Bước ra từ chiếc ao làng nhỏ hẹp, nghệ thuật múa rối với những trò diễn mộc mạc, giản dị kể về cuộc sống của người nông dân nhanh chóng chinh phục đông đảo công chúng khắp nơi, sớm có vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Múa rối Việt vươn ra thế giới

Theo KTĐT | 26/01/2023, 09:00

Bước ra từ chiếc ao làng nhỏ hẹp, nghệ thuật múa rối với những trò diễn mộc mạc, giản dị kể về cuộc sống của người nông dân nhanh chóng chinh phục đông đảo công chúng khắp nơi, sớm có vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

“Linh hồn của đồng ruộng Việt Nam”

Ra đời trong lòng xã hội nông nghiệp truyền thống, trải qua lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển, nghệ thuật múa rối tồn tại như một trò chơi dân gian, hình thức giải trí đem lại niềm vui cho người dân sau những giờ lao động mệt mỏi. Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam bao gồm nhiều loại hình như múa rối cạn, rối nước, rối bóng, rối que, rối dây, rối tay, rối mặt nạ… nhưng có lẽ quen thuộc hơn cả là múa rối nước.

Các vở diễn trong múa rối nước mô tả những cảnh sinh hoạt đời thường và công việc nhà nông như: Đi cấy, đi bừa, chăn vịt, úp nơm, đánh cá, xay lúa, giã gạo, câu ếch, bắt vịt; các quang cảnh lễ hội như múa rồng, múa sư tử, rước kiệu, đấu vật, đánh võ, chọi trâu, chọi gà, đua thuyền, bơi chải, đánh đu; ca ngợi truyền thống chống giặc ngoại xâm của Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo; các trích đoạn chèo, tuồng như Thị Màu lên chùa, Thạch Sanh, Tấm Cám... Nhìn chung, múa rối nước tạo nên sự độc đáo, diệu kỳ, hấp dẫn từ trò, tích trò đến sân khấu.

Là tên tuổi gần như đã đóng đinh với nghệ thuật múa rối, NSƯT Chu Lượng – nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ, do thể hiện đậm nét sức sống và bản sắc văn hóa Việt Nam, múa rối nước được công chúng, nhất là du khách nước ngoài rất yêu thích. Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã mang nghệ thuật múa rối nước đi biểu diễn ở khắp các châu lục.

Trong đó, Nhà hát Múa rối Thăng Long từng nhận được danh hiệu nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn liên tục 365 ngày trong năm. Hầu hết khán giả nước ngoài đều ngạc nhiên và thán phục múa rối nước của Việt Nam. Người Pháp gọi đó là “linh hồn của đồng ruộng Việt Nam” và cho rằng múa rối nước xứng đáng là một trong những hình thức quan trọng nhất của sân khấu múa rối thế giới.

muaroi.jpg
Hình ảnh trong vở diễn múa rối “Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng” của Nhà hát Múa rối Thăng Long - Ảnh: Lại Tấn

Sức hấp dẫn kỳ lạ

“Thật kỳ lạ!”; “Tại sao lại có loại hình nghệ thuật lấy mặt nước làm sân khấu?”; “Cuộc sống của người dân Việt Nam trình diễn trên mặt nước”; “Không thể tin nổi tại sao con rồng vừa phun lửa, vừa phun nước được chứ?”... Đó là những thông tin đăng trên báo quốc tế về múa rối nước Việt Nam lần lưu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Pháp năm 1984.

Kể về kỷ niệm này, NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT-DL cho biết: “Lúc đó tôi mới về công tác tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, có chương trình biểu diễn nghệ thuật do Pháp mời. Phía bạn yêu cầu 3 đoàn gồm cải lương, chèo và múa rối. Các đoàn cải lương, chèo, nghệ sĩ hát rất hay, kiều bào đến xem xúc động. Nhưng những suất diễn của múa rối nước đông đảo hơn gấp bội, thu hút rất nhiều khán giả quốc tế. Có lẽ cải lương hay chèo vướng rào cản về ngôn ngữ, còn múa rối nước thì không có bất cứ rào cản nào cả”.

Với những vị khách nước ngoài, hình ảnh hai con rồng vàng thuôn dài lấp lánh uốn lượn, lặn ngụp rồi ngoi lên phun nước, phun lửa với làn khói trắng mờ ảo để lại nhiều ấn tượng. Với những nét độc đáo đó, từng có nhiều quốc gia như Ai Cập, Hà Lan... sang Việt Nam học hỏi nghệ thuật rối nước.

Câu chuyện về chị May Mohab là trưởng đoàn rối nước đầu tiên ở Ai Cập và Trung Đông được nhiều người nhớ đến. Theo đó, từ năm 2008, ở tuổi 23, Mohab quyết định chọn rối nước Việt Nam làm đề tài nghiên cứu luận văn Thạc sĩ. Bốn năm sau, chị có cơ hội lần đầu tiên tới Việt Nam tham dự liên hoan múa rối trong tư cách một nhà thiết kế sân khấu và thiết kế con rối của Nhà hát Múa rối Cairo. Đó cũng là lần đầu tiên chị được tận mắt xem múa rối nước Việt Nam. Mohab có thể ngồi hàng giờ ngắm nhìn những con rối gỗ một cách say sưa, để rồi những ý tưởng kịch bản cứ nhảy nhót trong đầu.

Năm 2013, Mohab một lần nữa trở lại Hà Nội để học hỏi và nghiên cứu múa rối nước Việt Nam với khát vọng mang loại hình nghệ thuật độc đáo này về phổ biến tại quê nhà. Những ngày ở Việt Nam, chị được gặp gỡ, làm việc, học hỏi với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ rất am tường và tâm huyết với loại hình nghệ thuật này. Một trong số đó là NSƯT Chu Lượng, một người chị gọi là thầy, là “cha đỡ đầu”, người đã giúp chị rất nhiều trong quá trình học hỏi.

Với tâm huyết của mình, đoàn múa rối Ai Cập đã biểu diễn tiết mục múa rối nước “Isis và Osiris” do May Mohab làm đạo diễn vào sáng 8.3.2019 tại Nhà hát Múa rối Thăng Long. Tiết mục này là kết quả của quá trình hợp tác giữa các nghệ sĩ hai nước, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ VHTT-DL Việt Nam và Bộ Văn hóa Ai Cập.

Người người, nhà nhà làm rối

Từ năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập ngành rối Việt Nam. Mong muốn của Người là “cần có đoàn múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi thêm niềm vui, thêm tiếng cười”. Cho tới nay, có thể thấy vai trò của nghệ thuật múa rối đã có một chặng đường dài song hành cùng lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, nghệ thuật múa rối đang gặp rất nhiều khó khăn.

NSND Chu Lượng từng hài hước nói về sự phát triển của rối tư nhân hiện nay: “Người người làm rối, nhà nhà làm rối”. Nếu quản lý không tốt, sự nở rộ của rối về lượng sẽ dẫn đến sự suy giảm về chất. Ngay như cách kết hợp rối nước với ẩm thực một số nơi đang làm, nghệ sĩ cũng thấy chướng: “Xem múa rối là xem múa rối, cũng như xem kịch, xem opera… Vừa ăn vừa xem múa rối, thử hỏi có ra gì?”.

Có một nghịch lý là tuy múa rối nước được coi là đặc trưng của văn hóa Việt Nam nhưng chủ yếu lại dành cho khán giả nước ngoài, còn công chúng trong nước chưa quan tâm nhiều. Vì vậy, theo các chuyên gia, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về nghệ thuật múa rối nước cho công chúng.

Ngày nay, trong quá trình hội nhập, múa rối cũng có những thay đổi, phát triển. Trong các kỳ liên hoan sân khấu trên thế giới, ở Tây Ban Nha, rối Việt cũng sáng tạo vở diễn về đấu bò tót, ở Nhật có đấu Sumo, tại Nga có biểu diễn rối thiên nga… Đây được xem như tấm giấy thông hành giúp rối nước Việt Nam đến với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Múa rối Việt vươn ra thế giới