Mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 khi được Chính phủ trình lên Quốc hội đã vấp phải khá nhiều sự hoài nghi, thậm chí có Đại biểu còn cho rằng đó là một mục tiêu quá tầm. Vậy, nhìn nhận một cách khách quan, thì mục tiêu tăng trưởng vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua này là khó hay dễ?
Một tin tức đáng chú ý đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, đó là việc Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017 vào cuối giờ chiều ngày 7.11 vừa qua, trong đó mục tiêu đặt ra là đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% so với năm 2016, với hàng loạt các chỉ tiêu quan trọng khác cũng được Quốc hội thông qua. Sở dĩ đáng chú ý là bởi vì trước đó mục tiêu tăng trưởng 2017 do Chính phủ trình lên Quốc hội đã nhận được khá nhiều câu hỏi chất vấn, thậm chí có Đại biểu còn cho rằng đó là một mục tiêu quá tầm. Vậy, nhìn nhận một cách khách quan, thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là khó hay dễ?
Câu trả lời có lẽ là, khó cũng đúng mà dễ cũng đúng. Ngay khi Chính phủ trình lên Quốc hội bản kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chỉ ra những khó khăn trong việc đạt được những mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2017 là 6,7% trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%, nếu so sánh với mục tiêu tăng trưởng của năm 2016 thì có phần khó hiểu: GDP tăng 6,7% và xuất khẩu tăng khoảng 10%. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 sẽ chỉ tăng khoảng 7%, và GDP cũng sẽ chỉ tăng khoảng 6,3-6,5% mà thôi. Nói cách khác, mục tiêu tăng GDP 6,7% trong khi xuất khẩu chỉ tăng 6-7% của năm 2017 dường như có sự mâu thuẫn.
Vấn đề sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ gặp phải nhiều sức ép hơn trong năm 2017, như giá dầu sụt giảm, kinh tế thế giới tiếp tục suy trầm ảnh hưởng đến xuất khẩu, trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn ODA ưu đãi sẽ không còn dễ dàng như trước, nợ công và áp lực trả nợ ngắn hạn đang ngày càng tăng lên và bắt đầu lạm vào chi ngân sách cho đầu tư phát triển. Bản thân kinh tế Việt Nam 2016 cũng không đạt mục tiêu đề ra là 6,7% và phải điều chỉnh xuống còn 6,3-6,5% dù một phần nguyên nhân là do các yếu tố thiên tai và môi trường bất khả kháng, nhưng nó cho thấy kinh tế Việt Nam dường như đang quá mỏng manh và dễ dàng bị tác động.
Tuy nhiên, nói mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 là dễ thì cũng không hẳn là sai. Đúng là nếu cứ tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng cũ thì mục tiêu trên có thể là khó, nhưng nếu chuyển dịch sang mô hình mới thông qua tái cơ cấu nền kinh tế thì việc đạt được mức tăng trưởng 6,7% là điều có thể nằm trong tầm tay. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thì chỉ cần Việt Nam làm tốt 2 việc là thắt chặt chi tiêu ngân sách, thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là đã đủ để tạo ra thêm 0,5% tăng trưởng GDP. Nhận định trên cho thấy dư địa phát triển của kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều, miễn là Chính phủ có thể thực hiện hiệu quả việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế một cách hợp lý thì kể cả mức tăng trưởng GDP 7% đi nữa cũng là điều nằm trong tầm tay.
Nếu nhìn vào những nỗ lực của Chính phủ và Quốc hội ở thời điểm hiện tại, thì cơ hội để Việt Nam đạt được những mục tiêu đó là rất khả quan. Quá trình thoái vốn tại một loạt các DNNN lớn đang bắt đầu được diễn ra, trong khi nguồn lực về tài chính và chính sách bắt đầu được tạo ra và dồn về cho khu vực kinh tế tư nhân. Một loạt các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp vài năm qua được gỡ bỏ, trong khi một số luật mới (như Luật Ngoại Thương, Luật Sửa đổi bổ sung) được xem xét ban hành cũng như một số luật cũ được chỉnh sửa theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (như Luật Du lịch, Luật Chuyển giao công nghệ,…), đang hứa hẹn tạo ra những nền tảng và đòn bẩy hợp lý cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân trong năm 2017.
Khi kinh tế tư nhân, vốn là khu vực năng động và hiệu quả nhất trong nền kinh tế Việt Nam, được cởi trói và hỗ trợ phát triển một cách mạnh mẽ và thực chất, thì việc đạt được mức tăng trưởng cao là điều hoàn toàn có thể.
Có thể nói rằng, ở thời điểm hiện tại, mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ tùy thuộc vào việc các biện pháp tái cơ cấu được tiến hành sâu rộng đến đâu. Về bản chất, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam hiện nay là nỗ lực tái phân bổ nguồn lực vốn hữu hạn một cách hiệu quả nhất có thể thay vì tiếp tục duy trì mô hình cào bằng và đầy bất hợp lý trong những năm qua. Mức độ hiệu quả của việc tái phân bổ nguồn lực phát triển đến đâu sẽ quyết định mức tăng trưởng GDP mà nền kinh tế sẽ đạt được.
Nhàn Đàm