Tình trạng mua bán thai nhi ngày càng phức tạp, tuy nhiên, theo pháp luật hiện nay, thai nhi chưa được xem là con người cho đến khi được sinh ra nên chưa có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi này. Các đại biểu quốc hội cho rằng cần sớm xem xét bổ sung.
Theo dòng thời sự

Mua bán thai nhi: Hành vi vô đạo đức, nguy hiểm nhưng khó xử lý

Lam Thanh 24/06/2024 13:05

Tình trạng mua bán thai nhi ngày càng phức tạp, tuy nhiên, theo pháp luật hiện nay, thai nhi chưa được xem là con người cho đến khi được sinh ra nên chưa có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi này. Các đại biểu quốc hội cho rằng cần sớm xem xét bổ sung.

Sáng 24.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi).

Khoảng trống pháp lý trong mua bán thai nhi

Theo đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình), số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Trong đó, hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý.

anh-man-hinh-2024-06-24-luc-11.30.39.png
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi)

Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, thai nhi chưa được xem là con người và có quyền công dân cho đến khi được sinh. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hình phạt hành vi mua bán thai nhi.

Đại biểu cho rằng pháp luật hiện cũng chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra.

Tuy nhiên, trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng nhấn mạnh tính cấp thiết về việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ trong dự thảo luật.

Theo đó, về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này, đại biểu cho biết, theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

"Việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán", ông Bình nói.

anh-man-hinh-2024-06-24-luc-11.30.46.png
Đại biểu quốc hội Thạch Phước Bình

Ông Bình nhấn mạnh việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình.

"Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người", ông Bình nhấn mạnh.

Theo đó, việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các thành viên mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng.

“Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai”, ông Bình nêu.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người. Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai.

Ngồi một chỗ dùng Zalo, Facebook… cũng có thể dụ dỗ, mua bán người

Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm từ năm 2018 - 2022, cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 người vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người.

Nếu như trong giai đoạn trước đây từ năm 2012 - 2020, việc mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước. Riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ.

“Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay, công nghệ phát triển các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng Zalo, Facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa”, bà Thu nói.

Đối với quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt hỗ trợ nạn nhân mua bán người dành cho nam giới và phụ nữ, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện đón tiếp nạn nhân bị mua bán không có khu vực trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt, mà lồng ghép vào ở chung với các nhóm đối tượng khác.

anh-man-hinh-2024-06-24-luc-11.31.22.png
Đại biểu quốc hội Trần Thị Khánh Thu (Thái Bình)

Điều này dẫn đến lúng túng trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ vì chưa có quy trình tiếp nhận nạn nhân phù hợp và thân thiện, thiếu quy định về quản lý các trường hợp và quy trình hỗ trợ nạn nhân đặc thù; đặc biệt thiếu hẳn quy định đón tiếp trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ bị mua bán để chờ xác minh, xác định nạn nhân.

“Thực tế cho thấy, còn khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ. Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm, còn những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản hoặc những người bị mua bán trong nội địa thường ít nhận được sự quan tâm hơn”, bà Thu nói.

Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Xây dựng pháp luật phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều 28.9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự họp có các Phó thủ tướng Chính phủ: Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua bán thai nhi: Hành vi vô đạo đức, nguy hiểm nhưng khó xử lý