau, không còn khao khát quan hệ nam nữ với nhau thì chỉ cần nói “hết mặn nồng”. Từ mặn nồng vốn thật trần trụi, hoang dại nhưng theo thời gian lại rất bóng bẩy nên thơ trong tiếng Việt.
Rồi từ cái tình cảm mặn nồng vốn chỉ dành riêng để làm tiếng lóng bắt nguồn từ sinh hoạt phòng the, người ta mở rộng mặn nồng ra để diễn tả độ nông sâu trong một mối quan hệ, thậm chí quan hệ vĩ mô giữa các nước trên thế giới (ví dụ có báo đã đặt tít "Cuộc gặp Tổng thống Putin-Trump: Sẽ khó mặn nồng" hoặc "Quan hệ Mỹ-Trung hết mặn nồng sau ‘tuần trăng mật’).
Theo dòng tiến hóa của ngôn ngữ, từ "mặn nồng" là còn được dùng để tả vẻ đẹp, vẻ quyến rũ theo kiểu phồn thực của người phụ nữ với các biến thể khác là mặn mà. Một người con gái mà không khiến nam nhân khao khát đến mức muốn chảy mồ hôi thì khó gọi là có vẻ đẹp mặn nồng được.
Quay lại câu thơ trong truyện Kiều, chúng ta có thể thấy cụ Nguyễn Du tả Thúy Kiều: “Mặn nồng một vẻ một ưa”, có vẻ oan cho nàng quá bởi Kiều lúc đó còn là gái tân, sau khi bị Mã Giám Sinh lừa mua mới biết chuyện chăn gối.
Thế nên tả Thúy Kiều lúc đó theo kiểu biết thú mặn nồng, sành sỏi mặn nồng là không đúng. Còn nếu bảo Nguyễn Du muốn mượn chữ mặn nồng để tả Thúy Kiều là người dâm thì cũng không đúng vì ngay mấy câu trước trong cùng bối cảnh, ông đã tả nàng:
“Ngại ngùng dín gió e sương
Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”.
Để hiểu thêm ý nghĩa của từ mặn nồng, xin mời độc giả nghe Bài không tên số 4 của Vũ Thành An qua trình bày của nam danh ca Tuấn Ngọc với câu rất hay:
"Đếm cho em giây phút mặn nồng
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói sẽ còn mai đây
Chuyện mai sau xin gửi trên tay..." .
Anh Tú
Đọc thêm: Sách giáo khoa giải thích sai điển tích trong truyện Kiều