Cơn mưa trắng trời chiều 26.9.2016 (lượng mưa trên 100ml) đã gây ngập lụt nghiêm trọng cho TP.HCM. Hầu hết các tuyến đường, ngoại thành cũng như nội thành, đều ngập sâu như sông rạch miền tây mùa nước nổi! Bến xe miền tây thành… “bến ghe”, sân bay Tân Sơn Nhất thành… “sân bơi”, ngay như tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố (68 tầng) cũng bị ngập nước.

Mưa là ngập ở TPHCM, nhìn từ… quy hoạch!

27/09/2016, 16:34

Cơn mưa trắng trời chiều 26.9.2016 (lượng mưa trên 100ml) đã gây ngập lụt nghiêm trọng cho TP.HCM. Hầu hết các tuyến đường, ngoại thành cũng như nội thành, đều ngập sâu như sông rạch miền tây mùa nước nổi! Bến xe miền tây thành… “bến ghe”, sân bay Tân Sơn Nhất thành… “sân bơi”, ngay như tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố (68 tầng) cũng bị ngập nước.

Nhiều con đường ở TP.HCM biến thành sông sau cơn mưa chiều 26.9.2016

Có thể nói, tất cả công trình chống ngập của TP.HCM từ trước đến nay đã bị “vô hiệu” bởi cơn mưa lớn chiều 26.9 (những cơn mưa lớn đang có xu hướng ngày càng nhiều). Vì sao vậy?

KTS Lê Đình Quang (người có nhiều năm làm quy hoạch đô thị tại Mỹ) cho rằng, chính quyền TP.HCM cần phải thay đổi tư duy về chống ngập lụt trong đô thị, nếu muốn cải thiện tình hình.

Bởi, thực tế lâu nay, TP.HCM quá chú trọng vào giải pháp chống ngập tạo độ chênh cốt nền để thoát nước từ nơi cao xuống nơi thấp. Cách thức phổ biến hiện nay là “ngập đâu, nâng đó” - đường ngập thì nâng đường, hẻm ngập thì nâng hẻm, nhà ngập thì nâng nhà… Cho nên, mới xảy ra hiện tượng: hết ngập ở khu này (nâng cao) thì phát sinh ngập ở khu khác (bị thấp hơn khu mới nâng), một vòng luẩn quẩn.

“Cuộc đua nâng đường, nâng hẻm, nâng nhà nếu cứ thế tiếp diễn thì ngập sẽ hoàn ngập”, ông Quang nhận định. Theo ông, TP.HCM nên học cách chống ngập lụt đô thị Tokyo của người Nhật, đó là xây hồ chứa nước mưa lớn và sâu dưới lòng đất ở vùng ngoại ô (thông với sông chảy qua thành phố). Khi có mưa, lũ toàn bộ lượng nước sẽ đổ về hồ này và thoát ra sông…

Ông Quang cũng đề xuất những khu vực thấp như Phú Lâm (Q.6), Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), Khánh Hội (Q.4)… có thể làm hầm (dưới các công viên, bãi đậu xe) hoặc các hồ sinh thái để chứa nước. “Việc xây các hầm, hồ chứa nước không chỉ giúp chống ngập lụt mà còn góp phần trả nước về bổ sung cho lượng nước ngầm hiện đang bị thiếu hụt trầm trọng cũng như làm mát thành phố vào mùa nóng”, ông nói.

Tất nhiên, theo ông Quang, để giải bài toán chống ngập thì chính quyền TP.HCM nhất thiết phải khôi phục lại hệ thống kênh, rạch, ao hồ đã bị lấn chiếm…

Ở một góc nhìn bao quát, KTS Võ Thành Lân cho rằng, chính quyền cần xem xét lại quy hoạch định hướng và cách quản lý sự phát triển của đô thị TP.HCM. Theo ông, địa hình Sài Gòn thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông - thấp nhất là nơi tiếp giáp sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (Nhà Bè) trước khi đổ ra biển. Do vậy, từ thời Pháp thuộc các nhà quy hoạch bỏ ngỏ vùng phía Nam Sài Gòn và định hướng đô thị Sài Gòn chỉ phát triển về phía Bắc – Đông Bắc (vùng cao) để tránh ngập lụt.

Tuy nhiên, những năm gần đây, TP.HCM phát triển theo hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam – tiến ra biển và hai hướng phụ là Tây - Bắc và hướng Tây, Tây – Nam (theo Đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025). Mô hình phát triển đô thị bung ra tứ hướng được ông Lân ví như trái sầu riêng - hướng nào cũng có thể gỡ múi mà ăn một cách dễ dàng, bất chấp.

Khởi đầu là sự hình thành khu Phú Mỹ Hưng, rồi khu Nam Sài Gòn - với đại lộ hoành tráng Nguyễn Văn Linh như một con đê chặn cửa ngỏ thoát nước bao đời về phía Nam của TP.HCM. Cộng thêm sự chính thức hình thành các quận mới: quận 2, 9, 7, 12… đã mở đường cho việc san lấp hồ ao mặt ruộng, dựng lên vô số khu dân cư chen lẫn các khu công nghiệp…

Cùng với đó, có rất nhiều dự án nhà đất mà công trình được xây lên để bán mặt bằng chứ chưa phải nhằm tạo ra môi trường sống; trong khi các nhà quản lý đô thị không kiểm soát được mật độ bê tông hóa - mặt đất tự nhiên không được bảo vệ - nên nước mưa không thoát theo kiểu thẩm thấu được…

Phát triển đô thị như thế, theo ông Lân, là cách “thu tiền ăn ngay, còn tương lai thì lâm vào ngỏ cụt”, bế tắt như đã thấy: triều cường ngày càng cao (do biến đổi khí hậu), đất nền của thì bị lún (do khai thác nước ngầm và “sức nặng” của các cao ốc ngày càng nhiều), nước mưa thoát không kịp (do phát triển đô thị thiếu kiểm soát, san lấp kênh rạch, ao hồ tràn lan – xóa sổ các túi nước điều tiết tự nhiên và chặn đứng nhiều dòng chảy)…

Có thể nói, chính sách phát triển đô thị của TP.HCM trong thời gian qua đã góp phần làm cho thành phố ngày càng ngập. Vì dễ dàng nhận thấy là, khi thực hiện các dự án lớn như khu đô thị lớn như Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Thủ Thiêm, khu lấn biển Cần Giờ, khu dân cư Bàu Cát (Tân Bình), khu dân cư Bình Phú (Q.6), khu dân cư Thảo Điền, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (Q.2)… thì rất nhiều ao hồ, kênh rạch đã bị biến mất.

Theo ông Lân, vài chục ngàn tỉ đồng đã đổ ra đầu tư cho hệ thống cống rãnh ở TP.HCM trong thời gian qua được thực tế chứng minh rằng, “chỉ có tác dụng như là một hiệu ứng bình thông nhau, gom nhiều điểm ngập lại thành một cho tất cả cùng hưởng khỏi ai phân bì”.

Vì vậy, cũng như ông Quang, ông Lân cho rằng, nếu TP.HCM không xây dựng hệ thống trữ và trung chuyển nước ngầm mênh mông dưới lòng đất như ở Paris, Tokyo (dùng những khoảnh đất còn sót lại ở vành đai các quận mới), khơi thông bán đảo Thanh Đa (vùng điều tiết nước cận đô thị đã trở thành cái ao do bị nhà cửa vây kín mặt sông), thì một khi khu đô thị Thủ Thiêm mọc lên theo quy hoạch, chắc chắn bài toán ngập lụt sẽ càng nan giải.

Nhưng, ngoài việc xây dựng hệ thống hồ trữ nước và trung chuyển nước, giải pháp chống ngập cho TP.HCM trong thời gian tới chỉ có thể là điều chỉnh lại chính sách phát triển đô thị theo hướng “thân thiện với môi trường” – thuận theo tự nhiên; chứ nếu cứ phát triển như hiện nay thì phải tốn kém rất nhiều cho hệ thống đê bao khổng lồ hàng tỉ đô la Mỹ như ai đó đã đề xuất.

Tóm lại, theo ông Lân, “cái mô hình quy hoạch phát triển kiểu trái sầu riêng có lẽ chỉ áp dụng được ở bắc cực, nơi mà cây kim chỉ nam quay tít không phải định hướng gì cả và nhất là không phải lo gì cái chuyện thế thái nhân tình. Còn áp dụng ở đây, đất Sài Gòn này, lại chứng tỏ một điều: sự mất phương hướng từ lâu đã ngự trị trong những cái đầu”.

Quang Chung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mưa là ngập ở TPHCM, nhìn từ… quy hoạch!