Canh tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn". Câu tục ngữ này hiện tại còn ít người biết và hiểu đúng nghĩa. Đến nỗi, Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2010) có thống kê nhưng lại để trống phần giải nghĩa và chua là "Chưa rõ nghĩa".
Gần đây, đi các nhà hàng, chúng ta rất hay gặp món rau tập tàng (nấu canh, xào hay luộc) vừa lạ vừa thu hút thực khách. Nó trở thành món độc đáo và hấp dẫn trong thực đơn trên bàn gọi, nhất là vào dịp mùa hè nóng nực, lại ăn nhiều món thịt cá chế biến nhiều dầu mỡ.
Trước hết, ta thử tìm hiểu nghĩa của vế thứ nhất: “Canh tập tàng thì ngon”.
"Tập tàng" chỉ có trong kết hợp "rau tập tàng". Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017) giải nghĩa đây là loại "(rau) lẫn lộn nhiều loại, thường là những loại rau mọc dại, dễ kiếm". Ở miền Bắc, rau tập tàng thường là rau dền cơm, rau sam, rau má, rau ngót, rau đay... Còn ở miền Nam, theo Trần Bá Thoại trong một bài trên báo Tuổi Trẻ thì rau tập tàng là tên gọi chung của một tập hợp nhiều loại rau như: rau má, rau dền gai, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, rau trai, ngò tàu, rau ngổ, rau éo... Giải nghĩa từ nguyên, ông Thoại dẫn lời của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cho chữ “tàng” thuộc bộ thảo, là cỏ hoang, “tập tàng” - tập hợp nhiều loại rau cỏ. Còn người Huế thì cho "tập tàng" là đọc trại âm của "thập tàng" (thập là "mười", hàm ý "nhiều loại rau cỏ hợp lại").
Dù hiểu thế nào thì rau tập tàng cũng là loại cây rau chủ yếu mọc dại, mọc tự nhiên rải rác trong vườn mỗi nhà. Với tính chất "hoang dại", sinh trưởng "được chăng hay chớ" như vậy mà tập tàng trở thành món rau bất đắc dĩ mỗi khi nhà nào đó bất đồ thiếu rau (vì chưa kịp thu hái rau trồng trong vườn hoặc mua ở chợ). Món thực phẩm mang tính "giải pháp tình thế" này hóa ra lại hay. Rau tập tàng chế biến thường tổng hợp của nhiều hương vị rau hợp lại: ngọt, hơi chua, nhần nhận đắng... Luộc cũng ngon và nấu canh (nhất là nấu với tôm tép hoặc cua) lại càng ngon. Chỉ có điều, do tính dân dã, rẻ tiền mà món rau tập tàng được coi là bình dân, ít khi được bày biện trong bữa cơm thịnh soạn dành cho khách khứa (ai lại mời khách món quê mùa thế!).
Nhưng dù sao, dân gian vẫn coi canh tập tàng là món độc đáo, ngon miệng, hợp khẩu vị đã có từ xa xưa.
Có lẽ là từ đặc trưng ngữ nghĩa này mà người đời tiếp tục bổ sung vế thứ hai: "Con tập tàng thì khôn". Nhưng "con tập tàng" nên hiểu thế nào và sao chúng lại khôn nhỉ?
Có ý kiến cho rằng, con tập tàng là "tập hợp các con" trong một gia đình nào đó. Trước hết phải đông (từ 3 trở lên), có thể có cả trai lẫn gái nhưng xuất xứ các con này không giống nhau. Có thể là cả con nuôi, con đẻ. Có thể là các anh chị em này cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Anh chị em đó sống "cộng sinh" trong một mái nhà. Và do đặc thù hoàn cảnh phải "cạnh tranh", tự lập, thường lũ trẻ lớn lên đều dạn dày, tháo vát và khôn ngoan.
Lại có ý kiến cho rằng, "con tập tàng" là kết quả của một quá trình lang chạ của ai đó (thường là phụ nữ). Bởi ở đời, cũng có thể có cô gái nào đấy, vì một hoàn cảnh nào đấy, hoặc có tính lẳng lơ, hoặc quen biết nhiều đàn ông, từng quan hệ tình dục với họ. Thế nào cô nàng lại có thai. Nhưng để biết đích xác bố đứa trẻ là ai thì chính bản thân cô cũng chịu. Thế là đứa bé "oẳn tà rroằn" kia được gọi là "con tập tàng". Cũng từ hoàn cảnh khác người mà đứa trẻ lớn lên có những phẩm chất khác hẳn: rắn rỏi khỏe mạnh, dễ thích nghi và tinh khôn hơn nhiều trẻ khác. Vậy là:
Canh em là canh tập tàng
Con em, con của cả làng góp công...
PGS-TS Phạm Văn Tình